Vẫn chịu tác động chủ yếu từ thị trường Mỹ, giá vàng trong nước đầu giờ sáng nay được đẩy lên 35,52 triệu đồng/lượng mua vào và 35,57 triệu đồng/lượng bán ra, tăng nhẹ khoảng 30.000 đồng so với chiều hôm trước.
Tuy nhiên, sau nhiều lần điều chỉnh giảm, mức giá rớt còn 35,48 triệu và 35,53 triệu đồng/lượng (mua vào - bán ra). Một số đơn vị thậm chí còn bán thấp hơn, chỉ có 35,52 triệu đồng mỗi lượng, giảm khoảng 20.000 đồng so với chiều hôm trước. Riêng Công ty vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) có giá bán cao nhất, với 35,54 triệu đồng, bằng với một ngày trước.
Giao dịch trên thị trường vẫn khá ảm đạm và chưa có dấu hiệu khởi sắc. Khách hàng mua bán chủ yếu chọn vàng nhẫn tròn trơn và vàng trang sức do giá thấp hơn nhiều so với vàng miếng. Cụ thể, vàng nhẫn SJC 99,99 có giá 3,351 triệu đồng/chỉ mua vào và 3,391 triệu đồng/chỉ bán ra. Vàng nữ trang SJC 24k có giá bán tương tự, nhưng giá mua vào khá thấp, chỉ khoảng 3,3 triệu đồng/chỉ. Vàng nhẫn 24k của PNJ có giá cao hơn SJC 10.000 đồng. Trong khi vàng nhẫn loại 1 chỉ, 2 chỉ, 5 chỉ của Tập đoàn DOJI lại có giá tương đương với vàng miếng.
Đối với vàng thế giới, giá vàng giao ngay ở thị trường Mỹ đêm 11-2 tiếp tục gần 16 USD lên 1.291,9 USD mỗi ounce, cao nhất trong 3 tháng trở lại đây. Theo các chuyên gia, giá vàng tăng là do phát biểu của bà Janet Yellen, tân Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) trước Quốc hội nước này. Theo đó, trong phiên điều trần đầu tiên trên cương vị người đứng đầu FED, bà Yellen nói trong thời gian tới sẽ không có sự thay đổi bất ngờ nào trong chính sách tiền tệ. Điều này có nghĩa là lãi suất cơ bản đồng USD tiếp tục thấp kỷ lục và gói kích thích kinh tế (QE3) sẽ không bị cắt giảm mạnh.
Giá vàng ở châu Á ngày 12-2 không chịu tác động từ phát biểu trên nên đã quay đầu đi xuống, có lúc giảm hơn 4 USD so với giá đóng cửa ở thị trường Mỹ, xuống 1.287 USD/ounce, tức khoảng 32,8 triệu đồng/lượng, chỉ còn thấp hơn vàng SJC khoảng 2,7 triệu đồng.
Trái ngược với thị trường vàng, chứng khoán tiếp tục sôi động bất chấp thị trường vừa có phiên sụt giảm mạnh vào chiều hôm qua (11-2). Sự lạc quan của nhà đầu tư trong nước lẫn nước ngoài đã kéo VN-Index tăng điểm mạnh nhất kể từ đầu năm với 10,35 điểm vào cuối phiên, tức tăng 1,87% so với ngày hôm trước lên 564,25 điểm. Như vậy, chỉ số đã chính thức phá vỡ mốc 560 điểm được cho là kháng cự mạnh trong những phiên gần đây.
Sàn HoSE có đến 192 mã cổ phiếu tăng giá, chỉ vỏn vẹn 51 mã giảm và 49 mã đứng yên. Có rất nhiều cổ phiếu lớn tăng giá, như BVH tăng 2.300 đồng, GAS (+3.000 đồng), HSG (+1.300 đồng), DHG (+4.000 đồng), HPG (+1.200 đồng), VNM (+1.000 đồng)...
Khối lượng giao dịch dù không đạt kỷ lục như ngày hôm qua nhưng vẫn rất cao, với 126 triệu cổ phiếu, trị giá gần 2.148 tỉ đồng. Cổ phiếu FLC có giao dịch nhiều nhất, đạt hơn 9 triệu đơn vị, kế đến là ITA trên 7 triệu đơn vị, HAG và SSI cũng đạt trên 5 triệu đơn vị mỗi mã.
Theo thống kê của trang tài chính Vietstock thì cổ phiếu của các nhóm ngành như bảo hiểm, bất động sản, sản xuất tôn thép, xây dựng, chứng khoán... có mức tăng mạnh nhất trong ngày.
Ở sàn HNX, những cổ phiếu lớn đồng thời có tính đầu cơ cao như PVX, SCR, VCG, SHB, KLS... đều tăng giá mạnh và có hàng chục triệu đơn vị chuyển nhượng, chiếm tỉ trọng lớn trên sàn. Điều này giúp chỉ số HNX-Index tăng thêm 1,19 điểm (+1,58%) lên 76,75 điểm, cao nhất kể từ đầu năm. Khối lượng giao dịch ở sàn này cũng đạt mức cao, với 63,78 triệu cổ phiếu, trị giá 584,14 tỉ đồng.
Mặc dù thị trường tăng điểm mạnh và giao dịch sôi động nhưng chuyên gia phân tích ở các công ty chứng khoán vẫn nhận định thị trường đã xuất hiện nhiều dấu hiệu điều chỉnh giảm và khuyên nhà đầu tư chọn thời điểm bán chốt lời, tránh mua cổ phiếu ở giá cao. Tuy nhiên, trong sự hưng phấn, nhiều người cho rằng vẫn có thể kiếm lời nếu chọn đúng cổ phiếu và đúng thời điểm để mua vào.
Bình luận (0)