Phát biểu trước gần 2.500 doanh nghiệp (DN) tư nhân tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 do Chính phủ và Ban Kinh tế trung ương đồng tổ chức ngày 2-5 tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết chủ trương nhất quán và xuyên suốt của Đảng và nhà nước là xây dựng nền kinh tế nhiều thành phần. Trong đó, khu vực kinh tế tư nhân có vai trò hết sức quan trọng, cần tìm cách kích hoạt tốt hơn nữa.
Được bình đẳng và khích lệ
Người đứng đầu Chính phủ đã gợi mở nhiều vấn đề để lắng nghe "tiếng nói thật sự" của khu vực kinh tế tư nhân, từ đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, với kỳ vọng DN Việt sẽ vươn ra thế giới. Thủ tướng đã dành tặng cho khối DN tư nhân cả nước 10 chữ "Bình đẳng, được bảo vệ, khích lệ, trao cơ hội" và nhấn mạnh khu vực này sẽ được bình đẳng trước pháp luật, cạnh tranh lành mạnh và tạo điều kiện để tiếp cận nguồn vốn. Thủ tướng cũng khẳng định các DN tư nhân sẽ được bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính, những điều kiện rườm ra.
Đặt kỳ vọng lớn vào sự bứt phá của các DN tư nhân nhưng Thủ tướng lưu ý rằng Đảng, nhà nước sẽ tôn vinh những DN làm ăn chân chính, có trách nhiệm với xã hội; đồng thời lên án những DN làm ăn chụp giật, vi phạm đạo đức kinh doanh.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại phiên toàn thể của Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 chiều 2-5
Nhấn mạnh thêm vai trò của kinh tế tư nhân, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình nói về con số 10 trong Nghị quyết 10 của Hội nghị Trung ương 5 Khóa XII. "Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đánh số 10 cho nghị quyết phát triển kinh tế tư nhân thể hiện mong muốn, quyết tâm của Đảng, nhà nước nhằm đạt được nhiều kết quả thắng lợi giống như nghị quyết "khoán 10" trước đó chúng ta đã triển khai" - ông Bình nói.
Về hoàn thiện thể chế các chính sách kinh tế liên quan đến kinh tế tư nhân, Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết thời gian qua Quốc hội và Chính phủ đã tập trung thể chế hóa các chính sách kinh tế, nhờ đó khu vực tư nhân đã có bước phát triển tích cực khi đạt mốc 715.000 DN vào năm 2018, chiếm vị trí rất quan trọng trong nền kinh tế. Dù vậy, ông Hiển thẳng thắn nhìn nhận việc thực thi pháp luật đối với DN còn nhiều hạn chế, chi phí thủ tục còn tốn kém, thời gian kéo dài. "Thời gian tới, Quốc hội, Chính phủ sẽ phải rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là những luật liên quan đến thể chế, luật công chức viên chức, luật đầu tư, luật sở hữu trí tuệ, luật đất đai... nhằm phá vỡ rào cản, tạo điều kiện cho DN tư nhân tiếp cận với nguồn lực về đất đai, tài chính, tư liệu sản xuất..." - ông Hiển nhấn mạnh.
Trước kiến nghị của các DN tư nhân về việc Chính phủ cần có độ mở, khuyến khích và tạo điều kiện để DN nắm bắt cơ hội từ cuộc cách mạng 4.0, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định nền kinh tế của Việt Nam có nhiều cơ hội cho các thế hệ, nhất là thế hệ trẻ khởi nghiệp. Nền kinh tế trong nước đủ lớn, năng động, hội nhập sâu, tốc độ phát triển nhanh. "Việc của Chính phủ là tạo nên một thể chế pháp luật, nhân lực, hạ tầng và thị trường để tạo điều kiện cho khởi nghiệp" - Thủ tướng nói.
