Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Phạm Tiến Dũng cho biết trong cả 2 quyết định về Chiến lược tài chính toàn diện quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 và Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt tại Việt Nam giai đoạn 2021-2025 của Thủ tướng Chính phủ, Mobile Money được xem là giải pháp nhằm triển khai dịch vụ tài chính, đặc biệt là người dân vùng sâu, vùng xa...
Hơn 10.000 thuê bao đăng ký
Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) vừa chính thức công bố cung cấp dịch vụ Mobile Money trên cả nước, sau khi được NHNN chấp thuận triển khai thí điểm dịch vụ này.
Người dùng mạng VinaPhone và MobiFone dễ dàng sử dụng dịch vụ Mobile Money mà không cần tài khoản ngân hàng .Ảnh: TẤN THẠNH
Theo VNPT, việc các chủ thuê bao của nhà mạng VinaPhone (thuộc VNPT) bắt đầu đăng ký sử dụng dịch vụ Mobile Money (ứng dụng VNPT Pay) sẽ tiếp tục thúc đẩy thị trường thanh toán không tiền mặt ở Việt Nam phát triển mạnh hơn nữa sau khi ghi nhận sự bùng nổ trong các đợt dịch Covid-19 vừa qua.
Theo đó, với Mobile Money, nhóm khách hàng không có tài khoản NH vẫn có thể sử dụng thuê bao của VinaPhone như để nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán các dịch vụ... Để khuyến khích người dùng sử dụng dịch vụ mới, trong thời gian đầu, VinaPhone sẽ miễn phí việc nạp, rút, chuyển tiền và thanh toán qua Mobile Money. Tổng các hạn mức giao dịch, thanh toán của chủ tài khoản Mobile Money không quá 10 triệu đồng/tháng.
Đại diện VNPT cho biết tập đoàn sở hữu mạng lưới điểm kinh doanh gồm hơn 10.000 điểm giao dịch, 10.000 điểm giao dịch ủy quyền và hơn 200.000 điểm kinh doanh liên kết, phủ rộng và sâu khắp 63 tỉnh, thành sẽ giúp Mobile Money - VNPT Pay dễ dàng tiếp cận người dùng tới những nơi có điều kiện cơ sở vật chất khó khăn nhất.
Ngày 29-11, số liệu của VNPT cho thấy sơ bộ sau 3 ngày triển khai Mobile Money, đã có hơn 10.000 thuê bao đăng ký tài khoản sử dụng dịch vụ này, phản ánh tín hiệu tích cực ban đầu từ kênh thanh toán không tiền mặt mới.
Tương tự, Tổng Công ty Viễn thông MobiFone cũng được chấp thuận triển khai thí điểm Mobile Money. Trong giai đoạn đầu, MobiFone cho biết sẽ triển khai cung cấp dịch vụ trên hệ thống hơn 600 cửa hàng, điểm giao dịch của MobiFone trên toàn quốc. Sau đó sẽ mở rộng ra toàn bộ hệ thống hơn 10.000 điểm giao dịch thông qua các đối tác, đại lý.
Chuyên gia kinh tế - TS Nguyễn Minh Phong nhận định việc NHNN cho phép VinaPhone và MobiFone triển khai thí điểm dịch vụ Mobile Money đã đưa Việt Nam gia nhập cộng đồng gần 100 quốc gia có triển khai loại hình thanh toán này. Kênh thanh toán mới sẽ góp phần lấp đầy khoảng trống trong thanh toán không dùng tiền mặt ở khu vực vùng sâu, vùng xa, thị trường ngách, những nơi chưa có tài khoản NH, thúc đẩy tài chính toàn diện.
Không có chuyện phát hành thêm tiền tệ
Tuy vậy, việc Mobile Money ra đời đang khiến các doanh nghiệp (DN) chuyên về ví điện tử, đặc biệt là các ví điện tử nhỏ, lo ngại sẽ khó cạnh tranh lại với 2 ông lớn trong ngành viễn thông với lượng khách hàng lớn và độ bao phủ rộng. Bởi việc sử dụng Mobile Money quá đơn giản so với ví điện tử và các kênh thanh toán không tiền mặt khác.
