"Chúng tôi đang gặp khó khăn trong việc tìm kiếm cơ sở in ấn băng tay, bảng tên nhận diện cho tài xế giao hàng (shipper). Chúng tôi còn đang chờ danh sách đơn vị cung ứng dịch vụ theo giới thiệu của Sở Công Thương TP HCM" - đại diện sàn thương mại điện tử (TMĐT) Shopee nêu vướng mắc trong quá trình triển khai thực hiện văn bản hướng dẫn ngày 26-7 của UBND TP HCM.
Gấp rút lo đủ điều kiện
Chưa kể, việc phân phối bảng tên, băng tay đến từng shipper cũng là vấn đề lớn bởi khi tập hợp, hướng dẫn họ có thể ảnh hưởng đến công tác phòng dịch. Tuy vậy, sàn này cũng thừa nhận việc kiểm tra, kiểm soát tài xế giao hàng nhằm tuân thủ các quy định phòng chống dịch là hết sức cần thiết.
Do vậy, Shopee đang đề nghị kiểm tra nhân viên giao hàng thông qua mã QR hoặc thẻ điện tử định danh để bảo đảm an toàn phòng dịch. "Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với cơ quan chức năng để có phương án hoạt động theo hướng bảo đảm tuân thủ các quy định phòng chống dịch nhưng vẫn đáp ứng được nhu cầu giao nhận hàng thiết yếu" - đại diện Shopee thông tin.
Việc TP HCM kiểm soát chặt shipper đã ít nhiều ảnh hưởng đến hoạt động giao nhận hàng những ngày qua .Ảnh: QUỐC THẮNG
Công ty CP Foody (sở hữu ứng dụng Now) - cũng cho biết do thời gian quá gấp gáp nên đơn vị này chưa thể lập tức chuẩn bị bảng tên, băng tay cho shipper. Công ty đang nỗ lực thực hiện từng bước những yêu cầu của TP để sớm bảo đảm đủ điều kiện cho shipper lưu thông, tránh tắc nghẽn đơn hàng trong bối cảnh nhu cầu mua sắm online tăng cao do thực hiện giãn cách xã hội.
Grab với đội ngũ shipper hùng hậu phục vụ 2 dịch vụ thiết yếu là GrabExpress và GrabMart cũng cho hay khó lòng nhanh chóng hoàn thành bảng tên và băng đeo cho tài xế bởi nguồn cung hạn chế và không có nhiều thời gian. Do vậy, doanh nghiệp (DN) này đã hướng dẫn tài xế sử dụng bảng tên, thẻ hoạt động do Grab cung cấp trong suốt quá trình hoạt động.
Đối tác tài xế chủ động in ấn, gắn hình ảnh của mình và chuẩn bị dây đeo thẻ đầy đủ trước khi hoạt động. Đồng thời, tài xế cũng được khuyến khích tự chuẩn bị băng đeo tay để nhận diện theo đúng quy định của TP hoặc sử dụng băng đeo tay do Grab cung cấp. Về việc cung cấp băng tay, Grab cho biết sẽ triển khai dần dần để tránh tụ tập đông người.
Trong khi đó, Be Group đã thông báo tạm ngưng dịch vụ giao hàng và đi chợ hộ tại TP HCM kể từ 10 giờ ngày 27-7 đến ngày 1-8 hoặc cho đến khi có thông báo mới nhằm bảo đảm an toàn cho các tài xế và khách hàng trong bối cảnh dịch bệnh phức tạp.
Nỗ lực giải phóng đơn hàng
Ngoài vấn đề về shipper, nhiều sàn TMĐT bày tỏ khó khăn lớn nhất của họ hiện nay chính là áp lực đơn hàng tăng cao nhưng năng lực xử lý lại giảm sút.
Ông Ngô Hoàng Gia Khánh, Phó Tổng Giám đốc Phát triển DN Tiki, thừa nhận có tình trạng việc giao hàng bị chậm trễ ở một số nơi trong giai đoạn cao điểm dịch Covid-19. "Tại các khu vực cách ly, khu vực phong tỏa, chúng tôi gặp khó trong việc tiếp cận nên không giao hàng được. Ngoài ra, hiện nay, do shipper trong quá trình lưu thông cần đi qua nhiều chốt kiểm duyệt nên cũng ảnh hưởng đến thời gian di chuyển. Chưa kể, một số shipper của sàn ở khu vực phong tỏa hoặc trở thành F1, F2 nên lực lượng giao hàng bị giảm một phần" - ông Khánh giải thích.
Theo Tiki, tính riêng mặt hàng thực phẩm tươi sống, hiện mỗi ngày Tiki cung cấp được gần chục tấn hàng. Nếu lưu thông thuận lợi hơn, khả năng cung cấp thực phẩm tươi sống của sàn có thể lên đến vài chục tấn mỗi ngày. "Nếu được hỗ trợ từ phía cơ quan quản lý để chuỗi cung ứng có thể vận hành trơn tru, dễ dàng hơn thì tốc độ xử lý đơn hàng, phục vụ người tiêu dùng sẽ tốt hơn vì nguồn cung không thiếu" - Phó Tổng Giám đốc Phát triển DN Tiki bày tỏ.
Phía Tiki cũng kiến nghị cơ quan quản lý có hướng dẫn cụ thể hơn về danh mục hàng hóa thiết yếu để giảm bớt tình trạng shipper phải "quay đầu". "Mỗi ngày chúng tôi đều nhận nhiều cuộc điện thoại của shipper hỏi món này, món kia có được cho là thiết yếu hay không? Chúng tôi cho rằng mục tiêu là vận hành làm sao bảo đảm không lây nhiễm Covid-19 chứ mấu chốt không nằm ở việc phân biệt hàng hóa thiết yếu hay không thiết yếu. Về giải pháp căn cơ, Tiki đã ưu tiên nguồn vắc-xin được phân bổ cho khoảng 50% shipper và nhân viên kho. Nếu được phân bổ mới, sẽ tiếp tục ưu tiên theo tiêu chí này để bảo đảm chuỗi cung ứng an toàn" - ông Khánh nói.
Shopee cũng ghi nhận đơn hàng thực phẩm thiết yếu tăng đột biến với 30 tấn/ngày, gây áp lực lên việc xử lý. Chưa kể, các đơn hàng "ship chậm" cũng tăng nhanh theo nhu cầu của người tiêu dùng mùa giãn cách. Thậm chí, với số lượng đơn tăng cao, sàn này phải gia hạn thêm 15 ngày cho bên bán để xử lý đối với các đơn được tạo từ ngày 24-7 đến 15-8.
"Chúng tôi sẽ đốc thúc các đơn vị vận chuyển để giao hàng đến tay người mua trong thời gian sớm nhất. Tuy nhiên, có thể chậm trễ hơn dự kiến tại một số khu vực bị phong tỏa và giãn cách xã hội. Người mua cũng sẽ được cập nhật về tình trạng đơn hàng thường xuyên" - sàn này cam kết.
Bình luận (0)