Ngày 7-10, UBND huyện Hóc Môn phối hợp cùng Sở Du lịch TP HCM tổ chức tọa đàm "Phát triển du lịch Hóc Môn".
Bà Lê Thụy Mỵ Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Hóc Môn, cho biết Hóc Môn là mảnh đất quê hương gắn liền với địa danh 18 Thôn Vườn Trầu, cuộc khởi nghĩa Nam kỳ năm 1940, địa phương giàu truyền thống cách mạng.
Huyện có 9 di tích có nhiều giá trị về lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật như Di tích lịch sử cấp quốc gia Nga ba Giồng; Chùa Hoằng Pháp thu hút hàng chục ngàn du khách đến hành hương mỗi năm, đồng thời cũng đang giữ 3 kỷ lục Việt Nam.
Nhiều đến điểm khác như Cánh đồng hoa Nhị Bình, Khu nghỉ dưỡng Villa H2O, Công viên Cá Koi Rin Rin đang thu hút du khách hay lợi thế thuộc khu vực ven sông Sài Gòn, tiếp giáp tỉnh Bình Dương, quận 12 thuận lợi phát triển du lịch đường sông…
Cánh đồng hoa Nhị Bình với diện tích khoảng 14.000m2 trồng toàn bộ là hoa thật
Bà Võ Hà Anh Tú, chủ điểm du lịch Cánh đồng hoa Nhị Bình, cho biết cánh đồng hoa với diện tích khoảng 14.000m2 đều là hoa thật như hoa lan, hoa súng tím, oải hương, hoa hồng, hướng dương… là điểm du lịch thu hút du khách đến tham quan dịp cuối tuần, lễ tết. Dù vậy, để trồng toàn bộ cánh đồng hoa thật trên diện tích rộng lớn này tốn chi phí duy trì rất lớn.
"Các loại hoa ở xứ nóng như TP HCM thời gian trồng lâu khoảng 75 ngày trong khi lại rất nhanh tàn, chỉ khoảng 2 tuần nở hoa là phải trồng lại" – bà Anh Tú nói.
Hàng trầu xanh mướt trong Khu di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng
Một lợi thế của du lịch Hóc Môn là đường sông, du khách có thể đi canô ngắm cảnh trên sông từ bến Bạch Đằng (quận 1) tới địa phận xã Nhị Bình, Hóc Môn khoảng 15 phút hoặc đi từ bến ở Đình Bình Nhan qua sông Sài Gòn tới Cánh đồng hoa Nhị Bình, kéo dài qua khu vực làng gốm Lái Thiêu (tỉnh Bình Dương). Tuy nhiên, khó khăn hiện nay là chưa có bến thủy nội địa nào được xây dựng ở khu vực này.
Ông Huỳnh Thế Đạt, Giám đốc Công ty TNHH Huỳnh Gia Trang (Villa H2O), cho rằng cần khuyến khích doanh nghiệp đầu tư bến tàu khách để kết nối tuyến du lịch đường sông đến tỉnh Bình Dương; đầu tư nâng cấp tuyến đường đê bao sông Sài Gòn tại Nhị Bình để tạo cảnh quan đẹp cho du khách.
Du lịch đường thủy cũng sẽ là một lợi thế nếu du lịch Hóc Môn khai thác tốt
"Chúng tôi sẵn sàng đầu tư bến tàu du lịch để thúc đẩy du lịch đường sông, đầu tư phát triển loại hình du lịch thể thao và giải trí nhưng cần sự chung tay của ngành, địa phương và nhiều doanh nghiệp khác. Nếu được đầu tư đúng tầm, Hóc Môn sẽ trở thành điểm đến mới của thành phố trong tương lai" - ông Đạt nói.
Góp ý để sản phẩm du lịch của Hóc Môn ngày càng hấp dẫn hơn, chuyên gia du lịch Phan Yến Ly đề xuất cần tạo sự tương tác sâu hơn cho du khách khi tới những điểm đến ở đây. Như bảo tàng trong Di tích lịch sử quốc gia Ngã ba Giồng có rất nhiều thông tin, hình ảnh quý giá nhưng khách chủ yếu là "nghe, nhìn", nếu có thể tăng tương tác bằng công nghệ thực tế ảo sẽ sinh động hơn. Hay địa danh 18 Thôn Vườn Trầu, khách mới thấy rặng trầu trong khi nếu được tìm hiểu về cây trầu, được tiêm trầu sẽ là hoạt động trải nghiệm thú vị cho cả khách là học sinh, sinh viên về nguồn…
Bình luận (0)