Hai năm trở lại đây, người ta không còn nhắc đến cái tên Đoàn Văn Vươn với câu chuyện trong quá khứ nữa, thay vào đó là doanh nhân Đoàn Văn Vươn với sản phẩm vịt biển mang tên ông. Vịt biển của ông đã có những lúc "cháy" hàng tại chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch Michimart hay Hello Măm.
Từ "ao làng" ...
Nhưng không nhiều người biết công lao của "bà mối" dẫn dắt ông Đoàn Văn Vươn đến với cái nghiệp nuôi vịt làm giàu sau quá khứ đáng buồn. Đó là một cựu sinh viên Khoa Công nghệ Thông tin (ĐHQG Hà Nội) - anh Nguyễn Viết Hồng. Hồng có 8 năm gắn bó với một ngân hàng thương mại rồi quyết định dừng lại và phiêu lưu với ý tưởng tìm một con vật nuôi nào đó phù hợp môi trường nước mặn, giúp ngư dân cải thiện cuộc sống. May mắn đã cho anh gặp và thành công hơn cả mong đợi với mô hình nuôi vịt biển tại Phú Quốc.
Một công đoạn sản xuất, lắp ráp ô tô của THACO
Song, phải đến khi gửi 100 con vịt giống cho người nông dân Tiên Lãng (Hải Phòng) Đoàn Văn Vươn, được ông nhân giống lên đến gần 10.000 con, thì vịt biển mới thực sự thành cơn sốt. Anh Hồng hào hứng khoe: "Có những thời điểm cung ứng bị ngừng trệ do quy mô sản xuất còn nhỏ mà hệ thống phân phối lớn. Nhưng rất mừng là vịt biển đã được những hệ thống lớn tiếp nhận, như Vinmart chẳng hạn".
Chưa dừng ở đó, chàng trai trẻ lại tiếp tục phiêu lưu khi mới đây tung ra sản phẩm bún, miến, phở khô không chất bảo quản và phân phối tại các chuỗi cửa hàng thực phẩm sạch. Cái đích tiếp theo anh muốn chinh phục là đưa sản phẩm mới này vào hệ thống siêu thị, các thương hiệu bán lẻ quy mô lớn. "Mất 18 tháng để mò mẫm tìm hiểu các thủ tục pháp lý, tôi mới chứng minh thành công sản phẩm của mình không có chất bảo quản. Sắp tới đây, sản phẩm có thể có mặt tại một trong những hệ thống bán lẻ lớn nhất ở thị trường phía Nam. Rất vui là chúng tôi đã kết nối được với Quỹ Khởi nghiệp doanh nghiệp Khoa học - Công nghệ Việt Nam của Tổng Giám đốc Phạm Duy Hiếu để nhờ hỗ trợ đưa sản phẩm vào hệ thống" - anh Hồng chia sẻ.
Một cái tên được nhắc đến phía trên cũng chứng minh cho triết lý thành công chỉ đến khi doanh nghiệp mang lại những giá trị tốt đẹp cho khách hàng, đó là Công ty CP Thực phẩm sạch Hello Măm. Hello Măm ra đời là kết quả thương vụ đầu tư 4 triệu USD của Công ty Quản lý quỹ (thuộc Công ty Chứng khoán Sài Gòn), với mục đích phân phối thực phẩm sạch tới người tiêu dùng.
Ông Dương Minh Việt, Tổng Giám đốc Hello Măm, từng trao đổi với chúng tôi rằng quy trình kiểm soát thực phẩm sạch từ nông trại đến bàn ăn và phân phối tới tận nhà có tiềm năng tăng trưởng rất nhiều lần. Giám đốc vận hành công ty - ông Nguyễn Quang Cường - bày tỏ: "Yếu tố an toàn thực phẩm là cốt lõi, tiên quyết mà chúng tôi phải làm, chỉ có sản phẩm an toàn mới chuyển đến khách hàng. Chúng tôi coi sức khỏe của khách hàng như sức khỏe chính mình".
Thành công của hệ thống đã được thừa nhận bởi chính khách hàng khi ngày càng nhiều bà nội trợ bận rộn nhớ đến Hello Măm cho bữa ăn gia đình.
