Thông tin từ Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) ngày 2-3 cho biết thực hiện Luật Quy hoạch, Bộ đang tổ chức lập Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống Cảng hàng không toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Một trong những nhiệm vụ của Tư vấn lập quy hoạch là nghiên cứu hệ thống sân bay hiện hữu, nhu cầu vận tải bằng đường hàng không, kinh nghiệm quốc tế để xem xét, đề xuất bổ sung các sân bay mới cho phù hợp.
Nhiều sân bay địa phương đang thua lỗ. Ảnh: Dương Ngọc
Đối với các sân bay mới, căn cứ tính toán hiệu quả kinh tế, kinh nghiệm quốc tế, Tư vấn đưa ra 6 tiêu chí chính (22 tiêu chí chi tiết) về sự cần thiết và mức độ khả thi đối với sân bay mới, bao gồm: Nhu cầu sản lượng; kinh tế xã hội (tăng GDP, việc làm, thúc đẩy du lịch); an ninh quốc phòng (chiến lược, dự phòng chiến lược); khẩn nguy cứu trợ; điều kiện tự nhiên (vùng trời, tĩnh không, thời tiết, đất đai); cự ly bố trí (cự ly tới đô thị trung tâm, cự ly tới sân bay lân cận)
Theo dự thảo báo cáo Quy hoạch cuối kỳ, trên cơ sở phân tích và chấm điểm 22 tiêu chí chi tiết nêu trên, thì giai đoạn 2021 - 2030, Tư vấn đề nghị không bổ sung sân bay mới so với hệ thống mạng sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt tại Quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018. Theo nghiên cứu và so sánh của tư vấn, giai đoạn đến năm 2030, với hệ thống 28 sân bay đã được Thủ tướng phê duyệt thì gần 96% dân số Việt Nam có thể tiếp cận được sân bay trong phạm vi 100 km, cao hơn so với trung bình thế giới là 75%); giai đoạn đến năm 2050, tư vấn đề xuất bổ sung sân bay Cao Bằng.
Trên cơ sở dự thảo báo cáo cuối kỳ, hiện nay Bộ GTVT đang lấy ý kiến tham gia của các Bộ, ngành, địa phương và các cơ quan liên quan về Quy hoạch. Đồng thời, Bộ GTVT đang chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, Tư vấn tổng hợp ý kiến đề xuất của các địa phương, nghiên cứu, rà soát để báo cáo Bộ GTVT xem xét, trình Hội đồng thẩm định Quy hoạch quyết định.
Thời gian qua, nhiều tỉnh đã đề xuất thay đổi công năng sân bay quân sự thành dân dụng hoặc xây mới sân bay khi tham gia ý kiến về Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030 như: Ninh Bình, Bình Phước, Bắc Giang, Hà Giang...
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống, nguyên Chủ nhiệm Bộ môn Kỹ thuật hàng không trường ĐH Bách khoa TP HCM, nhận xét những đề xuất xây sân bay nói trên thể hiện cái nhìn mang tính cục bộ của các địa phương. Để xây một sân bay cần có cơ sở khoa học, trong đó đầu tiên cần đánh giá về mặt nhu cầu: Khu vực dân cư nào sẽ sử dụng sân bay đó? Quy mô dân số như thế nào? Thu nhập bình quân bao nhiêu? Mức sống như thế nào?... Từ đó mới quy hoạch sân bay cho tương lai. Ngoài ra, cần nhìn tổng thể để thấy được sự gia tăng của nhu cầu đối với các sân bay hiện hữu.
PGS-TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng các địa phương nên nghiên cứu phát triển mạng lưới sân bay nhỏ với đường băng ngắn, dành cho những máy bay nhỏ dưới 20 chỗ ngồi phục vụ cho cứu thương, an ninh quốc phòng và những cá nhân có nhu cầu đặc biệt hoặc phục vụ du lịch. Những máy bay này khai thác tầm bay thấp giữa các địa phương. Những sân bay nhỏ này có thể tận dụng sân bay quân sự cũ mà đầu tư không quá nhiều,có thể xã hội hóa, kêu gọi tư nhân tham gia đầu tư. Tuy nhiên, trước mắt cần có chính sách khuyến khích phát triển các hãng hàng không khai thác dạng máy bay nhỏ phù hợp với sân bay địa phương.
Trong số 22 sân bay đang được khai thác trên cả nước, chỉ 6 sân bay có lãi. Trước đây, chỉ có Nội Bài, Tân Sơn Nhất là có lãi. Sau đó, danh sách này thêm sự góp mặt của Đà Nẵng. Gần đây nhất, thêm 3 cảng: Cam Ranh, Liên Khương, Phú Bài góp mặt trong danh sách này, trong đó, Liên Khương và Phú Bài mới chỉ bắt đầu vượt qua mức cân đối thu chi và có lãi.
Theo quyết định số 236/QĐ-TTg ngày 23-2-2018 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển giao thông vận tải hàng không giai đoạn đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 của Thủ tướng, đến năm 2030, Việt Nam có tổng cộng 28 sân bay, trong đó có 13 sân bay quốc tế và 15 sân bay nội địa. Các sân bay được phân bổ theo khu vực quản lý như sau:
- Khu vực miền Bắc có 10 sân bay, gồm: 5 sân bay quốc tế (Nội Bài, Vân Đồn, Cát Bi, Thọ Xuân, Vinh) và 5 sân bay nội địa (Lai Châu, Điện Biên, Sa Pa, Nà Sản, Đồng Hới).
- Khu vực miền Trung có 8 sân bay, gồm: 4 sân bay quốc tế (Phú Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Chu Lai) và 4 sân bay nội địa (Quảng Trị, Pleiku, Phù Cát, Tuy Hoà).
- Khu vực miền Nam có 10 sân bay, gồm: 4 cảng hàng không quốc tế (Tân Sơn Nhất, Cần Thơ, Phú Quốc, Long Thành) và 6 sân bay nội địa (Buôn Ma Thuột, Liên Khương, Phan Thiết, Côn Đảo, Rạch Giá, Cà Mau).
Tại Báo cáo cuối kỳ Quy hoạch phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cục Hàng không Việt Nam đề xuất đến năm 2030, cả nước sẽ có 26 sân bay, bao gồm: 14 sân bay quốc tế, 12 sân bay nội địa. Như vậy, so với mạng sân bay toàn quốc theo Quyết định số 236/QĐ-TTg năm 2018, hệ thống sân bay toàn quốc trong quy hoạch lần này giảm từ 28 xuống còn 26, trong đó 2 sân bay gồm Nà Sản, Lai Châu được đề xuất quy hoạch xây dựng trong giai đoạn sau năm 2030.
Trong đó, 5 sân bay quốc tế cửa ngõ gồm: Nội Bài, Đà Nẵng, Cam Ranh, Tân Sơn Nhất, Long Thành;
Trong định hướng đến năm 2050, cả nước có 30 sân bay, bao gồm: 15 sân bay quốc tế, 15 sân bay nội địa, trong đó sân bay thứ 2 cho Vùng Thủ đô sẽ được nghiên cứu vị trí khi có nhu cầu, dự kiến vào năm 2040.
Bình luận (0)