Lén lút trong chợ đầu mối
Gần 3 tháng thâm nhập điều tra, ống kính máy quay của phóng viên đã ghi lại được quy trình ngâm, tẩy trắng mực hết sức hãi hùng của đường dây tiêu thụ mực giá bèo lớn nhất miền Bắc. Thời gian gần đây, hoạt động tẩy trắng được giới kinh doanh mực tiến hành bí mật hơn để tránh cơ quan công an phát hiện.
12 giờ đêm 4-12, khu vực bán hải sản chợ đầu mối Long Biên (Ba Đình, Hà Nội) bắt đầu nhộn nhịp. Nam thanh niên tóc đầu đinh, thân hình vạm vỡ làm việc tại cửa hàng bán mực của bà chủ tên Hoa, kéo tấm cửa cuốn lên, trong khoảng diện tích rộng chừng 7m2 là những thùng phuy màu xanh loại 300 lít ngâm đầy mực, trên mặt thùng bọt nổi lềnh bềnh.
Lấy trong góc cửa hàng ra một chai nhựa đựng nước màu trong suốt, bà Hoa đảo mắt qua một vòng rồi dốc ngược đổ chai nước vào thùng phuy. Đổ thêm hai tô muối, nam thanh niên dùng khúc gỗ tre dài chừng 2m khuấy liên hồi. 30 phút sau, hai nữ nhân viên đeo găng tay cao su vớt những con mực trắng tinh bày ra khay để bán, toàn bộ nước trong thùng phuy màu đục ngầu, tanh hôi, sủi bọt được đổ ra ngoài.
Trước ý định mua mực với số lượng lớn của chúng tôi, bà Hoa hồ hởi: “Lấy bao nhiêu cũng có, loại rẻ 50.000 đồng/kg, đắt nhất cũng chỉ 68.000 đồng/kg”. Khi phóng viên hỏi có dùng thuốc tẩy không mà mực trắng được như vậy? Bà Hoa lắc đầu dứt khoát: “Tẩy sao được”.
Sau nhiều ngày tiếp cận, cuối cùng bà Hoa cũng đành thật thà để không “tụt” mất khách sộp. “Yên tâm, nhà chị tẩy được thì sẽ có cách để bày cho chú rửa sạch mùi. Loại mực đông đá này mà không dùng ôxy già để tẩy thì nhớt nhợt, rồi vứt hết” - bà Hoa trấn an khách.
Theo bà Hoa, thời gian gần đây, nhiều chủ cơ sở bị công an phát hiện vì dùng ôxy già tẩy trắng mực. Vì vậy, để qua mặt cơ quan chức năng, giới kinh doanh truyền tai nhau cách đổ ôxy già vào các chai nhựa cho dễ bề sử dụng. “Nguỵ trang thế này họ tưởng mình mang nước lọc đi uống chứ mang cả can ôxy già 30 lít đến chợ như ngày trước thì hết đường làm ăn” - bà N -một chủ cửa hàng bán mực gần bà Hoa - tiết lộ thêm.
Suốt thời gian dài có mặt tại chợ đầu mối Long Biên, chúng tôi liên tục chứng kiến các chủ cửa hàng “lén lút” đổ ôxy già được nguỵ trang trong những chai nhựa vào thùng ngâm mực. Bốn giờ sáng 10.12, khi mực được đổ đầy vào hai thùng phuy, ông chủ cửa hàng tên Ánh (ngoài 40 tuổi) vào gặp một chủ cửa hàng cung cấp đá bên trong chợ mang ra 4 chai nhựa rồi hối thúc người làm: “Đổ hết ôxy già vào ngâm rồi khuấy đi, ngâm đậm đậm chút cho nó trắng để mai còn bán”.
Tại cửa hàng bán mực của vợ chồng ông chủ tên Tứ, vợ tên Ngọc, la liệt những thùng xốp đựng đầy các loại mực ống được tẩy trắng, bên trong nước sủi bọt. Tại đây, ngoài hai vợ chồng ông Tứ còn có 3 nam thanh niên và một cô gái đứng bán hàng. Khi chúng tôi tỏ ý muốn về tận nhà lấy hàng, bà Ngọc nói thẳng: “Cứ đến đây mà lấy, lấy bao nhiêu cũng có, chị có để mực ở nhà đâu”.