Thủ tướng cũng cho biết Chính phủ, bộ ngành đã tập trung triển khai các giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực; chú trọng đến chất lượng, đáp ứng các yêu cầu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4. Song hành với đó là triển khai hạ tầng, nền tảng kỹ thuật công nghệ; tạo thị trường, tạo điều kiện cho DN thử nghiệm công nghệ mới, mô hình kinh doanh mới. Nhân dịp này, Thủ tướng đã kêu gọi tạo dựng và củng cố niềm tin giữa người dân, DN và chính quyền thông qua một môi trường kinh doanh lành mạnh, minh bạch và công bằng. "Một khu vực tư nhân lớn mạnh, bền vững, bên cạnh khu vực DN nhà nước hiệu quả hơn, khu vực kinh tế hợp tác xã năng động hơn sẽ tạo ra tương lai thịnh vượng, bền vững hơn cho nền kinh tế Việt Nam" - người đứng đầu Chính phủ kỳ vọng.
Gỡ bỏ các rào cản
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường tại diễn đàn đã chỉ ra những thách thức lớn đối với DN tư nhân trong ngành nông nghiệp. Theo đó, nền kinh tế Việt Nam năng suất kém, chủ yếu là nông nghiệp hộ nhỏ lẻ nên để tiến lên nền nông nghiệp hiện đại sẽ gặp không ít khó khăn. Cùng với đó là tác động của biến đổi khí hậu. Theo ông Nguyễn Xuân Cường, để tham gia thị trường, DN tư nhân phải chấp nhận "cuộc chơi" hàng tỉ USD, trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt.
Tại phiên thảo luận chuyên đề diễn ra sáng cũng ngày, ông Cao Đức Phát, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, cho biết thời gian qua, đã có nhiều chủ trương, giải pháp cho lĩnh vực nông nghiệp nhưng các DN tư nhân hoạt động trong khu vực này "còn rất mỏng", chỉ khoảng 6.000 DN. Điểm nghẽn lớn nhất được ông chỉ ra là các DN thiếu sự liên kết bền vững do những đặc thù của ngành nông nghiệp. Theo đó, hiện chỉ có 11%-14% sản lượng nông nghiệp thông qua chuỗi liên kết, cho thấy tiềm năng còn rất lớn.
Bà Thái Hương, nhà sáng lập Tập đoàn TH, đề xuất nhận diện rõ nét nhóm các DN "đầu tàu" trong ngành nông nghiệp trong bối cảnh ngành đang thiếu sự liên kết. Từ đó xây dựng cơ chế, chính sách nhằm tạo động lực và phát triển nhóm này để dẫn dắt. Theo bà Hương, cần sớm hình thành các dự án thí điểm phát triển chuỗi nông - thủy sản có thương phẩm giá trị cao, đáp ứng yêu cầu của các thị trường mục tiêu.
Một khó khăn khác của khu vực tư nhân được ông Nguyễn Hữu Nghĩa, Phó trưởng Ban Kinh tế trung ương, chỉ ra tại phiên thảo luận về tài chính - tín dụng là việc tiếp cận nguồn vốn. Theo ông Nghĩa, hệ thống tài chính, ngân hàng của chúng ta vẫn chưa đáp ứng đầy đủ vốn cho phát triển kinh tế - xã hội, nhất là nguồn vốn trung và dài hạn. Đồng tình với quan điểm này, chuyên gia kinh tế Cấn Văn Lực cho rằng vốn chủ yếu dựa vào ngân hàng sẽ tạo áp lực lên nền kinh tế. Ngoài ra, còn có thực trạng thiếu bình đẳng giữa các khối DN với nhau khi tiếp cận nguồn vốn, quy trình thủ tục để vay vốn vô cùng phức tạp, gây khó khăn cho cộng đồng DN.
Những nút thắt trong tiếp cận nguồn vốn đã được Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định sẽ xem xét tháo gỡ trong thời gian tới. Theo đó, giải pháp trước mắt là tạo kênh huy động vốn trung và dài hạn, chú trọng phát triển trái phiếu DN, các quỹ đầu tư bất động sản, tạo điều kiện cho DN tiếp cận các nguồn vốn này. Đồng thời, đẩy mạnh cổ phần hóa DN nhà nước, thoái vốn nhà nước tại DN, tạo điều kiện cho khu vực tư nhân tham gia vào hoạt động quản trị.
Nhóm DN tư nhân hoạt động trong lĩnh vực du lịch kiến nghị Chính phủ, bộ ngành có chính sách mở hơn về thị thực (visa) để thu hút du khách. Các DN đề xuất Việt Nam cần cởi mở hơn nữa bằng việc cấp visa điện tử, visa cửa khẩu. Nhấn mạnh sự cần thiết của việc xem xét miễn visa đơn phương, DN khẳng định ngành du lịch sẽ tăng trưởng với con số 20% nếu được hưởng các chính sách linh hoạt hơn về visa.
