Ngày 7-10, hội thảo trực tuyến Future Banking 2021 với chủ đề "Chuyển đổi số ngành tài chính, ngân hàng, hướng tới cung cấp đa dạng các sản phẩm, dịch vụ số" đã được Tập đoàn Dữ liệu quốc tế (IDG) Việt Nam phối hợp cùng Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, Hiệp hội Kinh doanh Chứng khoán Việt Nam và Hội Truyền thông số Việt Nam tổ chức.
Ông Nguyễn Quốc Hùng, Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam, cho biết cuộc đua về ngân hàng số đã và đang diễn ra sôi nổi tại Việt Nam. Ứng dụng ngân hàng di động được nâng cấp lên thành ứng dụng ngân hàng số với đầy đủ tính năng, từ mở tài khoản, giao dịch tài chính, đầu tư đến các dịch vụ ngoài tài chính như mua sắm, giáo dục, y tế, giao thông….
"Ngay trong dịch Covid-19, hàng loạt ứng dụng Mobile Banking của ngân hàng đã tích hợp dịch vụ đi chợ online (trước đó chưa có) để đáp ứng kịp thời và tốt nhất nhu cầu bảo đảm an toàn của thực tiễn, gia tăng sự tiện lợi cho khách hàng" - ông Nguyễn Quốc Hùng nói.
Dự kiến trong tháng 10 sẽ có quyết định chính thức triển khai Mobile Money. Ảnh: Linh Anh
Dù vậy, chuyển đổi số tại các ngân hàng Việt Nam còn hạn chế, đồng thời tỉ lệ tiền mặt trong nền kinh tế vẫn ở mức cao. Thống kê cho thấy hiện vẫn còn khoảng 40% người dân Việt Nam chưa có tài khoản ngân hàng.
Chuyên gia tài chính ngân hàng, TS Nguyễn Trí Hiếu nhận định khi Mobile Money được triển khai rộng rãi, người dân ở vùng sâu, vùng xa không có tài khoản ngân hàng vẫn có thể sử dụng điện thoại để thanh toán các giao dịch một cách dễ dàng. Dù ví điện tử đã phổ biến và dịch vụ ngân hàng cũng phát triển nhanh chóng nhưng "tiền di động" - Mobile Money sẽ thuận lợi hơn vì chỉ cần dùng điện thoại để thanh toán mà không cần liên kết với tài khoản ngân hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu góp ý khi Mobile Money được triển khai, cần kiểm soát các tính năng của Mobile Money - tức là khách hàng chỉ được bỏ tiền vào tài khoản trên điện thoại di động rồi thanh toán, chuyển tiền. Các nhà mạng không được triển khai các sản phẩm dịch vụ liên quan đến cấp tín dụng, cho vay… đối với dịch vụ Mobile Money. Điều này góp phần tránh rủi ro cho nền kinh tế, cho hệ thống tiền tệ.
Liên quan đến Mobile Money, một cán bộ Ngân hàng Nhà nước cho biết trong quá trình xây dựng đề án này, các cơ quan quản lý cũng xác định dịch vụ "tiền di động" sẽ được hoạt động như ví điện tử - tức người dùng nạp tiền vào để thanh toán hàng hoá, dịch vụ, chuyển tiền..., chứ nhà mạng không được cung cấp các nghiệp vụ liên quan đến tín dụng (là nghiệp vụ chỉ các ngân hàng thương mại được thực hiện).
Trước đó, tại họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9-2021, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết về dịch vụ Mobile Money, Ngân hàng Nhà nước đã nhận được đăng ký triển khai của 3 đơn vị là Viettel, Mobifone và Vinaphone.
Sau khi nhận đầy đủ hồ sơ, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển văn bản, hồ sơ lấy ý kiến thống nhất của Bộ Thông tin - Truyền thông và Bộ Công an, vì đây là vấn đề đòi hỏi phải hết sức chặt chẽ, đúng quy định. Dự kiến trong tháng 10-2021, các bộ thống nhất hồ sơ và khi đủ điều kiện sẽ quyết định cho cấp phép để 3 đơn vị triển khai dịch vụ này.
"Đây là hoạt động phức tạp, đòi hỏi phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, cho người dân cũng như an toàn cho hệ thống thanh toán. Là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt, sử dụng công nghệ (điện thoại di động của người dân), hết sức thuận tiện cho người dân nhưng cũng đòi hỏi phải hết sức an toàn, tránh bị lợi dụng" - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú nhấn mạnh.
Bình luận (0)