TS Nguyễn Minh Phong cho rằng mỗi kênh thanh toán có lợi thế riêng như ví điện tử hạn mức giao dịch của cá nhân tối đa 100 triệu đồng/tháng, trong khi Mobile Money hạn mức tối đa là 10 triệu đồng/tháng. Ví điện tử có thể thanh toán quốc tế, còn Mobile Money đang thí điểm ở thị trường nội địa... Mỗi kênh thanh toán đem lại cho người dùng sự tiện lợi khác nhau mà nếu phối hợp tốt sẽ góp phần thúc đẩy thanh toán không tiền mặt.
Chuyên gia tài chính NH - TS Nguyễn Trí Hiếu cũng nhìn nhận việc Mobile Money được cấp phép sẽ tạo thuận lợi hơn cho người dân trong thanh toán. "Tuy vậy, Mobile Money có chức năng "tạo tiền", liệu các nhà mạng có thể tận dụng chức năng này để cho phép khách hàng được sử dụng nhiều hơn khoản tiền trong tài khoản? Vì vậy, để tránh rủi ro cho nền kinh tế, cho hệ thống tiền tệ, Chính phủ và NHNN phải kiểm soát, chỉ cho phép người dân bỏ tiền vào tài khoản Mobile Money và dùng đúng khoản tiền này để thanh toán. Không cho phép các nhà mạng tự ý tạo tiền" - TS Nguyễn Trí Hiếu kiến nghị.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội NH Việt Nam (VNBA), chỉ ra quy định về sử dụng ví điện tử phải có tài khoản NH và phải liên kết ví với tài khoản NH đang gây khó khăn cho một số khách hàng không có tài khoản tại NH, nhất là với những người ở khu vực nông thôn hay vùng sâu, vùng xa. Trong khi Mobile Money không bị hạn chế bởi quy định này. Vì vậy, theo ông Hùng, cơ quan quản lý cần kiểm soát chặt để Mobile Money không được phép có tính năng "tạo tiền", phát hành thêm tiền tệ.
Liên quan đến vấn đề này, Phó Thống đốc NHNN Phạm Tiến Dũng khẳng định Mobile Money không phải là một dịch vụ thanh toán mới, một đồng trong Mobile Money tương ứng với một đồng trong tài khoản bảo đảm của nhà cung cấp mở tại NH. Do đó, không có chuyện phát hành thêm tiền tệ ở đây, mà chủ yếu chỉ là phương tiện thanh toán.
Phó thống đốc giải thích theo quyết định thí điểm Mobile Money, khi nạp 1 đồng vào tài khoản Mobile Money, DN cung ứng dịch vụ này cũng phải gửi 1 đồng tương ứng vào tài khoản bảo đảm tại các NH. Chẳng hạn, người dùng nạp 10 triệu đồng vào tài khoản Mobile Money, nhà mạng cũng phải nộp 10 triệu đồng đó vào tài khoản NH. "Cơ quan quản lý sẽ kiểm tra, giám sát các nhà mạng cung ứng dịch vụ Mobile Money. Điều kiện cung cấp thí điểm dịch vụ này rất chặt chẽ và qua nhiều vòng thẩm định. Dịch vụ Mobile Money là một trong những phương thức thanh toán không dùng tiền mặt, không phải là phát hành tiền mà bản chất là tiền điện tử" - ông Phạm Tiến Dũng nói.
Định danh thuê bao thật chặt chẽ
Tại lễ công bố cung cấp dịch vụ Mobile Money - VNPT Pay của Tập đoàn VNPT mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phạm Đức Long đề nghị VNPT tổ chức triển khai hiệu quả và an toàn dịch vụ Mobile Money nhằm tạo sự đột phá, góp phần thúc đẩy kinh tế số và xã hội số. Đây là phương tiện thanh toán nhưng được bảo đảm một đồng tiền số bằng một đồng tiền thật nên phải làm đến đâu chắc đến đó, quản lý thông tin thuê bao phải rất chính xác mới được cung cấp dịch vụ.
Bình luận (0)