Đáng lưu ý, giá vàng trong nước đang gần như "bất động" so với đà biến động mạnh của giá thế giới. Trong ngày, có thời điểm giá vàng thế giới rớt khỏi vùng 1.800 USD/ounce xuống chỉ còn 1.785 USD/ounce trước khi hồi phục lại lên mức 1.808 USD/ounce vào cuối ngày 5-2 theo giờ Việt Nam.
Chỉ trong 3 ngày qua, giá vàng thế giới rớt tương đương khoảng 1,1 triệu đồng/lượng, trong khi giá vàng trong nước gần như không thay đổi. Diễn biến này khiến giá vàng SJC đang cao hơn thế giới tới 6,5 triệu đồng/lượng, mức kỷ lục trong nhiều năm qua, kể cả giai đoạn giá vàng SJC lên 62 triệu đồng/lượng vào tháng 8-2020, chênh lệch giá vàng nội - ngoại cũng chỉ khoảng 5 triệu đồng.
Vàng SJC đang cao hơn vàng thế giới tới 6,5 triệu đồng/lượng Ảnh: TẤN THẠNH
Theo chuyên gia vàng Trần Thanh Hải, giá vàng SJC cao hơn thế giới mức kỷ lục nhưng cần phân tích ở cả chiều mua - bán. Cụ thể, giá vàng SJC được các doanh nghiệp mua vào từ thị trường cũng được niêm yết ở mức rất cao từ 56,35 triệu đồng/lượng. "Nhiều người cho rằng giá vàng còn lên nữa nên không vội bán ra, ngay cả khi doanh nghiệp để giá mua vào cao, thị trường vắng nguồn cung và vắng cả lượng giao dịch" - ông Trần Thanh Hải nói.
Một nguyên nhân khác nữa là hiện nay các doanh nghiệp đang vào mùa sản xuất vàng trang sức, mỹ nghệ nhằm đáp ứng nhu cầu vàng tăng cao dịp Tết, đặc biệt là sản xuất sản phẩm vàng cho ngày Thần Tài (mùng 10 tháng giêng). Dù giá cao nhưng doanh nghiệp vẫn phải mua vào vàng do nhu cầu tăng, dẫn đến chênh lệch giá vàng trong nước giãn rộng với thế giới.
Một số chuyên gia cảnh báo mức chênh lệch quá cao của giá vàng trang sức so với thế giới trên 4 triệu đồng/lượng khiến nguy cơ vàng lậu tràn vào theo đường biên mậu gia tăng. Tuy vậy, cũng có ý kiến cho rằng vàng lậu khó về vì biên giới đang được thắt chặt để phòng chống dịch Covid-19.
Bình luận (0)