... Đến khát vọng toàn cầu
Trong những cuộc trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Công ty CP Ô tô Trường Hải (THACO) - ông Trần Bá Dương - nhiều lần khẳng định bởi ông là người Việt nên dù ai nói sao, ông vẫn ấp ủ tâm huyết phát triển ngành công nghiệp ô tô để đóng góp dài hạn cho nền kinh tế. Ông kể biết bao lần ngược xuôi ra Hà Nội, tìm đến Bộ Công Thương, gặp các lãnh đạo, xin tham gia các hội nghị, hội thảo về ngành. Mục đích của ông Dương không gì khác là có thể được bày tỏ mong muốn có bệ đỡ từ Chính phủ để những nỗ lực của doanh nghiệp không trở nên vô ích. Đó là những lần đi tìm những điều kiện tốt nhất để một doanh nghiệp có tiềm lực, có tấm lòng có thể vươn lên.
Cũng bao lần giọng ông chùng xuống, không giấu nổi nỗi buồn khi ngành công nghiệp ô tô bị đánh giá là thất bại, là non kém, "được hưởng bao nhiêu ưu đãi mà không làm gì ra hồn". Đó là nỗi buồn của một doanh nhân đã hết lòng cống hiến và vẫn tiếp tục nuôi khát vọng cống hiến. "Khoe" cơ ngơi của mình tại Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, ông Dương đã cho thấy rằng dù trình độ phát triển của ngành còn kém xa các nước nhưng với xuất phát điểm thấp, đây thực sự là thành quả đáng nể.
Và hơn hết, khát vọng của vị chủ tịch có thể sẽ không thực sự ý nghĩa khi nó không song hành việc bảo đảm đời sống cho người lao động và đóng góp cho địa phương. Tới thăm Khu phức hợp Chu Lai - Trường Hải, điều chúng tôi nhìn thấy không chỉ là cơ ngơi sản xuất công nghiệp quy mô lớn mà còn là nơi xứng đáng để người lao động cống hiến. Ông Dương cho biết để vào làm công nhân của THACO, người lao động chỉ cần tốt nghiệp lớp 12, sau đó được tuyển vào đào tạo miễn phí ở Trường Cao đẳng nghề do chính công ty lập ra. Vừa học vừa được thực hành, các bạn trẻ khi ra trường sẽ có ngay việc làm tại đây. Thu nhập của công nhân THACO phổ biến ở mức 5-10 triệu đồng/tháng và cao hơn đối với cán bộ quản lý. Mức thu nhập nếu so với các thành phố lớn thì không cao nhưng ở Chu Lai, mảnh đất thuộc diện đặc biệt khó khăn, thì là khá tươm tất.
Về phía địa phương, năm 2016, đóng góp của THACO là hơn 14.000 tỉ đồng trong tổng thu ngân sách của tỉnh Quảng Nam hơn 20.000 tỉ đồng. Dẫn lại số liệu để thấy rằng 14 năm trước, khi THACO mới chỉ là một doanh nghiệp tư nhân nhỏ đầu tư vào Chu Lai, hẳn không mấy ai hình dung ra từ dải cát trắng khô cằn này, doanh nhân không chỉ làm giàu cho mình mà còn làm giàu cho địa phương và "cưu mang" tới 9.000 người lao động.
Ông Trần Bá Dương rất tâm đắc với tư tưởng "phi công bất phú" của Lê Quý Đôn. Bởi thế, con đường ông chọn là đi vào sản xuất bằng bàn tay, khối óc. Thực tế, tiền thân của THACO là một doanh nghiệp nhập khẩu xe cũ về tân trang rồi bán lại. Ông chủ THACO khi đến thời cơ chín muồi đã quyết tâm "bỏ nghề", chuyển sang sản xuất, vất vả hơn nhưng cống hiến nhiều hơn. Con đường ấy được đánh giá là rất thực chất để trụ vững trước biến động của thị trường.
Chuyên gia kinh tế - TS Vũ Đình Ánh cho rằng công nghiệp ô tô là chuẩn mực của một nền công nghiệp phát triển. Do đó, nếu thành công với ngành ô tô, các doanh nghiệp lớn có thể giúp Việt Nam vươn tới sức mạnh toàn cầu. Ở trong nước, công nghiệp ô tô phát triển sẽ kéo theo những ngành khác cùng phát triển, trong đó có ngành dịch vụ.
Theo TS Võ Trí Thành, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương, Việt Nam chuyển mình cùng 30 năm đổi mới, hội nhập đã đặt các thế hệ doanh nhân vào áp lực nặng nề để trụ vững, để không phá sản. Bức tranh kinh tế ghi dấu ấn hình ảnh những thế hệ doanh nhân bươn chải để trưởng thành.
"Cũng từ sóng gió, doanh nhân buộc phải có khát vọng, sự dấn thân và trên hết là niềm tin vào mục tiêu và con đường tốt đẹp đã chọn" - ông Thành nói.
Bình luận (0)