Tiếp cận “hang ổ” tẩy trắng
Hàng ngày, những chiếc xe đông lạnh liên tục chở mực về chợ Long Biên, những bao tải mực đông cứng nhanh chóng được vận chuyển về cửa hàng ngay trong chợ để ngâm, tẩy. Cẩn thận hơn, nhiều chủ cửa hàng thuê xe ôm chở mực đông lạnh về tận nhà hoặc thuê mặt bằng cách xa chợ để tẩy trắng.
9 giờ 20 sáng 12-12, xếp 10 bao tải mực lên xe, người đàn ông tên D (khoảng 50 tuổi) - chuyên chở mực cho cửa hàng ông Tứ - điều khiến chiếc xe máy mang BKS 90B7 - 7348 rời chợ Long Biên. Chúng tôi rồ ga bám theo xe ông D. Sau khi lòng vòng qua các tuyến đường trong thành phố, ông D tiến ra đại lộ Thăng Long, đến hầm chui có ghi biển “Hướng đi Thiên đường Bảo Sơn”, ông D bật xinhan cho xe rẽ trái tiến về thôn An Thọ, xã An Khánh (Hoài Đức, Hà Nội, cách chợ Long Biên khoảng 25km).
Xe vừa về đến cổng, ông Tứ vội vàng hối người làm ra khuân mực vào nhà. Sau nhiều ngày mật phục theo dõi, 11 giờ ngày 19-12, trong vai người đi mua mực, chúng tôi tiếp cận cơ sở tẩy trắng bí mật của vợ chồng ông Tứ. Lúc này, ông Tứ và bà Ngọc đang ngủ ở trong khu nhà cấp 4 ngay bên cạnh.
Theo quan sát, cơ sở của ông Tứ tại thôn An Thọ rộng chừng 200m2, được xây hàng rao bao quanh, che bạt cẩn thận, kín đáo. Trong cơ sở này, một góc dùng để 2 chiếc tủ lạnh loại lớn, ngay bên cạnh gần chục can nhựa màu xanh thẫm đựng oxy già, hơn chục thùng ôxy già khác đã dùng hết vứt lăn lóc ở cuối góc sân, gần chục bao muối trắng xếp chồng lên nhau bên cạnh những chiếc thùng phuy. Ở đây có 5 người, gồm một người đàn ông tên Duyệt (khoảng ngoài 40 tuổi) cùng 4 người phụ nữ chuyên làm nhiệm vụ tẩy trắng và đóng mực vào thùng xốp.
Trước sự xuất hiện của khách lạ, ông Duyệt ngắn gọn: “Anh từ đâu đến, sao biết ở đây có mực?”. Sau một hồi trò chuyện, làm quen, ông Duyệt nói thẳng: “Bao nhiêu cũng có, loại ngon nhất giá 70.000 đồng/kg, loại 50.000 đồng/kg cũng có nhưng nhớt nhợt. Thích lấy mực đông đá thì rẻ hơn nữa, nhưng không biết tẩy cho trắng thì vứt hết”.
Nói xong, ông Duyệt dùng vòi bơm nước và đổ đá lạnh vào thùng phuy rồi nói như hướng dẫn cho khách: “Ngày nào tôi với mấy bà đây chả tẩy trắng vài ba tấn mực. Loại mực đông đá này muốn dễ bóc da mà không hôi thì khi ngâm cho tan đá đổ vào vài ca ôxy già, bóc da làm ruột xong ngâm tiếp với ôxy già và muối cho thịt chắc. Sau đó, khi đóng vào thùng xốp mang ra chợ bán pha thêm ít nước ôxy già với muối đổ vào để bảo quản mực”.
Ba lần “tắm” ôxy già cho mực
Vừa ngắt lời, ông Duyệt dùng con dao nhọn rạch liên tiếp gần chục bao mực đông lạnh để giữa sân đổ vào thùng phuy. 10 phút sau, người đàn ông này nghiêng chiếc can nhựa màu xanh đong sang một ca nhựa màu đỏ, rồi đổ thẳng vào thùng phuy. Thấy khách tròn mắt, ông Duyệt cười: “Ôxy già đây, đổ vài ca vào khuấy, ngâm thêm một lúc cho mực tan đá, khi vớt ra làm ruột, nó đỡ hôi”.
