Ngày 2-10, ông Kiều Đình Cảnh, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường (QLTT) số 12 (Cục QLTT TP Hà Nội), cho biết đơn vị vừa kiểm tra và thu giữ lô sữa tắm có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu Tesori d'oriente. Lô hàng gồm 566 chai sữa tắm do một đối tượng mua trôi nổi trên thị trường để kinh doanh.
Theo ông Cảnh, trong quá trình kiểm tra, chủ hàng không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ. "Toàn bộ mỹ phẩm có dấu hiệu giả mạo tem nhãn, bao bì của thương hiệu Tesori d'oriente nổi tiếng trên thị trường, trị giá hàng hóa vi phạm gần 100 triệu đồng"- ông Cảnh cho hay.
Lô hàng 566 chai sữa tắm giả mạo
Đội trưởng Đội QLTT số 12 cho biết thêm, lô hàng này được chủ hàng tập kết trong lúc Hà Nội giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính Phủ. Khi Hà Nội nới lỏng giãn cách, đối tượng sẽ "tung" ra thị trường.
Tại Bắc Ninh, ngày 29-9, Cục QLTT tỉnh này đã phối hợp với lực lượng Công an khám phương tiện vận chuyển, tạm giữ gần 5.000 hộp mỹ phẩm có dấu hiệu vi phạm đang được vận chuyển bằng ôtô đi tiêu thụ.
Kết quả khám phương tiện phát hiện trên xe có 3.100 hộp dưỡng trắng da ngọc trai the new skin, 280 hộp sữa rửa mặt Daxuenilan 100 g và 1.150 hộp kem dưỡng da Gohn son’n baby có tổng trị giá ước tính khoảng 50 triệu đồng. Toàn bộ số mỹ phẩm trên do nước ngoài sản xuất, lái xe chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ chứng minh được tính hợp pháp của hàng hóa.
Làm rõ một số vấn đề về mỹ phẩm trôi nổi trên mạng, trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Đức Lê, Phó Cục trưởng Cục Nghiệp Vụ, Tổng cục QLTT (Bộ Công Thương) cho biết, những năm gần đây, quảng cáo, bán mỹ phẩm trên thương mại điện tử, internet, mạng xã hội ngày càng phổ biến. Đây là môi trường thuận lợi để các đối tượng vi phạm lợi dụng bán các sản phẩm mỹ phẩm giả, kém chất lượng nhằm trốn tránh kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan chức năng.
"Mỹ phẩm giả, hàng xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ được sản xuất khá tinh vi, rất khó để phân biệt, tuy nhiên trên các "chợ mạng" hình ảnh sản phẩm thật được các đối tượng sử dụng, quảng cáo để bán sản phẩm giả, xâm phạm quyền"- ông Lê nói và cho biết, ngày càng nhiều các cá nhân, hộ gia đình, hộ kinh doanh nhỏ lẻ tham gia kinh doanh, buôn bán mỹ phẩm thông qua nhiều loại hình phân phối khác nhau, nổi bật là trên môi trường mạng internet.
Về công tác kiểm tra, xử lý các vi phạm trong kinh doanh mỹ phẩm, ông Nguyễn Đức Lê cho hay, công tác giám sát, kiểm tra, xử lý mỹ phẩm giả, kém chất lượng, không rõ nguồn gốc xuất xứ trên môi trường thương mại điện tử gặp nhiều khó khăn.
"Các đối tượng vi phạm thường lợi dụng thương mại điện tử để kinh doanh các loại hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, không rõ nguồn gốc xuất xứ, kém chất lượng, không bảo đảm an toàn"- ông Lê nêu rõ.
Lô mỹ phẩm vi phạm ở Bắc Ninh
Theo đại diện Cục QLTT, trong hoạt động kiểm tra, kiểm soát, lực lượng QLTT gặp rất nhiều khó khăn do thiếu các công cụ hiệu quả để giám sát, theo dõi giao dịch cũng như truy xuất các đối tượng giao dịch, địa điểm kinh doanh, địa điểm cất giữ hàng hóa. Các đối tượng thường đăng bán hàng không đầy đủ thông tin, mập mờ thông tin hoặc đăng bán hàng thật nhưng khi giao hàng cho khách hàng lại không giống như hàng đăng bán.
Để ngăn chặn tình trạng nêu trên, ông Nguyễn Đức Lê cho hay Tổng cục QLTT đã chỉ đạo lực lượng QLTT địa phương tổ chức tuyên truyền, ký cam kết tới từng hộ kinh doanh tại những địa bàn trọng điểm để nâng cao nhận thức và giúp các cơ sở kinh doanh chủ động, tự giác phòng tránh hàng giả, kém chất lượng.
Bên cạnh đó, các đơn vị QLTT đã phối hợp các cơ quan chức năng như hải quan, công an để tăng cường công tác chia sẻ thông tin và phối hợp trong công tác đấu tranh phòng chống mỹ phẩm giả, kém chất lượng.
Theo ông Lê, việc mua mỹ phẩm giả, người tiêu dùng vừa mất tiền vừa bị ảnh hưởng tới sức khỏe. Do đó, người tiêu dùng nên mua mỹ phẩm của những cơ sở có uy tín, thân quen, không nên mua mỹ phẩm không rõ nguồn gốc xuất xứ.
Đối với mỹ phẩm trên môi trường thương mại điện tử, ông Lê khuyến cáo người mua có thể tham gia các cộng đồng tiêu dùng thông minh theo cách trực tiếp hoặc gián tiếp mua sản phẩm của nhau, chia sẻ tài nguyên thông tin đối tác, khách hàng. "Người dân nên cảnh giác với các sản phẩm giá rẻ bất thường, các sản phẩm giá quá rẻ so với thị trường có thể tiềm ẩn nguy cơ không bảo đảm chất lượng, hàng giả."- ông Nguyễn Đức Lê nhấn mạnh.
Bình luận (0)