Thủ tướng tham quan triển lãm trong khuôn khổ Diễn đàn Kinh tế tư nhân Việt Nam 2019 Ảnh: Minh Chiến
Tổng Giám đốc Vietravel Nguyễn Quốc Kỳ cho biết nhiều đơn vị đã đề xuất bỏ visa cho một số nước, vùng lãnh thổ từ năm 2016 song vẫn chưa được triển khai. DN này đề xuất áp dụng chính sách visa linh hoạt như Đài Loan áp dụng visa Quan Hồng cho người Việt Nam. "Nếu muốn phát triển du lịch, chúng ta cần có chính sách mở hơn về visa. Visa linh hoạt có thể cấp theo theo thị trường khách đông hoặc vắng theo mùa, theo sự kiện lớn của Việt Nam như giải đua xe F1, SEA Games, Festival Huế…" - ông Kỳ hiến kế.
Trao đổi thẳng thắn với DN tại diễn đàn về vấn đề visa, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng khẳng định bộ luôn sát cánh với ngành du lịch trong quảng bá hình ảnh Việt Nam ra nước ngoài và các kiến nghị về chính sách visa linh hoạt sẽ được xem xét. Trước kiến nghị đơn phương mở visa cho một số quốc gia, ông Dũng cho rằng cần bảo đảm nhiều nguyên tắc. "Theo chỉ đạo của Chính phủ về đơn phương miễn thị thực cho các quốc gia theo lộ trình, Bộ Ngoại giao, Bộ Công an và nhiều đơn vị liên quan đang xây dựng cơ chế chính sách trong việc nhập - xuất nhập cảnh của người nước ngoài vào Việt Nam với mục đích du lịch" - ông Dũng chia sẻ.
Phát huy lợi thế
Trong khu vực kinh tế tư nhân cũng như kinh tế nói chung, ông Bùi Văn Cường, Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, nhận định người lao động là lực lượng quan trọng để tạo ra của cải. Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc tham gia các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đặt ra nhiều cơ hội nhưng cũng không ít thách thức đối với người lao động, đặc biệt trong khu vực tư nhân. Do đó, với vai trò là tổ chức Công đoàn, Tổng LĐLĐ Việt Nam sẽ tăng cường tuyên truyền để người lao động thấy rõ cơ hội, thách thức, tự tạo thời cơ cho mình trước yêu cầu của nền kinh tế.
Xác định con người đóng vai trò then chốt, ông Võ Quang Huệ, Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Vingroup, đề nghị đẩy mạnh việc phát triển nguồn nhân lực, nhất là đào tạo đại học, đào tạo nghề, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo ông Huệ, Chính phủ cần có chương trình kết nối để tận dụng, thu hút sự đóng góp của đông đảo Việt kiều. Đại diện Vingroup cũng đề xuất Chính phủ cần có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ kinh tế tư nhân đầu tư vào các lĩnh vực ứng dụng công nghệ cao, các hoạt động nghiên cứu và phát triển, ứng dụng, chuyển giao công nghệ tiên tiến.
Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh tham gia diễn đàn đã nhấn mạnh đến những đóng góp của phụ nữ cho nền kinh tế nói chung và khu vực kinh tế tư nhân nói riêng khi có không ít nữ tỉ phú USD của Việt Nam. Phó Chủ tịch nước mong muốn phải có nhiều hơn những cái tên nữ tỉ phú Việt Nam trên thương trường khu vực và quốc tế. "Làm thế nào để những nữ doanh nhân Việt không chỉ làm kinh tế giỏi mà còn mang lại các giá trị độc đáo và nhân văn cho xã hội; nữ doanh nhân cần biết cân bằng giữa công việc và cuộc sống..." - bà Thịnh nhấn mạnh.
