Công ty Quản lý chợ đầu mối Hóc Môn cho hay vải Bắc đã về chợ này từ ngày 20-5, đến nay tổng sản lượng đạt 1.000 tấn. Đầu mùa, chợ có vải chín sớm (vải nếp) bán với giá sỉ 18.000-25.000 đồng/kg nhưng nay đã hết hàng. Hiện chợ đang bán vải thiều với giá sỉ 25.000-28.000 đồng/kg. Riêng ngày 19-6 có 6 xe container lạnh, tương đương 120 tấn vải thiều, về chợ.
Vải thiều về chợ đầu mối nông sản Thủ Đức với sản lượng trung bình 250 tấn/ngày, giá sỉ 19.000-30.000 đồng/kg (loại chở bằng xe lạnh) và 40.000-45.000 đồng/kg (loại chở máy bay). Đại diện Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ nông sản Thủ Đức cho hay mọi năm, vào chính vụ, lượng vải thiều về chợ trung bình lên đến 600 tấn/ngày, thậm chí có ngày đạt 1.000 tấn. Nguyên nhân vải thiều về chợ giảm là do sức mua mặt hàng này tại TP HCM và các tỉnh phía Nam giảm, mặt bằng giá thấp nên thương nhân đưa sang các địa phương khác bán có lời hơn.
Vải thiều chính vụ đang được bán tại TP HCM
Trong khi đó, theo khảo sát của phóng viên, giá bán lẻ vải thiều đang ở mức 35.000-45.000 đồng/kg (loại chở xe lạnh) và khoảng 60.000-70.000 đồng/kg (loại chở máy bay) nhưng tiêu thụ khá chậm do đã được bán suốt 3 tháng qua tại TP HCM.
Liên quan tới vải thiều, Cục Bảo vệ Thực vật - Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho hay chuyên gia Nhật đã kiểm tra các bước cuối cùng để chấp thuận cho lô hàng đầu tiên xuất sang nước này. Bà Ngô Tường Vy, Phó Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (Bến Tre), cho biết doanh nghiệp dự kiến xuất khẩu 200 tấn vải sang thị trường Nhật. Song, do dịch Covid-19, chuyên gia Nhật đến trễ, công ty chỉ có thể xuất khẩu được vải thiều chính vụ, không tranh thủ được vải đầu mùa nên giảm kế hoạch xuất khẩu xuống còn 100 tấn.
"Vải Việt Nam ngọt nhưng có vị chua nhẹ, phù hợp với thị hiếu người Nhật nên có ưu thế hơn so với vải Trung Quốc vốn chỉ có vị ngọt cũng đang được bán tại Nhật" - bà Vy nói.
Trong khi đó, thông tin từ Vina T&T Group cho biết lô vải thiều đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ bằng đường tàu biển đã hoàn tất thủ tục kiểm dịch, chiếu xạ và đang trên đường vận chuyển. Lô hàng này có khối lượng 30 tấn, được thu mua từ vùng nguyên liệu huyện Lục Ngạn, tỉnh Bắc Giang.
Bình luận (0)