Tại hội thảo Đưa hàng vào hệ thống phân phối hiện đại và truyền thống TP HCM trong khuôn khổ hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2017, đông đảo cơ sở sản xuất, doanh nghiệp (DN) các địa phương mong muốn tăng cường giao thương với nhà phân phối cả kênh bán lẻ hiện đại lẫn truyền thống.
Kênh truyền thống được quan tâm
Những năm trước đây, cơ sở kinh doanh, DN ở các tỉnh, thành tham gia hội nghị kết nối cung cầu chủ yếu nhắm đến việc chào bán sản phẩm vào hệ thống phân phối hiện đại của TP HCM. Năm nay, hệ thống phân phối truyền thống với các chợ đầu mối, chợ lẻ, cửa hàng tạp hóa… lại được chú ý nhiều hơn. Khá nhiều đơn vị sản xuất đặc sản địa phương từ Bắc tới Nam đã giới thiệu sản phẩm, bày tỏ mong muốn tìm đối tác bán hàng tại TP HCM.
Ông Ngô Đức Sinh, Tổng Giám đốc Công ty Nông lâm sản Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình), cho biết sản phẩm chính của công ty là măng, mơ và miến dong. Những sản phẩm này đã có mặt ở tất cả hệ thống siêu thị lớn tại TP HCM và bước đầu thành công ở một số chợ đầu mối phía Bắc. Tham gia hội nghị kết nối cung cầu lần này, công ty rất muốn tìm nhà phân phối ở kênh truyền thống. Nếu có đối tác hợp tác, công ty sẽ tính toán lại giá bán vì đưa hàng ra chợ tiết kiệm được 20%-30% so với chi phí vào siêu thị, đồng thời thiết kế lại bao bì, quy cách đóng gói phù hợp với nhu cầu của các chợ.
Hội nghị Kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2017 thu hút 2.763 doanh nghiệp tham gia trưng bày sản phẩm Ảnh: Hoàng triều
Theo các DN, chợ truyền thống vẫn là kênh mua sắm quan trọng của người dân TP. Vì vậy, những DN mới gia nhập thị trường hoặc sản xuất quy mô nhỏ mong muốn được bán hàng vào chợ hoặc tìm đại lý phân phối trực tiếp hơn là siêu thị. Dù vậy, kênh phân phối hiện đại vẫn là chìa khóa để các DN gia nhập thị trường và khẳng định chất lượng, thương hiệu sản phẩm.
Ông Nguyễn Xuân Sơn, Chủ tịch HĐQT Công ty Hương Quế (TP Đà Nẵng), cho rằng so với 5 năm trước, các hệ thống siêu thị đã tiếp thu, điều chỉnh khá nhiều qua tương tác với nhà cung cấp nhưng vẫn còn tình trạng "trên nóng, dưới lạnh". Theo ông Sơn, ban lãnh đạo các hệ thống bán lẻ rất cầu thị nhưng bộ phận nghiệp vụ trực tiếp làm việc với nhà cung cấp còn "lạnh" và có sự phân biệt đối xử giữa các nhà cung cấp, nhiều trường hợp gây khó khăn, bất lợi và tốn kém cho DN bởi từng siêu thị có những quy định riêng.
Ông Sơn đề nghị nhà phân phối nên chấm điểm, phân loại nhà cung cấp để tạo điều kiện thuận lợi hơn cho những DN được đánh giá cao. Nhiều DN mong muốn nhà phân phối chấn chỉnh lại một số hoạt động, đặc biệt trong tương tác giữa nhân viên thu mua với nhà cung cấp để việc hợp tác bán hàng thuận lợi hơn.
Ông Ngô Đức Sinh phản ánh việc đặt hàng của các siêu thị đang "có vấn đề". Theo ông, bộ phận đặt hàng của nhiều siêu thị đang giao dịch bằng cảm tính, ước lượng. Có những chuỗi phân phối chỉ giao cho một người phụ trách đặt hàng cho cả chuỗi nên không nắm rõ thông tin cụ thể từng điểm bán và không gắn kết với lượng tồn kho, dẫn đến đặt hàng theo nhu cầu ảo. Trong khi đó, DN cung cấp rất khó kết nối với nhân viên đặt hàng của siêu thị.
