Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa gửi hồ sơ dự thảo lần thứ 4 sang Bộ Tư pháp để thẩm định, trước khi trình Chính phủ xem xét, ký ban hành nghị định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải (KDVT) bằng ô tô, nhằm thay thế Nghị định 86/2014/NĐ-CP (gọi tắt là dự thảo).
Nội dung đáng chú ý nhất trong dự thảo này chính là việc quản lý loại hình vận tải như Uber, Grab đang phát triển rất nóng và gây tranh cãi trong suốt 2 năm qua.
Grab, Uber sẽ nằm trong khuôn khổ
Trong góp ý dự thảo này, nhiều bộ, ngành, địa phương và các hiệp hội, trong đó có Hiệp hội Taxi TP HCM, đề nghị phải định danh cho rõ hoạt động của Grab, Uber, "bởi với cách thức hoạt động như hiện nay, họ là doanh nghiệp (DN) KDVT taxi, chứ không phải đơn vị cung cấp phần mềm đơn thuần".
Những ý kiến nêu trên đã được ban soạn thảo tiếp thu và quy định cụ thể tại khoản 1, điều 3; điều 6; khoản 4, điều 16 trong dự thảo.
Cụ thể, tại khoản 1, điều 3 của dự thảo đã định nghĩa: KDVT bằng ô tô là việc thực hiện các công đoạn của hoạt động vận tải (kể cả thông qua phần mềm) để vận chuyển hành khách, hàng hóa trên đường bộ để sinh lợi; trong đó có thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải.
Những quy định trong dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86, điều kiện hoạt động của "taxi điện tử" khá tương đồng với taxi truyền thống. Trong ảnh: Xe taxi truyền thống hoạt động trên địa bàn TP Hà Nội
Tại khoản 3, điều 6, dự thảo đã bổ sung quy định KDVT hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm hay gọi tắt là "taxi điện tử". Đây là một khái niệm hoàn toàn mới. Theo ban soạn thảo, quy định này để tạo môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng, minh bạch giữa các đơn vị taxi truyền thống và taxi ứng dụng công nghệ.
Cụ thể, dự thảo bổ sung các quy định để quản lý hoạt động KDVT hành khách bằng xe taxi tính tiền thông qua phần mềm. Theo đó, xe taxi có hộp đèn với chữ "Taxi điện tử", gắn cố định trên nóc xe theo quy định. Trên xe phải có thiết bị cài đặt phần mềm tính tiền và kết nối để giao dịch với hành khách.
Phần mềm tính tiền phải cung cấp cho hành khách các nội dung tối thiểu trước khi thực hiện vận chuyển gồm các thông tin về: DN, hợp tác xã (HTX) KDVT; lái xe và xe; hành trình; giá cước và số tiền hành khách phải trả.
DN, HTX phải gửi hóa đơn điện tử của chuyến đi đến tài khoản của hành khách và gửi thông tin về hóa đơn điện tử về Tổng cục Thuế theo quy định của Bộ Tài chính. Phần mềm tính tiền phải bảo đảm tuân thủ các quy định của pháp luật về thương mại điện tử và đăng ký với Bộ Thông tin và Truyền thông theo quy định.
Nghị định mới cũng yêu cầu DN, HTX, kinh doanh taxi chở khách phải có trung tâm điều hành, duy trì hoạt động của trung tâm điều hành với lái xe thông qua bộ đàm hoặc phần mềm điều hành thay cho bộ đàm.
Còn tại khoản 4, điều 16 quy định trường hợp đơn vị cung cấp phần mềm có tham gia thực hiện một hoặc toàn bộ các công đoạn chính của hoạt động KDVT gồm: trực tiếp điều hành phương tiện, lái xe để vận chuyển hành khách, hàng hóa; quyết định giá cước vận tải thì phải thực hiện các quy định về kinh doanh và điều kiện KDVT bằng ô tô theo quy định của nghị định này.
Như vậy, có thể thấy định nghĩa "kinh doanh vận tải" đã được nêu rõ ràng; các điều kiện của "taxi điện tử" khá tương đồng với truyền thống. Và theo đó, những ràng buộc pháp lý để Uber, Grab được hoạt động sẽ chặt chẽ hơn, không còn những "lỗ hổng" như hiện nay.
Trước đó, bộ trưởng Bộ GTVT đã khẳng định hoạt động của Uber, Grab hiện nay bản chất là loại hình taxi ứng dụng công nghệ cao kết nối người dùng với lái xe, chủ hãng. Do đó phải coi Uber, Grab là taxi và phải quản lý như một hãng taxi; phải đưa Uber, Grab vào khuôn khổ.
Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Theo Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể, việc xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 86 sẽ giảm tối đa các điều kiện kinh doanh, cắt giảm thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho DN và người dân, giảm chi phí theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các loại hình KDVT.
"Việc sửa đổi Nghị định 86 có vai trò rất quan trọng, nhạy cảm, nếu không làm tốt sẽ gây hậu quả nghiêm trọng. Nghị định thay thế phải được soạn thảo chặt chẽ, nhất là những quy định liên quan tới việc quản lý loại hình Uber và Grab" - ông Thể nói.
"Không trốn thuế, phải chịu trách nhiệm trước pháp luật khi có sự cố về dịch vụ của mình. Nếu không ràng buộc được trách nhiệm của Uber, Grab như một hãng taxi công nghệ cao thì không ban hành nghị định" - ông Thể nhấn mạnh.
Theo bà Phan Thị Thu Hiền, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, hoạt động KDVT bằng ô tô ở Việt Nam là hoạt động kinh doanh có điều kiện. Vì vậy các hoạt động KDVT có kết nối công nghệ cũng phải được đưa ra các điều kiện, các khung pháp lý phù hợp.
Theo bà Hiền, dự thảo có một nội dung rất mới sẽ điều chỉnh toàn bộ hoạt động KDVT, đó là định nghĩa KDVT là gì. "Taxi truyền thống, taxi công nghệ hay đơn vị KDVT hợp đồng, đối chiếu theo định nghĩa đó sẽ biết mình thuộc loại hình gì" - bà Hiền cho hay.
10 ứng dụng phần mềm và gần 37.000 xe thí điểm
Theo Bộ GTVT, sau 2 năm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, ngoài 2 ứng dụng của Công ty TNHH Uber Việt Nam (Uber) và Công ty TNHH GrabTaxi (Grab), 8 đơn vị khác cũng đã tham gia thí điểm theo Quyết định 24 của Bộ GTVT.
Bốn địa phương đã tham gia thí điểm gồm: TP HCM, Hà Nội, Quảng Ninh, Khánh Hòa. Hiện có 866 đơn vị (DN, HTX) với 36.809 phương tiện tham gia thí điểm, trong đó nhiều nhất là TP HCM với 21.600 xe, Hà Nội 15.046 xe.
Bình luận (0)