Phát biểu bế mạc diễn đàn, Trưởng Ban Kinh tế trung ương Nguyễn Văn Bình đánh giá nhiều nội dung về phát triển kinh tế tư nhân đã được trao đổi thẳng thắn. Các ý kiến trong diễn đàn sẽ được tổng hợp gửi đến bộ ngành, địa phương và đôn đốc giám sát. Đồng thời, đề nghị các cơ quan liên quan ưu tiên bổ sung các dự án luật đưa kinh tế tư nhân vào các chương trình phát triển xã hội, thường xuyên đối thoại, tháo gỡ vướng mắc cho DN tư nhân.
Ông Bình một lần nữa nhấn mạnh kinh tế nhà nước, kinh tế cá thể, cùng với kinh tế tư nhân sẽ là nòng cốt để phát triển nền kinh tế độc lập tự chủ; kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài được khuyến khích phát triển. Ông mong muốn DN tư nhân bứt phá hơn nữa, phát huy lợi thế, cạnh tranh lành mạnh. Đội ngũ DN không ngừng tu dưỡng rèn luyện ý chí tự lực tự cường, gắn với lợi ích quốc gia.
Năng suất lao động còn thấp
Tham dự diễn đàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân có bài phát biểu nhấn mạnh DN tư nhân tại TP HCM đóng góp đến 63% tổng sản phẩm nội địa, 41% thu ngân sách. Tuy nhiên, DN tư nhân của TP đang đối mặt với các khó khăn như thủ tục hành chính còn rườm rà, lạc hậu so với thế giới, vẫn còn tiêu cực; luật pháp còn chồng chéo trong khi khắc phục kéo dài. Ngoài ra, vấn đề thiếu vốn, năng suất lao động thấp cũng đặt ra những thách thức lớn cho DN tư nhân. "Năng suất lao động của chúng ta trong những năm gần đây đã thu hẹp khoảng cách với các nước trong khu vực nhưng vẫn còn thấp bởi mức đầu tư cho lao động của chúng ta chưa tương xứng. Tình trạng thiếu đất và nhà, cơ sở kinh doanh dẫn đến hàng chục ngàn DN ra đời nhưng chưa có quy hoạch hạ tầng, dịch vụ. Việt Nam chưa có chính sách để khuyến khích phát triển công nghệ thông tin, DN chưa có tập quán đặt hàng cho cơ sở đào tạo để đào tạo nhân sự cho mình" - Bí thư Thành ủy TP HCM Nguyễn Thiện Nhân nêu rõ.
Sẵn sàng mời gọi tư nhân đầu tư sân bay
Trước yêu cầu về đầu tư hạ tầng giao thông, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể cho biết Chính phủ có chủ trương huy động mọi nguồn vốn để đầu tư, trong đó có DN tư nhân. Hiệu quả từ việc này được ông Thể dẫn chứng bằng các công trình lớn như sân bay Vân Đồn. "Hiện bộ đang kêu gọi xây dựng sân bay Sapa, Lai Châu... và sẵn sàng mời gọi các nhà đầu tư nếu có phương án hợp lý. Chúng tôi đang đề xuất đề án phối hợp với các DN tư nhân phát triển hạ tầng giao thông" - ông Thể nói.
Ông Bùi Quang Ngọc, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Tập đoàn FPT:
Phát triển kinh tế số còn xa thực tế
Việt Nam chưa khỏa lấp được khoảng cách giữa chính sách và thực tế khi phát triển kinh tế số. Chính phủ đã có những chương trình, giải pháp phát triển kinh tế số từ hai thập kỷ trước nhưng đều không đạt kết quả như kỳ vọng ban đầu. Đó là lý do vì sao nói giữa chính sách và thực tiễn còn rất xa vời. Khu vực công phải là "đầu tàu" dẫn dắt phát triển kinh tế số nhưng dường như chưa làm tốt vai trò này. Các chương trình Chính phủ điện tử, giao thông thông minh, thành phố thông minh hay lĩnh vực y tế... còn đang nửa vời.
Theo tôi, đi đôi với kinh tế số là những lĩnh vực, mô hình kinh doanh mới nên hành lang pháp lý phải theo kịp và đáp ứng được thực tiễn. Trong khi hành lang pháp lý của Việt Nam đang chậm từ 3-5 năm so với sự phát triển của kinh tế số.
