Đây là thực tế được ông Nguyễn Lâm Viên, Tổng giám đốc Công ty Vinamit, chia sẻ tại tọa đàm Kinh nghiệm xuất khẩu và Xu hướng thị trường châu Á và thế giới, do Hội Doanh nghiệp (DN) Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức, ngày 20-6 ở TP HCM.
"Thực tế này khiến một số DN quyết định đưa sản phẩm ra nước ngoài trước thay vì bán trong nước. Và chuyện người dùng Việt thích hàng ngoại, sản phẩm ngoại cũng lý giải vì sao DN khởi nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp khó thành công, vì rau củ quả bán giá cao chút là không có người mua" – ông Viên nói.
Ở thị trường nước ngoài, cơ hội đưa hàng Việt vào Trung Quốc là rất lớn. Theo ông Nguyễn Lâm Viên, các DN cần tập trung sản xuất thực phẩm đạt chất lượng, thật sự là thực phẩm sạch xanh tự nhiên để người tiêu dùng Trung Quốc an tâm sử dụng… Khi đó, dù có thể giá vốn sản xuất cao nhưng tiềm năng vẫn rất lớn.
"Có nhiều cách để bán hàng qua Trung Quốc, từ bán cho thương nhân trong nước hoặc bán cho thương nhân ở biên giới; bán cho nhà phân phối và bán thẳng vào hệ thống siêu thị ở Trung Quốc. Theo tôi, bán cho siêu thị là ưu tiên hàng đầu, hướng đi căn cơ nhất để đưa hàng Việt vào theo đường chính ngạch. Quan trọng là dù theo cách nào cũng phải bảo vệ thương hiệu của mình" - ông Viên nói.
Doanh nghiệp Việt tìm hiểu thị trường tại hội chợ Thaifex 2019. Ảnh: T.Q
Tại tọa đàm, một số DN khởi nghiệp cho biết họ có nhu cầu bán hàng qua Trung Quốc nhưng không biết đưa hàng chính ngạch qua kênh nào, bán hàng trực tiếp vào siêu thị nội địa ra sao? Ông Nguyễn Lâm Viên cho rằng một số hệ thống sàn thương mại điện tử, bán hàng trực tuyến như Alibaba có thể mua hàng trực tiếp tại Việt Nam mà DN không cần mở văn phòng ở Trung Quốc. Việc tiếp cận các kênh trực tuyến ngày càng phổ biến trong bối cảnh những tập đoàn có xu hướng tiếp cận trực tiếp nguồn hàng tại các quốc gia, rồi gửi hàng ở kho ngoại quan của họ…
Trong quá trình hỗ trợ DN xuất khẩu hàng Việt đi các thị trường nước ngoài, Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao vừa tổ chức chuyến tham quan học tập kinh nghiệm thông qua việc tham dự liên tiếp 2 hội chợ về nông sản thực phẩm và đồ uống là hội chợ Sial-Shanghai (Trung Quốc) và Thaifex (Thái Lan) năm 2019.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội DN Hàng Việt Nam chất lượng cao, cho biết những chuyến đi đó giúp DN trực tiếp nghiên cứu thị trường về xu hướng, sản phẩm mới, nguyên liệu mới, công nghệ mới, bao bì thiết kế mới, cách định giá và cách phối hợp mới trong chế biến - quảng bá… Các chuyên gia phân tích thị trường, sản xuất cùng đi và trực tiếp phân tích thông tin để DN nắm bắt, phục vụ cho hoạt động sản xuất, kinh doanh của mình.
Còn theo ông Ngô Đình Dũng, chuyên gia thị trường thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ DN (BSA), cơ hội với DN Việt ở ngành thực phẩm là rất lớn trong xu hướng người dùng thích những sản phẩm ăn nhanh, thực phẩm chế biến.
"Tôi thấy giật mình khi có DN dùng mì hoành thánh chế biến với gia vị, trộn thành các loại snack để ăn chay hay có người mạnh dạn nghĩ tới việc phối trộn hạt cà phê làm thức ăn, thay vì uống… DN phải hiểu được xu hướng thị trường, người dùng, tránh tình trạng sản xuất ra sản phẩm bán được ở thị trường nước ngoài mà chưa bán được ở trong nước vì không phù hợp thị hiếu" - ông Dũng nói.
Bình luận (0)