Đầu tháng 5-2023, Chính phủ đồng ý bổ sung khu công nghiệp (KCN) Phạm Văn Hai I (379 ha) và KCN Phạm Văn Hai II (289 ha) tại xã Phạm Văn Hai, huyện Bình Chánh vào quy hoạch phát triển các KCN trên địa bàn TP HCM. Thông tin này lập tức được nhiều nhà đầu tư (bao gồm nhà đầu tư hạ tầng KCN và nhà đầu tư thuê đất) đặc biệt quan tâm.
Tăng quỹ đất công nghiệp
Ông Trần Việt Hà, Phó trưởng Ban Quản lý các khu chế xuất và công nghiệp TP HCM (Hepza), cho biết đã có hơn 10 nhà đầu tư hạ tầng KCN là doanh nghiệp (DN) trong nước lẫn nước ngoài đăng ký tham gia làm chủ đầu tư xây dựng hạ tầng 2 KCN nói trên. Trong đó có những tên tuổi quen thuộc như Logos, Techtronic Industries, Goldman Sachs, Einhell, Quantum… Bên cạnh đó, nhiều DN sản xuất cũng quan tâm, tìm hiểu cơ hội đầu tư mở nhà xưởng ở 2 KCN này.
Nói về tiến độ triển khai dự án, ông Hà cho hay ngay sau khi Chính phủ phê duyệt đưa KCN Phạm Văn Hai I và II vào quy hoạch, Hepza đã đề nghị Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM đưa 2 dự án vào Quy hoạch TP HCM thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Đồng thời, đề nghị Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM đưa 2 KCN này vào kế hoạch sử dụng đất 5 năm 2021-2025.
TP HCM sẽ chủ động mở rộng quỹ đất dành cho công nghiệp để thu hút các nhà đầu tư lớn. Trong ảnh: Một góc KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Khi KCN Phạm Văn Hai I và II hoàn thành, khu vực phía Tây TP HCM sẽ hình thành chuỗi KCN gồm KCN Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh), KCN Tân Tạo (quận Bình Tân) và các KCN Tân Ðô, Tân Ðức, Hạnh Phúc (huyện Ðức Hòa, tỉnh Long An)..., tạo thành vùng công nghiệp trọng điểm, tăng liên kết giữa các KCN, hỗ trợ nhau trong quá trình thu hút đầu tư, thu hút nguồn lao động. Ðặc biệt, tuyến Vành đai 3 đã khởi công trong tháng 6, khi hoàn thành sẽ giúp việc vận chuyển hàng hóa từ các KCN thuận lợi hơn, giảm chi phí logistics.
Đại diện Hepza kỳ vọng 2 KCN mới này nếu đi vào hoạt động sẽ giải được cơn khát mặt bằng sản xuất tại TP HCM trong nhiều năm qua, giúp thành phố có thêm quỹ đất để thu hút các nhà đầu tư lớn.
"Trong nhiều năm, khó khăn lớn nhất của các KCX-KCN TP HCM là thiếu quỹ đất lớn phục vụ nhà đầu tư có nhu cầu xây nhà máy lớn. Thực tế, hơn 10 năm nay, TP HCM không có KCN mới nào. Hiện nay, quỹ đất trống của các KCX-KCN trên địa bàn chỉ 351 ha, bao gồm quỹ đất có thể cho thuê và cả những khu đất chưa đáp ứng được điều kiện về giải phóng mặt bằng, hạ tầng kỹ thuật.
Cập nhật đến thời điểm hiện tại, chỉ có khoảng 41 ha đất có thể cho thuê được, nằm rải rác ở các KCN và mỗi thửa đất chỉ khoảng 5.000-10.000 m2. Do diện tích đất nhỏ, lại không liền thửa nên rất khó thu hút các dự án đầu tư lớn. Một số nhà đầu tư lớn đã chọn Đồng Nai, Bình Dương, Long An để đặt nhà máy sản xuất vì không tìm được mặt bằng phù hợp tại TP HCM" - đại diện Hepza cho hay.
Theo Hepza, còn rất nhiều bước cần thực hiện trong thời gian tới, gồm quy hoạch phân khu 1/2.000 để thiết kế KCN; đấu thầu để lựa chọn nhà đầu tư. Sau khi có chủ đầu tư sẽ làm tiếp các thủ tục liên quan đến môi trường, thu hồi đất, giao đất… Điều đáng mừng là 97% diện tích đất cần giải phóng mặt bằng cho 2 dự án KCN này là đất nông nghiệp nên thành phố sẽ không mất nhiều thời gian giải phóng mặt bằng.
Giành lại lợi thế
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu nhiều biến động, DN toàn cầu thận trọng hơn trong các quyết định đầu tư, nhiều nhà đầu tư vẫn tin tưởng, ra quyết định mở rộng dự án hoặc đầu tư mới vào Việt Nam nói chung, TP HCM nói riêng. Trong 6 tháng đầu năm đã có nhiều đoàn DN từ các nước châu Âu, châu Mỹ lẫn châu Á đã đến TP HCM để tìm hiểu môi trường đầu tư.
TP HCM với những lợi thế lớn như vị trí trung tâm khu vực phía Nam, giao thương thuận lợi với thị trường trong nước lẫn xuất khẩu, là trung tâm của khoa học, công nghệ và độ mở lớn của thị trường… nên luôn là điểm đến ưu tiên của nhiều DN nước ngoài muốn khởi sự làm ăn tại Việt Nam.
Nhiều tập đoàn nước ngoài đang hoạt động tại TP HCM cũng muốn mở rộng dự án. Điển hình là Tập đoàn Intel đã đầu tư thêm 1,5 tỉ USD và mong muốn tiếp tục tăng trưởng tại Việt Nam. Tại buổi họp báo của Hepza mới đây, ông Hứa Quốc Hưng, Trưởng Ban Hepza, cho biết có DN công nghệ cao đang xúc tiến tìm hiểu đầu tư vào TP HCM với quy mô đầu tư khoảng 700 triệu USD.
Báo cáo mới đây của UBND TP HCM cho thấy thành phố đang ưu tiên thu hút đầu tư các ngành kinh tế số, công nghệ vi điện tử, bán dẫn và công nghệ thông tin, tự động hóa, cơ khí chính xác; vật liệu mới, dược phẩm, công nghiệp sinh học, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, công nghệ môi trường, năng lượng sạch…
Nhằm đẩy mạnh hiệu quả thu hút đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài trong thời gian tới, TP HCM định hướng xây dựng các KCN mới có chất lượng và tính cạnh tranh cao, phù hợp với các DN ứng dụng công nghệ cao như robot công nghiệp, cơ khí chính xác, điện tử - công nghệ thông tin, viễn thông, vi mạch…
Cùng với đó là đẩy mạnh xây dựng các dự án hạ tầng giao thông, dịch vụ logistics, tạo thêm quỹ đất công nghiệp cũng như tập trung triển khai đào tạo nhân lực, xây dựng chính quyền số...
Lập KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao
Theo định hướng chung, TP HCM sẽ phát triển công nghiệp dựa trên 4 trụ cột chính, bao gồm: phát triển công nghiệp công nghệ cao, sản xuất sản phẩm công nghệ cao; nghiên cứu phát triển và đổi mới sáng tạo; sản xuất thông minh; liên kết vùng.
Nhằm phục vụ phát triển các ngành công nghiệp hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao, đồng thời đáp ứng nhu cầu về mặt bằng sản xuất của DN, TP HCM sẽ xây dựng và triển khai Đề án thành lập KCN hỗ trợ ứng dụng công nghệ cao tại TP HCM.
Bình luận (0)