Ngay từ trong những ngày đầu năm 2015, các nhà đài đã âm thầm khởi động kế hoạch đầu tư cho mảng nội dung, thay vì chiêu thức hút khách bằng giá rẻ.
Không còn chỗ cho truyền hình giá rẻ
Năm 2014, thị trường đã chứng kiến cuộc đua giảm giá cước của tất cả các nhà đài như VTC, An Viên, K+, SCTV, VTVcab… Thậm chí, có những nhà đài đã áp dụng các gói cước 20.000 - 25.000 đồng/tháng. Tuy việc giảm giá cước đã làm tăng lượng thuê bao lên rất nhanh, nhưng kéo theo hệ lụy là Chỉ số thuê bao bình quân truyền hình trả tiền ở Việt Nam (ARPU) ở mức thấp nhất ASEAN.
Lý do giá thuê bao truyền hình trả tiền ở Việt Nam thấp là do thị trường có sự cạnh tranh dữ dội giữa các nhà cung cấp truyền hình. Bên cạnh đó, do ít kênh truyền hình độc quyền, nên họ chỉ có thể cạnh tranh về giá, khiến giá dịch vụ ngày càng giảm.
Trước mắt, ARPU thấp sẽ giúp thị trường phát triển nhanh, nhưng về lâu dài sẽ không tốt cho các nhà cung cấp dịch vụ và khán giả truyền hình. Bởi vì chi phí bản quyền truyền hình và chi phí khác đều tăng, trong khi giá thuê bao ngày càng giảm. Điều này khiến các nhà khai thác truyền hình sẽ không muốn đầu tư nhiều cho nội dung để cung cấp dịch vụ tốt, nên thị trường sẽ có ít các nội dung hấp dẫn để cung cấp cho khán giả. Về lâu dài, các nhà khai thác phải tìm mọi cách để tăng ARPU để có thể đầu tư để mua bản quyền chương trình, hoặc tự sản xuất chương trình trong nước có chất lượng cao.
Trước xu hướng đó, VASC (cung cấp dịch vụ truyền hình MyTV) và VTC đã cùng đưa ra kiến nghị, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) cần quản lí giá dịch vụ truyền hình trả tiền để tránh tình trạng bù chéo, hoặc bán dưới giá vốn để cạnh tranh.
Hiện Đề án giá dịch vụ truyền hình trả tiềnđã được trình lên Bộ TT&TT và theo đó giá sàn dịch vụ truyền hình sẽ được tính theo loại hình truyền dẫn (cáp, vệ tinh, OTT, số mặt đất...) và theo địa bàn cung cấp dịch vụ. Nếu được phép áp dụng, chiến lược cạnh tranh bằng giá rẻ, phá giá thị trường sẽ không còn đất sống và các nhà đài phải tập trung làm nội dung để hút khách.
Bà Sophia Le, Giám đốc Thao Le Entertainment cũng nhận xét, các nhà đài ở Việt Nam đang đi ngược các nguyên tắc của thị trường. Thay vì đầu tư cho nội dung, họ lại sa vào cuộc chiến giá cước.
“Nhà đài phải làm thế nào để có những kênh nội dung mà nhà đài khác không có, làm thế nào để khán giả thích xem kênh của đài mình hơn kênh của đài khác, nếu không họ sẽ thua đối thủ”, bà Sophia Le nói.
Nhiều nhà đài cũng đã nhận ra rằng, để giữ chân khách hàng, phát triển thuê bao một cách bền vững, thì việc đầu tư vào nội dung là chuyện sống còn của họ ngay từ bây giờ.
Nội dung là số 1
Ông Jacques Aymar de Roquefeuil, Phó Tổng giám đốc K+, cho biết trong năm 2015 và những năm tiếp theo, K+ sẽ tiếp tục chiến lược đầu tư là tập trung cung cấp nhiều dịch vụ chất lượng cao hơn. K+ sẽ cạnh tranh bằng nội dung, cung cấp cho khách hàng những chương trình giải trí độc quyền, chất lượng cao, chứ không cạnh tranh bằng chạy đua hạ giá cước.
Theo chiến lược này, trong năm 2015, ngoài độc quyền các giải bóng đá hấp dẫn nhất hành tinh, K+ sẽ phát sóng nhiều chương trình hấp dẫn, như Nhân tố bí ẩn phiên bản Anh (The X Factor UK); Tìm kiếm tài năng phiên bản Mỹ (America’s Got Talent), các bộ phim truyền hình làm điên đảo cả thế giới, tăng thêm các kênh truyền hình chất lượng,…
Trong khi đó, phát biểu tại Hội nghị thường niên với các đối tác của VTV mới đây, Tổng giám đốc VTV Trần Bình Minh cũng đã khẳng định, VTV sẽ phải tiếp tục chiếm lĩnh thị phần truyền hình truyền thống. Để làm được điều đó, không có cách nào khác là phải tiếp tục phát triển nội dung chất lượng cao.
“Nội dung vẫn là số 1. Tôi luôn đòi hỏi và chắc tới đây sẽ đòi hỏi nhiều hơn nữa là VTV phải dứt khoát đoạn tuyệt với những chương trình chất lượng trung bình, tiến tới loại bỏ dần các chương trình chất lượng trung bình khá theo những tiêu chuẩn cao hơn do chính VTV đặt ra. VTV sẽ tiếp tục làm những chương trình đẳng cấp với nội dung và cách thể hiện chất lượng cao hơn nữa”, ông Trần Bình Minh khẳng định.
Thoạt nhìn có vẻ chiến lược này khá mạo hiểm, nhưng trên thực tế ngay trong năm 2014 đã chứng minh chiến lược này là đúng đắn. Cuối năm 2013, K+ có hơn 400.000 thuê bao và trong bối cảnh các nhà đài khác đồng loạt giảm giá cước, K+ đã tăng đầu tư cho nội dung, sản xuất hàng loạt chương trình thể thao, giải trí, mua bản quyền các chương trình độc quyền quốc tế ăn khách nhất. Và kết thúc năm 2014, nhờ chiến lược này K+ đã tăng lượng thuê bao lên gần gấp 2 lần, đạt hơn gần 800.000 thuê bao.
Việc các đại gia trong lĩnh vực truyền hình trả tiền khẳng định chiến lược đầu tư mạnh vào nội dung, thay vì giảm giá cước, được kỳ vọng sẽ tạo nên một bước ngoặt mới cho thị trường trong năm nay.
Bình luận (0)