Mới đây, tại buổi kết nối thị trường giữa doanh nghiệp (DN) công nghiệp hỗ trợ (CNHT) nội với DN Nhật Bản ở TP HCM, các DN Nhật đánh giá nhà sản xuất Việt đã có nhiều nỗ lực cải thiện hiệu suất sản xuất, đáp ứng nhu cầu chất lượng và giá thành.
Hơn nhau ở năng suất chất lượng
Trong các đợt tư vấn cải tiến, các chuyên gia của Tập đoàn Samsung đánh giá DN CNHT đã tiến bộ nhiều so với trước. Tuy nhiên, để duy trì khả năng cạnh tranh và có cơ hội tham gia vào các chuỗi cung ứng, DN cần duy trì sự cải tiến liên tục và thay đổi tư duy theo hướng không gì là không thể nếu có quyết tâm và phương pháp đúng. Kết quả trên một phần nhờ TP HCM đã có nhiều chương trình hỗ trợ DN cải tiến năng suất thông qua việc áp dụng công cụ quản trị sản xuất tinh gọn hơn, hiệu quả như 5S, Kaizen…
Các doanh nghiệp xi mạ cần liên kết chặt chẽ với doanh nghiệp cơ khí
Theo các DN CNHT, những tiêu chuẩn chất lượng, kỹ thuật nhà sản xuất sản phẩm đầu cuối nước ngoài đưa ra không quá khó, DN nội đủ khả năng đáp ứng, vấn đề là làm sao cải thiện tốt nhất quy trình vận hành của nhà mát để quản trị sản xuất tốt hơn, giá thành cạnh tranh hơn. Đã có kinh nghiệm 20 năm làm việc với các đối tác Nhật, bà Trương Vân Tiên, Giám đốc Công ty Cơ khí Duy Khanh, cho biết công ty đã học được từ người Nhật tinh thần làm việc, từng bước thích ứng với yêu cầu kỹ thuật cao và phong cách làm việc chuyên nghiệp.
Ông Nguyễn Gia Bảo, Phó Phòng Kinh doanh Công ty Amura Precision, cũng cho rằng bước đầu DN Việt còn bỡ ngỡ nhưng với sự hỗ trợ của các chuyên gia nước ngoài và các chương trình của Chính phủ, DN sẽ từng bước thay đổi và làm quen với sản xuất công nghệ cao.
Kết nối chuỗi giá trị
Bên cạnh bài toán chất lượng, vấn đề kết nối tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm cũng rất quan trọng. Thời gian qua, Trung tâm Phát triển CNHT TP HCM thường xuyên tổ chức kết nối giao thương giữa DN CNHT, đặc biệt là DN nhỏ và vừa với các đối tác. Bà Lê Nguyễn Duy Oanh, phó giám đốc trung tâm, cho biết kết nối giao thương là một trong những bước đầu tiên giúp DN CNHT Việt Nam tiếp cận, quảng bá năng lực cung ứng cũng như tìm hiểu yêu cầu đối tác. Bên cạnh đó, những cuộc gặp gỡ, trao đổi trực tiếp giúp DN tự tin tham gia vào các chuỗi cung ứng.
Để kết nối thiết thực và hiệu quả, DN rất cần xây dựng những DN đầu đàn đủ khả năng tập hợp, liên kết các nhà sản xuất CNHT để tạo thành sản phẩm đa chi tiết có giá trị gia tăng cao. Về lâu dài, việc xây dựng những chuỗi giá trị gia tăng này sẽ tạo vị thế đối trọng giữa DN Việt với DN FDI cũng như DN sản xuất đầu cuối, từ đó giúp DN nội phát triển ổn định, giảm sức ép trước DN nước ngoài.
Ông Trần Thanh Tuấn, Tổng Giám đốc Công ty Thanh Luân, nêu ví dụ DN ông làm ngành mạ nên cần kết nối với một DN cơ khí để tạo nên chuỗi sản phẩm cung cấp cho khách hàng. "Các tập đoàn lớn đầu tư vào Việt Nam thường có yêu cầu nội địa hóa, một số cơ quan nhà nước như Sở Công Thương, Ban Quản lý Khu Công nghệ cao… biết họ muốn tìm nhà cung cấp cho sản phẩm nào, tiêu chuẩn ra sao nên cần triển khai rộng rãi đến DN. Trong nội bộ hội ngành nghề cũng cần chia sẻ, liên kết, hỗ trợ nhau để nâng cao chuỗi giá trị" - ông Tuấn nói.
Hỗ trợ thiết thực cho DN
Ngoài những chương trình kể trên, TP HCM đang tích cực triển khai các chính sách hỗ trợ DN mở rộng đầu tư, sản xuất lĩnh vực CNHT. 15 dự án đầu tư lĩnh vực CN - CNHT ngành cơ khí, cao su - nhựa và lương thực - thực phẩm đã được duyệt tham gia chương trình kích cầu đầu tư theo Quyết định số 50/2015/QĐ-UBND với tổng vốn vay được hỗ trợ lãi suất hơn 584 tỉ đồng. Các chương trình kết nối ngân hàng cho vay đổi mới công nghệ, mở rộng sản xuất lĩnh vực CNHT; chương trình liên kết vùng về phát triển CNHT TP với các tỉnh nhằm thúc đẩy việc tiêu thụ và quảng bá sản phẩm CNHT; xây dựng, triển khai các hoạt động xúc tiến, kêu gọi đầu tư trong lĩnh vực CNHT… cũng đang được triển khai.
Bình luận (0)