Sau khi tăng gần 1 triệu đồng/lượng ngay khi mở cửa, đến 10 giờ 15, một số doanh nghiệp tiếp tục điều chỉnh giá vàng miếng SJC lên tới 60,2 triệu đồng/lượng.
Tuy nhiên, chưa dừng lại ở đó, đến khoảng 10 giờ 45, giá vàng miếng SJC tiếp tục được đẩy lên 59,45 triệu đồng/lượng ở chiều mua vào và 60,73 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 2 triệu đồng so với hôm qua và tăng gần 3 triệu đồng chỉ trong 2 ngày qua.
Cùng thời điểm này, giá vàng thế giới chỉ nhích nhẹ lên 2.042 USD/ounce.
Trước đó, khi vừa mở của giao dịch ngày 6-8, các doanh nghiệp, ngân hàng thương mại đồng loạt niêm yết giá vàng miếng SJC ở mức kỷ lục mới, tiến sát mốc 60 triệu đồng/lượng.
Lúc 9 giờ, Công ty Vàng bạc Đá quý Sài Gòn (SJC) niêm yết giá vàng miếng mua vào 58,6 triệu đồng/lượng, bán ra 59,88 triệu đồng/lượng, tăng gần 800.000 đồng/lượng so với cuối ngày hôm qua và tăng tới 1,1 triệu đồng/lượng so với sáng hôm qua.
Tại Hà Nội, Tập đoàn DOJI niêm yết giá vàng SJC mua vào 58,4 triệu đồng/lượng, bán ra 59,5 triệu đồng/lượng.
Chênh lệch giá mua - bán tiếp tục được các doanh nghiệp giữ ở mức trên 1 triệu đồng/lượng.
Các ngân hàng thương mại cũng niêm yết giá vàng SJC ở mức cao mới, quanh 58,7 triệu đồng/lượng mua vào, 59,5 triệu đồng/lượng bán ra.
Ngân hàng Nhà nước cho biết dù giá vàng cao kỷ lục nhưng không còn cảnh xếp hàng mua vàng như trước đây.
Trong khi giá vàng trang sức, vàng nhẫn 24K các loại lại tăng khá chậm. Hiện giá vàng trang sức được giao dịch cao nhất quanh 55,15 triệu đồng/lượng mua vào, 56,45 triệu đồng/lượng bán ra, tăng khoảng 600.000 đồng mỗi lượng so với hôm qua.
Giá vàng nhẫn, trang sức 24K các loại đang thấp hơn vàng miếng SJC tới khoảng 3,5 triệu đồng/lượng, mức chênh lệch rất cao nếu so với những tháng trước.
Trên thị trường quốc tế, kim loại quý cũng lập đỉnh và đang ở vùng cao nhất trong lịch sử khi lên gần 2.040 USD/ounce, tăng hơn 20 USD mỗi ounce so với cuối ngày hôm qua, theo giờ Việt Nam. Hiện giá vàng thế giới quy đổi theo tỉ giá niêm yết vào khoảng 57,2 triệu đồng/lượng, thấp hơn giá vàng SJC khoảng 2,7 triệu đồng/lượng.
Trước những diễn biến tăng sốc của giá vàng gần đây, Ngân hàng Nhà nước cho biết giá vàng quốc tế đã tăng mạnh, vượt ngưỡng tâm lý quan trọng 2.000 USD/ounce. Nguyên nhân chủ yếu là do nhu cầu đầu tư vào vàng như một tài sản an toàn ngày càng tăng trong giai đoạn hiện nay.
Chính phủ và Ngân hàng trung ương các nước lần lượt triển khai nhiều gói kích thích kinh tế để hạn chế ảnh hưởng tiêu cực của đại dịch Covid-19 lên nền kinh tế, đặc biệt là tại Mỹ, lãnh đạo Đảng Dân chủ đã ủng hộ đề xuất của Đảng Cộng hòa về gói cứu trợ trị giá 1.000 tỉ USD. Kỳ vọng về lạm phát tăng trên toàn cầu và việc lợi tức trái phiếu chính phủ 10 năm của Mỹ đã giảm xuống mức âm 1,06%. Ngoài ra, căng thẳng thương mại giữa các nước lớn cũng là nguyên nhân khiến vàng tăng giá.
Trên thị trường trong nước, Ngân hàng Nhà nước nhận định mức tăng của giá vàng miếng SJC phù hợp với mức tăng của giá vàng quốc tế. Tuy nhiên, không như trước đây, khi giá vàng tăng mọi người thường đổ xô đi mua vàng.
"Hiện giao dịch thị trường không có đột biến, tình hình mua, bán vàng miếng trầm lắng, doanh số mua, bán vàng đã giảm khoảng 30% so với cùng thời điểm năm ngoái. Giá vàng nguyên liệu và một số loại vàng miếng thương hiệu khác vàng miếng SJC duy trì ở mức thấp hơn giá vàng quốc tế quy đổi" - đại diện Ngân hàng Nhà nước phân tích.
Trong thời gian tới, cơ quan quản lý dự đoán giá vàng thế giới có thể còn biến động khó lường, chủ yếu phụ thuộc vào diễn biến phức tạp của đại dịch Covid-19 trên toàn cầu, cũng như tình hình địa chính trị trên thế giới. Do đó, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục theo dõi sát diễn biến giá vàng trên thị trường, nếu có diễn biến bất thường sẽ có các giải pháp và đủ nguồn lực để bình ổn thị trường.
Bình luận (0)