"Chúng tôi rất mong có siêu thị hợp tác với Kim Bôi thí điểm khảo sát bán hàng tại từng điểm bán để từ đó đặt hàng "thông minh" và chính xác hơn. Thời đại cạnh tranh công nghệ, nếu DN phân phối và sản xuất không đầu tư công nghệ thông tin thì sẽ mất thị phần" - ông Sinh nhìn nhận.
Cần hiểu mình, hiểu khách hàng nhiều hơn
Đại diện các hệ thống phân phối đánh giá hội nghị kết nối cung cầu năm nay thu hút khá đông DN cung cấp trong cả nước, trong đó hơn 80% chưa từng giao dịch với nhà phân phối. Nhằm tiết kiệm thời gian cho cả 2 bên, các nhà phân phối chuẩn bị sẵn bộ tiêu chí mua hàng để nhà cung ứng tham khảo trước khi bàn chuyện làm ăn.
Theo ông Hồ Quốc Nguyên, phụ trách đối ngoại Big C Việt Nam, chính sách thu mua của Big C là cởi mở và công bằng. Quan điểm của Big C là không lựa chọn sản phẩm mình yêu thích mà chọn sản phẩm khách hàng tìm kiếm nên cơ hội hợp tác bằng nhau cho tất cả nhà cung cấp. Big C mong muốn nhà cung cấp, đối tác hiểu giá trị sản phẩm của mình, nhu cầu thị trường, đối thủ cạnh tranh và sự khác biệt giữa sản phẩm của mình và đối thủ cạnh tranh… "DN cung cấp có nhiều thông tin cụ thể, chúng tôi càng có cơ sở bàn giải pháp hợp tác" - ông Nguyên khẳng định.
Đang phân phối sản phẩm cho khoảng 500 nhà cung cấp ở các địa phương, Saigon Co.op cho biết thời gian qua, đơn vị này luôn có chính sách hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm địa phương, sản phẩm của các cơ sở sản xuất, HTX... Tuy nhiên, việc hợp tác giữa nhà cung cấp và nhà phân phối vẫn còn nhiều hạn chế. Nhiều HTX, hộ kinh doanh cá thể, kinh tế trang trại… tham gia hội nghị kết nối cung cầu nhưng sản phẩm lại chưa qua kiểm nghiệm định kỳ, cơ sở chưa đạt chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất và kinh doanh hoặc chưa đủ thủ tục pháp nhân để giao dịch. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở ở xa, thông tin giao dịch chậm, không thuận tiện cho việc giao nhận hàng hóa hoặc chưa đáp ứng yêu cầu về sản lượng, giao nhận và kinh doanh của siêu thị…
Bà Nguyễn Huỳnh Trang, Phó Giám đốc Sở Công Thương TP HCM, cho rằng bên cạnh việc tìm đầu ra cho sản phẩm mới, sản phẩm chưa có ở thị trường TP HCM, hội nghị còn tập trung giải quyết các khó khăn trong quá trình giao thương và thúc đẩy mối liên kết, quan hệ hợp tác đã thiết lập giữa các bên, hướng đến mục tiêu hình thành các chuỗi cung ứng tối ưu. Đây là lần đầu tiên triển khai các hoạt động kết nối online thông qua website www.ketnoicungcau.vn, mở rộng các kênh thông tin, tạo điều kiện tối đa cho các DN tham gia.
266 giao dịch thành công
Hội nghị kết nối cung cầu hàng hóa giữa TP HCM và các tỉnh, thành năm 2017 do Sở Công Thương TP HCM phối hợp với sở công thương các địa phương tổ chức diễn ra từ ngày 8 đến 10-12 tại Nhà Thi đấu TDTT Phú Thọ (quận 10, TP HCM).
Tổng cộng, 2.763 DN của 39 tỉnh, thành đã đăng ký tham gia với quy mô 450 gian hàng. Đến 16 giờ ngày 8-12, đã có 266 giao dịch thành công giữa nhà cung cấp và nhà mua hàng.
Bình luận (0)