Ông Lê Văn Quang, Chủ tịch HĐQT Công ty Minh Phú:
Tháo điểm nghẽn ngành tôm
Ngành tôm Việt Nam đang khó bán hàng vì còn nhiều điểm nghẽn. Trong đó, lớn nhất là sản xuất nhỏ lẻ, không truy xuất được nguồn gốc nên không có chứng nhận quốc tế. Giấy thông hành bán tôm ra thị trường quốc tế và các nước lớn là phải có chứng nhận quốc tế, với yêu cầu khác nhau cho mỗi thị trường. Người dân sản xuất nhỏ lẻ thì không thể nào có được những giấy chứng nhận đó
Mất nhiều năm Minh Phú mới tìm ra lời giải cho bài toán truy xuất nguồn gốc, đó là thành lập công ty cổ phần xã hội. Với mô hình này, tất cả những người nuôi tôm sẽ góp đất, nuôi và bán sản phẩm trên chính mảnh đất của mình, từ đó sẽ giải quyết được vấn đề truy xuất nguồn gốc. Mặc dù vậy, doanh nghiệp lại gặp vướng với Luật Chứng khoán. Các công ty cổ phần từ 100 cổ đông trở lên, vốn điều lệ trên 10 tỉ đồng phải hoạt động theo Luật Chứng khoán. Trong khi đó, doanh nghiệp xã hội không bắt buộc người dân góp cổ phần mà để họ tự nguyện, khi làm ăn tốt họ tham gia, không tốt thì họ ra đi. Việc điều chỉnh bằng Luật Chứng khoán doanh nghiệp ra hay vào lại đều phải chờ xin Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, tốn thời gian từ 6 tháng đến 1 năm.
Từ thực tế này, chúng tôi kiến nghị Chính phủ là các doanh nghiệp xã hội không chịu sự chi phối của Luật Chứng khoán. Bên cạnh đó, cần có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn về huy động đất nuôi tôm, bởi thực tế nguyên liệu cung ứng cho các nhà máy chỉ đáp ứng được 30% - 50% nên nhiều nơi phải đóng cửa vì thiếu nguyên liệu.
Ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam:
Địa phương đang "dị ứng" với dệt may
Hiện nay, một số địa phương đang "dị ứng" với ngành dệt may vì cho rằng ngành này gây ô nhiễm. Trong khi để kiểm soát vấn đề này phải được đưa vào quy hoạch chung. Nhưng quy hoạch ngành dệt may đã lỗi thời và không được ai đả động đến, mặc dù chúng tôi đã nhiều lần kiến nghị đến Chính phủ cũng như Bộ Công Thương.
Lần này, chúng tôi tiếp tục kiến nghị xây dựng quy hoạch, phát triển ngành dệt may tầm nhìn 2035-2040, đặt vai trò của Chính phủ với các địa phương, các khu công nghiệp, đầu tư vào công nghiệp dệt nhuộm. Bên cạnh đó, Bộ Công Thương phải là trụ cột trong chiến lược xây dựng nền tảng phụ trợ với ngành công nghiệp dệt may da giày.
Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải (THACO):
Cần thêm ưu đãi thuế cho ngành ôtô
Là doanh nghiệp tư nhân nhỏ bắt đầu hoạt động tại Đồng Nai vào năm 1997 với nghề kinh doanh buôn bán và sửa chữa ôtô. Đến nay, THACO đã phát triển, trở thành doanh nghiệp chuyên sản xuất, lắp ráp đầy đủ các chủng loại ôtô, đầu tư rất lớn cho sản xuất và công nghiệp hỗ trợ.
Tuy nhiên, xe du lịch sản xuất trong nước đang phải cạnh tranh rất gay gắt và không cân xứng với các nước Thái Lan, Indonesia, những thị trường ôtô nội địa lớn hơn Việt Nam nhiều lần (1,5 triệu xe mỗi năm còn Việt Nam mới đạt 300.000). Từ thực tế số lượng xe nhập khẩu từ các nước ASEAN về rất nhiều, trong 3 tháng đầu năm 2019 đã đạt con số 39.000 xe, chúng tôi kiến nghị Chính phủ sớm trình Quốc hội trong năm nay về chính sách không tính thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện phụ tùng sản xuất trong nước nhằm phát triển công nghiệp hỗ trợ và giảm giá thành.
Minh Chiến ghi
Bình luận (0)