Hiện nhiều khu vực vẫn chưa chủ động trong việc phối hợp để đưa ra chính sách thu hút nguồn vốn ODA (hỗ trợ phát triển chính thức) cũng như chưa làm chủ đồng vốn để đạt hiệu quả cao nhất trong đầu tư phát triển.
Sẽ vay với lãi suất cao hơn
Một góc TP HCM ngày nay. Việt Nam đã ra khỏi nước thu nhập trung bình Ảnh: tấn Thạnh
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh nhận định hiện nay ngưỡng nợ của Việt Nam đã gần chạm tới trần nợ công, các khoản vay ngày càng hưởng ít ưu đãi, như vậy việc giảm bớt vốn ODA, chủ động với các nguồn vốn vay khác, thực chất cũng có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển kinh tế. “ODA không phải vốn cho không, chúng ta vay nợ thì vẫn phải trả. Trong hỗ trợ vốn xóa đói giảm nghèo, đã đến lúc phải chuyển dần nhận thức từ “cho con cá” sang “cho cần câu”, phải để đồng bào dân tộc thiểu số và những người nghèo biết chịu trách nhiệm với đồng vốn mình nhận được” - Bộ trưởng Bùi Quang Vinh nói.
Thu hút vốn vào vùng Tây Bắc
Theo số liệu tại hội nghị “Cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh và thu hút các dự án ODA vùng Tây Bắc” mới đây, tổng nguồn vốn đầu tư trong nước năm 2013 vào vùng này đạt 262.000 tỉ đồng, tăng hơn 130.000 tỉ đồng so với năm trước nhưng chỉ chiếm vỏn vẹn 2% tổng vốn đăng ký đầu tư trên toàn quốc. Theo Tổng cục Thống kê, cả vùng chỉ có hơn 15.000 doanh nghiệp đang hoạt động, khoảng 4,4% so với cả nước. Tỉ lệ doanh nghiệp bình quân đầu người của vùng là 13 doanh nghiệp/10.000 dân, bằng 1/3 bình quân của cả nước và thấp hơn nhiều các vùng khác.
Về thu hút đầu tư nước ngoài (FDI), tính đến hết năm 2012, toàn vùng thu hút 375 dự án với tổng số vốn đăng ký 4,1 tỉ USD, tăng 52 dự án so với năm 2010. Tuy nhiên, năm 2012, vùng này chỉ chiếm khiêm tốn 2,6% về số dự án FDI trên toàn quốc. Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), phân tích: “Có những khó khăn khách quan về vị trí địa lý, cơ sở hạ tầng và nguồn nhân lực còn kém phát triển. Nhưng sự yếu kém về cơ sở hạ tầng hay chất lượng nguồn nhân lực chắc hẳn sẽ được khắc phục một phần nếu địa phương có công tác điều hành kinh tế tốt, có chiến lược phát triển tốt”.
Nghiên cứu của VCCI cho thấy dư địa cải cách cho các tỉnh trong khu vực này vẫn còn rất lớn. Đây cũng chính là cơ hội đẩy mạnh cải cách, nâng cao năng lực cạnh tranh trong thời gian tới. Hơn nữa, vùng này vẫn còn tiềm năng đáng kể như về vị trí địa lý gần các cửa khẩu quốc tế quan trọng, có sẵn vùng nguyên liệu tốt cho một số ngành công nghiệp và nông nghiệp, có giá lao động rẻ, các chính sách ưu đãi của trung ương…
Bình luận (0)