Ngày 30-9, Bộ Công Thương đã làm việc với các đơn vị liên quan để thẩm định dự án Tổ hợp lọc hóa dầu Nhơn Hội (dự án Victory Project). Sau buổi làm việc, ông Hồ Quốc Dũng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết hội đồng thẩm định đã nhất trí thông qua dự án với 100% ý kiến đồng ý.
Còn giải trình thêm
Theo ông Dũng, sắp tới, dự án sẽ trình Chính phủ phê duyệt bổ sung vào quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam giai đoạn đến năm 2015, định hướng đến năm 2025. Sau đó, UBND tỉnh sẽ cấp giấy chứng nhận đầu tư và được hưởng ưu đãi giống các dự án lọc hóa dầu khác của Việt Nam.
Để chuẩn bị cho quá trình triển khai dự án, ông Man Ngọc Lý, Trưởng Ban Quản lý Khu Kinh tế Bình Định, cho hay tỉnh chủ trương không kêu gọi, thu hút thêm các dự án đầu tư mới vào Khu Kinh tế Nhơn Hội. Ngoài ra, công tác giải phóng mặt bằng cũng đã sẵn sàng để phục vụ dự án.
Hiện Tập đoàn Dầu khí Thái Lan (PTT, chủ đầu tư dự án) đã ký thỏa thuận với Tập đoàn Dầu mỏ Saudi Aramco (Ả Rập Saudi), theo đó mỗi bên đóng góp 40% vốn; còn lại 20% vốn dành cho nhà đầu tư Việt Nam.
Đến nay, PTT vẫn chưa tìm được đối tác Việt Nam nhưng theo Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lê Hữu Lộc, PTT và Saudi Aramco khẳng định nếu doanh nghiệp Việt Nam không tham gia góp vốn thì họ cũng sắp xếp đủ 100% vốn để triển khai dự án.
Theo nguồn tin của Báo Người Lao Động, mặc dù các thành viên thẩm định đều thừa nhận tính khả thi của dự án nhưng nhiều ý kiến vẫn yêu cầu chủ đầu tư giải trình bổ sung một số yếu tố.
Cụ thể, sản phẩm của dự án này sẽ tiêu thụ trong nước và xuất khẩu với tỉ lệ ra sao. Thực tế, phía chủ đầu tư nghiêng về phương án tiêu thụ phần lớn trong nước bởi không tốn chi phí chuyên chở, có lợi hơn xuất khẩu. Điểm khó là dự án này triển khai cùng thời điểm với một số dự án lọc hóa dầu khác.
“Có dự án đã động thổ như Vũng Rô vẫn khó thành công vì chưa có vốn. Như vậy, trong trường hợp các dự án trong nước tuy đã động thổ nhưng không xây dựng được thì dự án Victory Project sẽ có thị phần để tiêu thụ. Trường hợp các dự án kia xây dựng được thì sản phẩm từ dự án Victory Project phải cạnh tranh” - nguồn tin này nêu rõ.
Ngoài ra, hội đồng thẩm định cũng băn khoăn việc nhà đầu tư dự kiến năm 2015 sẽ lập dự toán chi tiết, năm 2017 bắt đầu xây dựng và đến năm 2021 sẽ cho ra đời thành phẩm... là quá nhanh. Hầu hết các dự án hóa lọc dầu lớn nhất của Việt Nam từ trước đến nay đều thực hiện trên 10 năm.
Hiệu quả kinh tế phải gắn với môi trường
Theo ông Hồ Quốc Dũng, dự án triển khai sẽ đóng góp khoảng 3%-4% GDP cả nước, 30%-40% GDP của tỉnh Bình Định. Phía PTT cũng nhiều lần khẳng định dự án này sẽ lọc khoảng 12 triệu tấn dầu thô/năm để ra các sản phẩm xăng dầu và 8 triệu tấn dầu thô/năm phục vụ cho hóa dầu. Ngoài phần cung ứng trong nước, sản phẩm từ dự án sẽ xuất khẩu đi các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…
Ở góc độ chuyên gia, TS Lê Đăng Doanh lưu ý dự án này về bản chất cũng giống các dự án đầu tư của nhiều tập đoàn đa quốc gia khác ồ ạt chuyển về Việt Nam để hưởng ưu đãi về đất đai như được bàn giao đất sạch, thuế và tiền sử dụng đất, đặc biệt là có nguồn nhân công giá rẻ.
