Hàng chục năm trước, tên Krông Pha gắn liền với một số loại cây truyền thống của địa phương có hiệu quả kinh tế thấp. Còn giờ đây, người ta ví Krông Pha như một phiên bản Nam Bộ thu nhỏ khi hầu hết các loại cây ăn trái của đất phương Nam đã có mặt trên vùng đất này.
Từ xoài cát Hòa Lộc đến bưởi Năm Roi
Tháng 7 này, từng đoàn du khách trong Nam ngoài Bắc đã tìm về Ninh Thuận để tận hưởng cái nắng, cái gió đặc trưng của xứ sở cây xương rồng, vốn được ví như “tiểu sa mạc” của Việt Nam. Không ít người trong số này muốn tận mắt chiêm ngưỡng những vườn cây trái Nam Bộ xum xuê ở Krông Pha, “ải địa đầu” trên Quốc lộ 27, dưới chân đèo Ngoạn Mục.
Như bao buổi sáng khác, vườn cây ăn trái của ông Đỗ Văn Hoàng đón hơn chục du khách đến từ Quảng Trị. Vườn không lớn lắm, chỉ độ 7 sào nhưng có cả chục loại cây, từ xoài cát Hòa Lộc đến chôm chôm, sầu riêng, dừa dứa và cả bưởi Năm Roi.
Dẫn khách tham quan, ông Hoàng vừa tâm sự: “Hơn 7 năm trước, nhân dịp vào Tiền Giang, tôi được người quen tặng cho vài cây mít và chôm chôm giống. Lúc đầu, tôi nghĩ mang về trồng chơi trong vườn nhà cho vui, không ngờ lại phát triển tốt. Vài năm sau, cây cho quả xum xuê. Vậy là tôi quyết định mua thêm một số loại về trồng”. Chỉ tay về phía hàng dừa xiêm cuối vườn, ông khoe chỉ 40 gốc thôi nhưng mỗi tháng thu hoạch 2 lứa, thu gần 4 triệu đồng. “Có đồng ra đồng vô ổn định cho mấy đứa nhỏ” - ông bộc bạch.
Hàng xóm của ông Hoàng, bà Nguyễn Thị Bé có vườn cây khá “oách” với hơn 5 ha. Khoảng giữa năm 2008, bà Bé đầu tư 500 triệu đồng cải tạo vườn tạp thành vườn Nam Bộ, trồng gần 1.000 gốc măng cụt, sầu riêng, chôm chôm, bưởi, sơ ri… Sau hơn một tháng khăn gói vào Đồng Tháp học kỹ thuật canh tác, trở về chăm sóc cây trồng bài bản, vườn nhà bà hiện xum xuê nhất nhì Krông Pha.
“Nhờ thời tiết ổn định, chăm sóc đúng cách, mấy năm nay, trái ra đều đều. Tính riêng tiền bán sỉ cho thương lái cũng được tầm 100 triệu đồng/năm. Các khoản lặt vặt như thu tiền khách tham quan, xe đường dài ghé mua cũng được vài chục triệu đồng. Nhờ vậy mà tôi cất được nhà mới, nuôi đứa út đang học đại học ở TP HCM” - bà Bé khoe.
Chị Nguyễn Thị May - một thương lái ở Ninh Thuận với thâm niên gần 6 năm thu mua nông sản của Krông Pha để bán về các tỉnh miền Trung - cho biết trái cây Krông Pha có nét riêng, ngọt ngào như trái cây Nam Bộ nhưng mùi vị đậm đà hơn, có thể do ảnh hưởng thổ nhưỡng và thời tiết của Ninh Thuận. “Trái măng cụt chẳng hạn, thơm, không ngọt gắt như ở các nơi khác, trung bình 5-6 múi, ít lép. Chôm chôm thì giòn, tróc hạt, ngọt thanh” - chị May so sánh.
Những nông dân Krông Pha mạnh dạn chuyển đổi vườn tạp thành vườn “giàu” như ông Hoàng, bà Bé không phải hiếm. Số này hiện đã lên đến gần 100. Nhiều gia đình từ chỗ chỉ đủ ăn, đủ mặc, sau vài năm đầu tư cải tạo vườn tạp, đến nay đã xây được nhà mới khang trang với đầy đủ tiện nghi, con cái học hành đến nơi đến chốn, có của ăn của để.
Xây dựng thương hiệu
Theo thống kê của xã Lâm Sơn, mô hình vườn cây ăn trái Nam Bộ nhen nhóm ở đây từ đầu năm 2007. Lúc đó, cả xã chỉ có vài chục hộ chuyển đổi canh tác vườn, với tổng diện tích trên dưới 140 ha. Đến cuối năm 2010, diện tích vườn cây ăn trái lên xấp xỉ 500 ha. Đến nay, tổng diện tích vườn đã cải tạo ở Lâm Sơn gần 700 ha.
Ông Đoàn Nhật Vương, Phó Chủ tịch UBND xã Lâm Sơn, cho biết hiện nay, một số nông hộ vẫn tiếp tục đầu tư, hình thành mô hình du lịch sinh thái vườn để thu hút du khách trong và ngoài tỉnh đến tham quan, mua bán trái cây. “Chúng tôi đã có kế hoạch hỗ trợ, khuyến khích bà con nhân rộng mô hình này. Chỉ vài năm nữa, Krông Pha sẽ là một trong những vùng trọng điểm du lịch sinh thái của tỉnh, đời sống của người dân sẽ khá hơn” - ông kỳ vọng.
Theo bà Toàn Thị Ổn, Trưởng Phòng Nông nghiệp huyện Ninh Sơn, dù diện tích vườn cây Nam Bộ ở Krông Pha tăng qua từng năm nhưng vẫn còn hơn 50% nông hộ chưa chuyên canh sâu, năng suất và chất lượng chưa thực sự ổn định, có lúc bị thương lái ép giá.
“Huyện đang xây dựng đề án vùng cây ăn quả đặc sản mang thương hiệu Krông Pha để hỗ trợ người dân làm ăn. Sau khi có quy hoạch, xác định được loại cây thế mạnh, huyện sẽ kêu gọi nhà đầu tư hỗ trợ về mặt kỹ thuật cho bà con nhằm cho ra các loại quả chất lượng, mang lại hiệu quả kinh tế cao” - bà Ổn cho biết.
“Vườn treo” dưới chân đèo
Krông Pha nằm dưới chân đèo Ngoạn Mục, trên Quốc lộ 27, nối 2 tỉnh Ninh Thuận - Lâm Đồng, cách TP Đà Lạt khoảng hơn 60 km. Nhiều loại cây ăn quả thích hợp với vùng đất này là nhờ ở độ cao hơn 300 m so với mặt nước biển, Krông Pha có khí hậu ôn đới, 4 mùa mát mẻ như cao nguyên Lang Biang.
Từ năm 2007, tỉnh Ninh Thuận đã mời gọi các nhà đầu tư phát triển 2 khu du lịch sinh thái thác Sakai và đèo Ngoạn Mục để thu hút du khách. Do ở trên cao nên những vườn cây ăn trái có nguồn gốc Nam Bộ được trồng ở Krông Pha được ví như “vườn treo”.
Bình luận (0)