Theo Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, thực tế cho thấy các mô hình xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo thành công đều dựa trên sự hợp tác và chia sẻ.
Do vậy việc triển khai xây dựng nền tảng hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo H-OIP sẽ theo phương châm "mỗi cơ sở ươm tạo là 1 khách hàng của H-OIP". Các cơ sở ươm tạo có thể liên hệ với nhóm thực hiện H-OIP hoặc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM để gửi các yêu cầu, ý kiến đóng góp, phát triển.
Hoạt động triển khai về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo tại TP HCM. (Ảnh do Sở KHCN TP.HCM cung cấp).
Năm 2021 vừa qua, dù bị ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng hoạt động khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của TP HCM vẫn đạt được kết quả khả quan. TP HCM xếp thứ 179 trong Top 200 Hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo toàn cầu.
Số lượng doanh nghiệp khoa học và công nghệ TP HCM đứng đầu cả nước với 108 doanh nghiệp. Đặc biệt, TP.HCM có 39/63 thương vụ startup với số vốn gọi được là hơn 837 triệu USD (chiếm 50% số vốn ở cả nước). Một số tập đoàn truyền thống về dệt may, da giày, bất động sản, đồ dùng học tập cũng bắt đầu quan tâm đến startup…
Chương trình Speedup có 2 dự án được nhà đầu tư mua lại định giá tăng 1,1-1,5 lần và đã trả lại kinh phí hỗ trợ của nhà nước. Có 3 dự án đã có lợi nhuận và nộp một phần lợi nhuận của dự án cho nhà nước. Có 6 dự án huy động được từ các quỹ đầu tư gấp 7,5 lần so với phần kinh phí hỗ trợ trước đó của chương trình.
Hiện chương trình Speedup đang hỗ trợ cho 61 dự án, Tổng giá trị định giá của 61 dự án khoảng 29,9 triệu USD, phần kinh phí nhà nước hỗ trợ vào khoảng 1,84 triệu USD (6,1%).
Ông Nguyễn Việt Dũng, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ TP HCM, cho hay ngoài các dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, sở còn hỗ trợ các nhiệm vụ nghiên cứu khoa học và công nghệ giúp giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội như quản trị khu vực công, giáo dục và y tế.
Bình luận (0)