Sáng 14-9, tại tỉnh Đồng Tháp diễn ra lễ ra mắt và giới thiệu sản phẩm gạo an toàn - tối ưu giá của VnSAT Đồng Tháp dưới thương hiệu "Ruộng nhà mình".
Lễ ký kết hình thành chuỗi liên kết và thỏa thuận bao tiêu sản lượng lúa
Sản phẩm gạo "Ruộng nhà mình" được sản xuất tại vùng trồng lúa theo hướng VietGAP của HTX Tiến Cường và HTX Thuận Tiến thuộc dự án VnSAT Đồng Tháp. Trong đó, HTX Thuận Tiến là mô hình tiêu biểu về ứng dụng công nghệ 4.0 trong quản lý đồng ruộng.
Gạo "Ruộng nhà mình" được kiểm soát quy trình chất lượng sản phẩm từ khâu đầu vào, đầu ra nghiêm ngặt. Theo ông Đặng Kim Sơn - cố vấn cao cấp của thương hiệu "Ruộng nhà mình" - mô hình không cần theo dõi bằng sổ sách quản lý đầu vào, đầu ra mà ứng dựng phần mềm quản lý đồng ruộng và mã hóa từng vùng sản xuất để quản lý quá trình sản xuất, sẽ triển khai hệ thống camera giám sát đồng ruộng. Đặc biệt, sử dụng các sản phẩm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật hữu cơ nằm trong danh mục các sản phẩm cho phép của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và được các HTX quản lý, lưu trữ bằng hình ảnh.
Các đại biểu xem các sản phẩm gạo "Ruộng nhà mình"
Ông Lê Minh Hoan, Bí thư Tỉnh ủy Đồng Tháp, khẳng định: "Mô hình "Ruộng nhà mình" đang hướng đến sản xuất nông sản sạch cho người tiêu dùng. Đó là cái mà nông nghiệp cả nước và tỉnh Đồng Tháp đang hướng đến. Dự án VnSAT đang tạo ra hệ sinh thái hướng đến sản xuất nông sản sạch hơn. Trong đó, người nông dân bỏ qua tư duy thương vụ. Tôi nghĩ, nếu chính quyền, nông dân, doanh nghiệp không thay đổi tư duy thì nền nông nghiệp bị phá vỡ. Sản phẩm gạo "Ruộng nhà mình" giúp kết nối giữa nông dân - người tiêu dung, doanh nghiệp - thị trường ngày càng tăng niềm tin với nhau".
Toàn bộ sản phẩm thu hoạch được bảo quản, chế biến, đóng gói tại nhà máy chế biến gạo cao cấp. Sản phẩm gạo "Ruộng nhà mình" giúp người tiêu dùng mua được sản phẩm gạo an toàn, chất lượng với giá thành thấp hơn từ 10-15% so với giá bán sản phẩm cùng loại trên thị trường.
Ông Lê Vắn Hiến, Giám đốc dự án VnSAT, cho biết: "Dự án VnSAT với tổng số vốn tương đương 301 triệu USD, vốn vay từ Ngân hàng Thế giới được thực hiện từ năm 2015-2020 gồm 5 tỉnh vùng Tây Nguyên và 8 tỉnh ĐBSCL. Mục tiêu của dự án là góp phần triển khai thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao giá trị cho ngành hàng lúa gạo của Việt Nam và vùng ĐBSCL".
Bình luận (0)