Ngày 1-10, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai (tỉnh Lâm Đồng), xác nhận hầu hết các dự án quảng cáo rầm rộ trên địa bàn huyện thời gian qua đều không có thực. Ngành chức năng huyện đang tích cực vào cuộc xử lý và tuyên truyền cho người dân hiểu biết nhằm hạn chế thiệt hại, tiền mất, tật mang.
Rao bán cả đất rừng
Trong khi đó, lướt các trang mạng xã hội, phóng viên vẫn ghi nhận nhan nhản những mẩu rao vặt như: "Đất nền dự án pháp lý rõ ràng, sang tên ngay trong ngày, đã có sổ đỏ riêng từng nền, có sẵn thổ cư từng nền xây dựng tự do giá trị từ 300 đến 450 triệu đồng/nền chỉ cần thanh toán trước 50%, ngân hàng hỗ trợ vay 50% còn lại trong vòng 20 năm, dự án có xe đưa đón đi xem thực tế vào sáng chủ nhật hằng tuần, liên hệ hotline: 0933802xxx (Minh Trọng). Đặt cọc chỉ 30 triệu đồng trả góp theo tiến độ và công ty sẽ hoàn tiền 100% cho khách hàng với bất cứ lý do gì nếu khách hàng không mua chỉ sau 15 ngày".
Phân lô, rao bán đất nền trái phép trên đất trồng rừng tại xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm
Những dự án “ma” được rao bán nhan nhản tại Lâm Đồng
Một mẩu quảng cáo khác cũng hấp dẫn không kém: "Chuẩn bị đặt chỗ dự án biệt thự nhà vườn, giá tốt chưa từng thấy ra mắt dự án Madagui - Bảo Lộc - Lâm Đồng biệt thự vườn chỉ 319 triệu đồng/lô, chuyển nhượng trong ngày nhà phố (shophouse) mặt tiền đường nhựa 12 m chỉ 370 triệu đồng/lô diện tích 105 m2...". Ngoài ra, nhiều môi giới đất nền còn lên Facebook, Zalo... đăng tải thông tin rao bán đất tại thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai với giá 378 triệu đồng/nền (diện tích 7x15 m, 8x15 m), với cam kết 100% đất thổ cư kèm theo hình ảnh, bản đồ... do Công ty CP Đầu tư và Công nghệ Đại Việt đầu tư.
Thậm chí tại địa bàn xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm (tỉnh Lâm Đồng) còn xuất hiện nhiều dự án phân lô, bán nền trái phép ngay trên đất trồng rừng. Những dự án này được quảng cáo rất hấp dẫn nhằm thu hút khách hàng góp vốn đầu tư thuê đất rừng để làm dự án du lịch, nghỉ dưỡng. Có đơn vị tại TP HCM còn tổ chức đưa khách lên vùng rừng thuộc xã Lộc Phú, huyện Bảo Lâm để giới thiệu sản phẩm, mở bán, giữ chỗ, đặt cọc... Trong khi theo tìm hiểu của phóng viên, khu vực này thuộc dự án đầu tư "Quản lý bảo vệ rừng, trồng rừng, trồng thử nghiệm cây cao su, sản xuất nông nghiệp công nghệ cao và chăn nuôi gia súc", đã được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu cho Công ty TNHH Đại Hải ngày 8-5-2008, thời gian thuê 50 năm.
Người dân địa phương nơi có những dự án nói trên cho biết không có khu đất nào như trong quảng cáo mà gần trường học, bệnh viện, trung tâm y tế, ủy ban... Tất cả diện tích trên đều thuộc đất nông nghiệp, không có quy hoạch gì nên người ở địa phương khác hoặc ai có nguyện vọng đầu tư tại địa bàn thị trấn Madagui, huyện Đạ Huoai cần phải tìm hiểu kỹ hoặc liên hệ trực tiếp với chính quyền địa phương để tránh tình trạng tiền mất tật mang.
Yêu cầu dừng mọi hoạt động chờ điều tra
Theo Báo cáo số 655/BC-TNMT của Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đạ huoai, hiện nay trên mạng xã hội có đăng tải họa đồ tổng thể mặt bằng quy hoạch phân lô khu đất cụm công nghiệp Đạ Oai kèm theo danh sách phân lô, khu biệt thự… diện tích từ 105-875 m2/lô, giá rao bán trên 300-900 triệu đồng/lô. Chủ đầu tư là Công ty CP Bất động sản Lâm Đồng do ông Bùi Quang Hải làm tổng giám đốc. Tuy nhiên, qua kiểm tra, cơ quan này xác định khu đất đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Nguyễn Trung Thành và vợ Trần Thị Ngọc Nhật (địa chỉ 207-NC2 khu đô thị mới Tân Triều, huyện Thanh Trì, TP Hà Nội) diện tích 111.336 m2 loại đất nông nghiệp gồm 71 thửa, thuộc tờ bản đồ số 18 và 30 vị trí tại thôn 4 xã Madagui. Huyện đã liên hệ với ông Nguyễn Trung Thành và được biết ông không chuyển nhượng đất cho bất cứ tổ chức, cá nhân nào và cũng không phân lô bán nền. Trước thực trạng này, UBND huyện Đạ Huoai đã ra thông báo cảnh báo việc giao dịch mua bán khu đất phân lô bán nền gần Cụm Công nghiệp Đạ Oai.
UBND huyện Đạ Huoai cũng khẳng định không có chủ trương cho mở đường giao thông và phân lô bán nền; Công ty CP Bất động sản Lâm Đồng chưa đăng ký với UBND huyện Đạ Huoai để phân lô bán nền tại khu đất nói trên. Do vậy, khu đất này không đủ điều kiện để phân lô bán nền, không chuyển mục đích sử dụng đất từ đất nông nghiệp sang đất ở được. Việc giao dịch mua bán theo dạng phân lô, bán nền tại khu đất này là không đúng quy định của pháp luật. "Trước tình trạng rao bán, giao dịch bất động sản ảo, UBND huyện đã chủ động, phối hợp với UBND tỉnh Lâm Đồng, Sở Thông tin và Truyền thông tỉnh tiến hành tháo gỡ những biển báo quảng cáo không chính xác, xử lý những đơn vị đăng tin sai lệch nhằm ngăn chặn kịp thời những rủi ro giao dịch ngầm ảnh hưởng đến người dân và nhà đầu tư..." - ông Lưu Tiến Chinh, Chủ tịch UBND huyện Đạ Huoai, thông tin thêm.
Ông Trịnh Văn Thảo, Chánh Văn phòng UBND huyện Bảo Lâm, cho biết huyện cũng đã yêu cầu các chủ dự án trên địa bàn dừng mọi quảng cáo không đúng sự thật. UBND tỉnh Lâm Đồng đã thành lập đoàn thanh tra tỉnh phối hợp cùng huyện Bảo Lâm vào cuộc xử lý. Trong thời gian này, Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Bảo Lâm đã yêu cầu các chủ dự án dừng mọi hành vi không đúng mục đích để lực lượng chức năng vào cuộc làm rõ.
Đổi tên để quảng cáo, bán hàng
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, cho biết: "Qua nắm bắt thông tin phản ánh, có trường hợp là dự án thật nhưng để thu hút đầu tư nên doanh nghiệp lấy tên thương mại khác, hay hơn để quảng cáo. Bên cạnh đó, cũng có những dự án không có thật, hiện UBND tỉnh Lâm Đồng đã chỉ đạo đơn vị phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cùng các ngành chức năng huyện, TP vào cuộc điều tra xử lý theo quy định pháp luật".
Bình luận (0)