Đề án số hóa truyền hình của Chính phủ đã có hiệu lực từ ngày 1-4. Các nhà cung cấp dịch vụ từ truyền hình cáp đến truyền hình kỹ thuật số đồng loạt tung ra nhiều chương trình khuyến mãi để giành thị phần.
Cú hích từ các “ông lớn”
Châm ngòi cho cuộc đua giảm cước là Công ty Truyền hình cáp Saigontourist (SCTV). “Tiến quân” ra các tỉnh phía Bắc, SCTV đưa ra chương trình khuyến mãi hấp dẫn từ đầu tháng 4 đến hết ngày 5-5. Theo đó, khách hàng đăng ký dịch vụ truyền hình cáp sẽ được tặng miễn phí 2 đầu thu và toàn bộ phí lắp đặt. Mức cước phải đóng cho dịch vụ truyền hình của SCTV là 80.000 đồng/tháng và thêm 49.000 đồng nếu lắp thêm tivi thứ hai trở lên. Với số tiền này, khách hàng của SCTV được xem 133 kênh, trong đó có hơn 30 kênh truyền hình độ nét cao (HD). Nếu dùng theo kiểu trọn gói cả truyền hình và internet, mức cước sẽ là 190.000 đồng/tháng.
Ngoài ra, nếu đóng trước 3 tháng, khách hàng được tặng thêm 1 tháng sử dụng dịch vụ miễn phí. Như vậy, tính ra giá cước cho dịch vụ truyền hình trả tiền của SCTV chỉ còn 60.000 đồng/tháng và 120.000 đồng/tháng cho dịch vụ trọn gói bao gồm cả truyền hình và internet. Chưa dừng lại ở đó, SCTV còn cho phép khách hàng chia sẻ tín hiệu ra các tivi khác qua đường analog nhưng chỉ trả phí cho thuê bao duy nhất.
Tổng Công ty Truyền hình cáp Việt Nam (VTVcab) cũng lập tức “đáp trả” chương trình khuyến mãi của SCTV bằng việc miễn 100% phí hòa mạng, đồng thời cho phép khách hàng được chia sẻ thêm 3 tivi với giá cước trọn gói 110.000 đồng/tháng khi sử dụng dịch vụ truyền hình của nhà mạng này. VTVcab cũng ưu đãi tặng thêm một tháng sử dụng miễn phí nếu khách hàng đồng ý đóng trước 3 tháng thuê bao liên tục khi đăng ký dịch vụ. Đây được xem là đợt khuyến mãi rầm rộ nhất của VTVcab từ trước đến nay nhưng nhiều người tiêu dùng cho rằng giá dịch vụ của hãng vẫn còn cao. Cụ thể, dịch vụ truyền hình cáp analog của VTVcab là 83.000 đồng/tháng, còn nếu sử dụng dịch vụ truyền hình số phải mất thêm 50.000 đồng/tháng.
Kỹ thuật số cũng đua nước rút
Trong khi SCTV và VTVcab đang rầm rộ khuyến mãi để giành thị trường phía Bắc thì các công ty cung cấp dịch vụ truyền hình số vệ tinh cũng lao vào cuộc đua giảm giá. Ngoài truyền hình An Viên (AVG) đang “im ắng” thì Công ty Truyền hình vệ tinh K+ và Công ty Dịch vụ truyền hình số VTC đều đang có chương trình khuyến mãi lớn. Cụ thể, VTC áp dụng chương trình giảm giá bộ thiết bị HD từ 3,47 triệu đồng còn 1,99 triệu đồng và bộ SD từ 1,91 triệu đồng còn 990.000 đồng khi khách hàng đăng ký sử dụng dịch vụ. Cước dịch vụ của VTC là 720.000 đồng/12 tháng cho gói SD với 90 kênh truyền hình và 1,2 triệu đồng/12 tháng cho gói HD với 105 kênh. Để giữ chân khách hàng, VTC còn cho phép người dùng khi hết hạn thuê bao nhưng chưa kịp đóng cước vẫn tiếp tục được xem các kênh truyền hình mà không lo bị gián đoạn tín hiệu.
Còn với K+, hãng này đang có chương trình giảm 30% với gói dịch vụ truyền hình số HD. Trước đó, K+ cũng thu hẹp các gói dịch vụ cùng mức cước để khách hàng dễ dàng lựa chọn. Hiện nay, hãng chỉ còn 2 gói dịch vụ là Access và Premium HD với giá cước lần lượt 85.000 đồng/tháng và 220.000 đồng/tháng. Để giữ chân khách hàng và tìm kiếm thêm thuê bao mới, K+ áp dụng giảm giá từ 1,5- 2 triệu đồng cho các bộ đầu thu còn 990.000 đồng/bộ SD và 1,8 triệu đồng/bộ thu HD. Tuy giảm cước nhưng K+ vẫn cam kết duy trì việc cung cấp dịch vụ có chất lượng cao, 100% các kênh truyền hình bản quyền. Đặc biệt, không thương mại hóa quảng cáo trên các kênh mà hãng này tự sản xuất. Ngoài ra, K+ sẽ tiếp tục đầu tư mua bản quyền các chương trình truyền hình thể thao, điện ảnh, giải trí được yêu thích của quốc tế nhằm đáp ứng nhu cầu của khách hàng.
Lý giải về đợt điều chỉnh giảm giá mạnh cho các sản phẩm của mình, đại diện của K+ cho biết đó là quy luật cạnh tranh tất yếu khi mà công nghệ và các thiết bị số ngày càng phát triển với giá thành ngày càng rẻ.
Cuộc đua sẽ còn tiếp diễn
Theo nhận định của các chuyên gia trong lĩnh vực truyền hình trả tiền, sắp tới thị trường sẽ còn chứng kiến nhiều đợt cạnh tranh cực kỳ mạnh. Đã qua rồi cái thời một mình một chợ, những nhà cung cấp dịch vụ truyền hình đang phải chạy nước rút giảm giá cước, tăng chất lượng nhằm giữ chân khách hàng.
Bình luận (0)