Nhãn tím, một loại trái "độc nhất vô nhị" do ông Trần Văn Huy (63 tuổi; ngụ xã Phong Nẫm, huyện Kế Sách, tỉnh Sóc Trăng) phát hiện và trồng từ cách đây khá lâu luôn hút hàng. Khoảng 10 năm trước, ông Huy tình cờ thấy cây nhãn long trong vườn có một nhánh cho trái màu tím.
Thấy vậy, ông liền chiết nhánh trồng và cây sinh trưởng tốt, cho lá, hoa và trái đều màu tím. Cây nhãn tím cho trái to, có mùi thơm, vị ngọt thanh hơn nhãn long. Ngoài ra, cây có sức đề kháng, chống chịu các loại sâu bệnh tốt hơn hẳn các loại nhãn khác. Trong dịp Tết nguyên đán sắp tới, ông chỉ thu hoạch được gần 100 kg nhãn tím nên không đủ cung ứng cho thị trường.
Ông Huy cho biết năm nay do thời tiết không thuận lợi, cây ít đọt nên trái không nhiều. "Khách liên tục gọi điện đặt mua nhưng tôi không có để bán dù giá đến 100.000 đồng/kg" - ông Huy nói.
Trước Tết, khi nhãn tím bắt đầu ra hoa, khách từ khắp nơi như Sóc Trăng, Cần Thơ, TP HCM, Đà Lạt… đã đặt hàng. Vì vậy, ông đã giao hết nhãn ngay sau khi thu hoạch, hiện chỉ còn một ít bán lẻ tại vườn. Theo ông Huy, khách mua nhãn của ông thường là thương lái, họ bán lại khoảng 300.000-500.000 đồng/kg.
Dịp Tết, nhãn tím của ông Trần Văn Huy không đủ cung ứng cho thị trường
Sở hữu giống cam ruột đỏ đang gây "sốt" ở miền Tây, anh Huỳnh Hoàng Sơn (ngụ xã Phong Hòa, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) đang lấy làm tiếc vì không có hàng bán trong những ngày cận Tết. Loại cam này có ruột đỏ, không hạt, múi mọng nước nhìn rất đẹp mắt, vị ngọt dịu lẫn chua nhẹ. Hiện khu vườn 1 ha của anh Sơn trồng loại cam này và cho trái quanh năm, trung bình thu hoạch 25-30 tấn/ha, giá bán khá cao, 38.000-60.000 đồng/kg, tùy từng thời điểm.
"Mấy ngày qua, khách gọi gần "cháy máy" để đặt hàng nhưng tiếc là tôi không có cam để bán. Hồi tháng 10 âm lịch, do xử lý ra hoa không đạt nên không cho trái đúng dịp Tết. Có khách trả giá 60.000 đồng/kg và mua với số lượng lớn nhưng tôi phải từ chối" - anh Sơn tiếc nuối.
Gần đây, nhiều người tìm đến nhà ông Huỳnh Công Thống (phường Tân Lộc, quận Thốt Nốt, TP Cần Thơ) để mua và chiêm ngưỡng cây nho thân gỗ. Loại này độc đáo ở chỗ trái có hình dáng giống trái sung, hương như rượu vang, từ vỏ đến hạt đều ăn được và có cả 3 vị chát, chua và ngọt. Năm 2012, ông Thống được người thân ở Mexico gửi về 200 hạt nho thân gỗ. Ông ươm hạt, nhờ hợp khí hậu và thổ nhưỡng nên tỉ lệ nảy mầm cao.
Khi trồng, ông thấy có vài cây phát triển khác với những cây còn lại nên chọn ra chăm sóc riêng. Sau khoảng 3 năm, những cây nho được chọn lọc bắt đầu cho trái, khác hẳn với trái nho thân gỗ ở Mexico. Cây của ông Thống trồng có lá tròn và to, thân giống cây ổi, hoa màu trắng, mọc cả trên thân cây và càng lâu năm thì trái càng sai. Trái nho thân gỗ khi nhai nát có vị đắng nhưng lẫn hậu ngọt.
"Trong dịp Tết này, tôi chỉ cung ứng cho thị trường 40 cây nho thân gỗ đang có trái, khách đã lấy hết rồi. Nhiều người gọi điện hỏi nhưng tôi chỉ còn cây ra hoa, qua Tết mới có trái nên chưa bán" - ông Thống bộc bạch.
Với cây cao khoảng 1,5 m, 20-30 trái, ông Thống bán 4 triệu đồng/cây, trong khi ngày thường chỉ 3 triệu đồng. Theo tiết lộ từ nhà vườn này, do đây là loài cây cho trái khá lạ nên rất nhiều đại gia săn hàng để chưng trong ngày Tết.
Ông Nguyễn Văn Dị (ngụ xã Hưng Khánh Trung B, huyện Chợ Lách, tỉnh Bến Tre) cho biết năm 2020 là năm con chuột. Thấy hình ảnh chuột Mickey ở nước ngoài đẹp, lạ mắt nên ông quyết định tạo dáng chuột này trên cây tắc. Dịp Tết Canh Tý 2020, ông bán ra thị trường khoảng 20 cặp chuột Mickey được tạo hình từ 20 chậu tắc. Tùy kích thước của mỗi cặp mà khách hàng đặt sẽ có giá bán khác nhau, từ 3-10 triệu đồng/cặp.
Bình luận (0)