Khoảng 30 phút sau, ông Duyệt đeo găng tay vớt mực nhợt nhạt, mềm nhũn, tanh hôi vứt lăn lóc giữa sân nền gạch, những người phụ nữ hối hả cắt râu mực, làm ruột. Mực được làm sạch ruột, ông Duyệt bê cả thau đổ vào một thùng phuy khác đã được bơm nước rồi tống thẳng ba ca ôxy già vào thùng phuy. Sau đó, ông dùng khúc gỗ tre khuấy khoảng 2 phút, cả thùng sủi bọt trắng. Một lúc sau, ông Duyệt xúc 4 tô muối đổ vào thùng phuy và khuấy liên hồi.
Cứ thế, thùng phuy đầy, sủi bọt. Ngâm muối xong, ông Duyệt lại ngâm tiếp những thùng phuy khác. Theo ông Duyệt, quá trình ngâm mực với ôxy già và đá lạnh chỉ giúp cho mực hết mùi hôi và trắng. “Muốn mực tươi ngon, cơ thịt chắc, đàn hồi thì đổ thêm vài ba tô muối trắng vào ngâm cùng ôxy già”, ông Duyệt tiết lộ.
Dẫn chúng tôi đến một thùng phuy đã ngâm muối và ôxy già từ ngày hôm trước, ông Duyệt thật thà: “Loại này giờ đóng thùng để tối ông Tứ mang ra chợ Long Biên bán, anh xem, ngâm muối vào cầm con mực thấy chắc hẳn. Khi đóng vào thùng xốp phải pha thêm một chậu nước muối và ôxy già để đổ vào thùng ngâm mực với đá lạnh, làm thế này mực để cả tháng cũng tươi ngon”.
Tương tự vợ chồng ông Tứ, nhiều chủ cửa hàng bán mực tại chợ Long Biên cũng vận chuyển mực về nhà để ngâm, tẩy trắng. Như bà N dùng xe tải nhỏ chở mực đông lạnh lên hướng vành đai 3, đến gần bến xe Nước Ngầm rẽ xuống đường Ngọc Hồi chạy về Thường Tín, bà V dùng xe máy chở mực đông lạnh qua cầu Thanh Trì về ngách 135/14 ở phố Bồ Đề (Long Biên),…
9 giờ sáng 21-12, ông Truyền (quê Hải Phòng) chủ cửa hàng bán mực tại chợ Long Biên thuê người kéo gần 30 bao tải đựng mực từ một kho hàng đông lạnh trong chợ về khu nhà trọ của bà chủ tên Mỵ ở tổ 7, cụm 2 phường Phúc Xá (Ba Đình, Hà Nội). Theo quan sát, đây là một dãy nhà trọ nằm ngay sát chân cầu Long Biên gồm khoảng 30 phòng, được chia làm nhiều dãy nhỏ, phía sau giáp sông Hồng, xung quanh được rào chắn, che bằng bạt xanh rất kín đáo.
Tại “hang ổ” của Truyền là những thùng phuy màu xanh ngâm đầy mực. Cứ khoảng 10 giờ trưa, vận chuyển hết mực đông lạnh về “ổ”, Truyền thuê 4 người phụ nữ cùng một nam thanh niên làm ruột mực, ngâm tẩy. Từ 9 giờ - 12 giờ đêm, Truyền tiếp tục thuê người vận chuyển mực mang ra chợ Long Biên bán. “Ngày nào chả dùng ôxy già tẩy trắng vài ba tấn mực. Mỗi ngày tẩy mực cho chú ấy, chúng tôi được trả 200.000 đồng” - một người phụ nữ làm việc tại “hang ổ” của Truyền cho biết.
Chùm ảnh về đường dây tẩy trắng mực:
Muối được chất đống tại cơ sở tẩy mực bẩn của ông Tứ.
Bình luận (0)