Vấn đề môi trường cũng được TS Lê Đăng Doanh đặc biệt lưu tâm. “Phải rất chú ý đến ô nhiễm môi trường. Singapore khi xây dựng nhà máy lọc dầu, họ đều đặt ở các hòn đảo, tránh xa khu vực dân cư. Do đó, phải xem xét đến thiết kế của phía chủ đầu tư đưa ra xem họ triển khai thế nào, có ảnh hưởng đến môi trường không; cần làm rõ công nghệ của PTT có phải là công nghệ nguồn của họ hay phải nhập khẩu, có bảo đảm chất lượng không” - ông Doanh gợi ý.
Cần sự giám sát kỹ
Nếu được Thủ tướng thông qua, dự án Nhà máy Lọc hóa dầu Nhơn Hội sẽ là dự án hóa dầu có quy mô lớn nhất từ trước đến nay cả về vốn đầu tư lẫn công suất. Như vậy, ngoài Nhà máy Lọc dầu Dung Quất ở Quảng Ngãi đã hoạt động, trong vài năm tới, cả nước sẽ có thêm 3 nhà máy là Nghi Sơn (Thanh Hóa), Vũng Rô (Phú Yên) và Nhơn Hội (Bình Định).
Chỉ riêng Nhà máy Lọc dầu Dung Quất sử dụng dầu thô của Việt Nam, các nhà máy còn lại khi hoạt động sẽ phải nhập khẩu nguyên liệu từ Trung Đông, châu Phi, Trung Mỹ... Một khi đã nhập khẩu nguyên liệu thì lợi ích các nhà máy mang lại cho nền kinh tế sẽ hạn chế, trong khi ngành lọc hóa dầu lại nhận không ít chính sách ưu đãi. Chưa kể, có gì bảo đảm nguồn dầu thô từ nước ngoài sẽ được cung cấp dài hạn!
Theo các chuyên gia về năng lượng, ngành lọc hóa dầu có ảnh hưởng lớn đến môi trường. Do vậy, trong quá trình thực hiện các dự án nhà máy lọc dầu, nếu các cơ quan hữu trách không giám sát kỹ dễ dẫn hệ lụy môi trường bị tàn phá như đã từng xảy ra ở các dự án thủy điện. Thậm chí, nếu thiết bị sử dụng cho quy trình lọc hóa dầu không đạt tiêu chuẩn hiện đại thì vô hình trung Việt Nam là... “điểm đến” tiêu thụ công nghệ lạc hậu của một số công ty nước ngoài.
Chiến lược dầu khí Việt Nam, dự báo nhu cầu các sản phẩm lọc dầu trong nước, giai đoạn 2011-2015 dao động trong khoảng từ 15-20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu dự báo đến năm 2025 chỉ là 27 triệu tấn/năm. Với công suất 6 triệu tấn dầu thô/năm (dự kiến sẽ tăng lên 10 triệu tấn/năm) của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất hiện nay đã đáp ứng khoảng 30% nhu cầu xăng dầu nội địa. Trong vài năm tới, khi 2 nhà máy Nghi Sơn (10 triệu tấn dầu thô/năm) và Vũng Rô (8 triệu tấn dầu thô/năm) đưa vào hoạt động, hoàn toàn bảo đảm nhu cầu của cả nước.
Như vậy, với dự án “khủng” lọc dầu Nhơn Hội, liệu ngành lọc hóa dầu Việt Nam có lâm vào tình trạng “bội thực”, đặc biệt khi thế giới đang dần chuyển sang đầu tư vào các nhà máy chế biến năng lượng sinh học và tìm kiếm các nguồn năng lượng thay thế khác.
Lê Trường
Bình luận (0)