Tại một công ty làm trong lĩnh vực truyền thông ở quận 3, TP HCM, sau khi mở thẻ ATM để nhận lương từ một NH thương mại cổ phần, nhân viên công ty này tiếp tục được nhân viên NH đến tận văn phòng mời làm thẻ tín dụng.
Đua nhau mở rồi đóng
Nghe giới thiệu dùng thẻ tín dụng với những ưu đãi, giảm giá từ nhiều dịch vụ ăn uống, mua sắm, vui chơi giải trí… không ít người ngay lập tức đồng ý mở thẻ tín dụng, ký vào hợp đồng và "quên" điều khoản về lãi, phí.
Chị Nguyễn Hoa, nhân viên công ty này, chia sẻ chị rất thích ăn đồ Nhật nên khi nghe nói thẻ tín dụng này thường xuyên giảm giá cho các nhà hàng Nhật, chị liền mở thẻ. Vài tháng sau, thấy nhu cầu không dùng đến, lại đọc thấy điều khoản về lãi phạt, các loại phí cao nên chị đã quyết định đi đóng thẻ. Tương tự, bạn bè chị Hoa cũng mở thẻ vì nghe quảng cáo được ưu đãi, giảm giá, hoàn tiền khi thanh toán nên ký hợp đồng mà quên để ý nhiều đến điều khoản sử dụng và cách sử dụng để tránh bị lãi phạt…
Nhân viên một số NH thương mại thừa nhận đang chạy chỉ tiêu mở thẻ tín dụng nên phải tìm kiếm khách hàng, thậm chí mời bạn bè, người quen mở thẻ để đạt doanh số.
Thẻ tín dụng ngày càng được sử dụng phổ biến và là kênh thanh toán không tiền mặt được khuyến khích. Theo số liệu của Hội thẻ Việt Nam, tính đến hết năm 2018, số lượng thẻ tín dụng đạt khoảng 11,1 triệu thẻ tăng 17% so với năm trước, cao hơn mức tăng trưởng của thẻ nội địa. Doanh số sử dụng thẻ quốc tế cũng tăng cao, đạt khoảng 44% trong năm ngoái.
Người dùng cần lưu ý các điều khoản về phí, lãi phạt khi sử dụng thẻ tín dụng
Một khảo sát khác được đưa ra tại toạ đàm "Thị trường thẻ tín dụng – Cuộc đua giữa các NH và cơ hội cho người tiêu dùng" của BizLIVE mới đây cho thấy hơn 3.000 người được hỏi chỉ khoảng 33% cho biết đang dùng thẻ tín dụng và thấy tiện ích, số còn lại chưa có thẻ với nhiều lý do, trong đó không ít người mở thẻ xong rồi huỷ, bỏ vì phải nộp phí, lãi suất cao…
Mới đây, vụ một chủ thẻ tín dụng bị tính lãi phạt cao chót vót vì nợ 400.000 đồng sau kỳ thanh toán (tổng chi tiêu trong kỳ hơn 100,4 triệu đồng, đã thanh toán đúng hạn 100 triệu đồng), phản ánh thực tế nhiều người mở thẻ nhưng không phải ai cũng tìm hiểu kỹ các loại phí, lãi phạt. Chỉ đến khi bị NH tính lãi phạt cao, chủ thẻ mới giật mình. Nhiều chủ thẻ khác chỉ thanh toán số chẵn, nghĩ là vài ngàn lẻ (dù chỉ 10.000 đồng) nếu bị NH tính lãi cũng đáng kể nhưng đến kỳ thanh toán tiếp theo mới biết NH áp lãi phạt cho toàn bộ dư nợ chi tiêu trong kỳ.
Nhiều người vẫn ngại
Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó giám đốc NH Nhà nước Chi nhánh TP HCM, cho biết thanh toán không dùng tiền mặt là định hướng, nhiệm vụ trọng tâm của NH Nhà nước, Chính phủ, có những tác động tích cực hơn đến sự phát triển kinh tế xã hội, ngành NH và người tiêu dùng.
Dù vậy, hạn chế của phương thức này là khoảng 60% dân số Việt Nam sống ở nông thôn, trong khi các đơn vị chấp nhận thanh toán không tiền mặt tập trung ở đô thị lớn như TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng.
"Một hạn chế khác, chúng tôi xem đó là vùng trũng như có những rủi ro trong thanh toán thẻ mất tiền trong thẻ, các đơn vị mở thẻ chưa xử lý kịp thời bảo đảm quyền lợi khách hàng. Sắp tới, chúng tôi đề xuất có hành lang pháp lý thuyết phục để các bên chấp nhận thanh toán không dùng tiền mặt dễ dàng" – ông Minh chia sẻ.
Ông Phan Viết Cường, Giám đốc khối khách hàng cá nhân, NH TMCP Bản Việt, nhận định thẻ tín dụng là thị trường tiềm năng khi khoảng 70% dân số trẻ trong độ tuổi đi làm và thu nhập ổn định. Sản phẩm thẻ tín dụng cũng mới phá triển vài năm gần đây nên còn nhiều dư địa. Hiện hầu hết NH lớn đều tập trung vào đô thị lớn trong khi thị trường tại các tỉnh đang bị bỏ ngỏ sẽ là cơ hội cho những NH còn lại, trong đó có NH Bản Việt.
Dưới góc độ người dùng, TS Đinh Thế Hiển, chuyên gia tài chính NH, cho biết dù tư vấn tài chính cá nhân nhiều năm nhưng bản thân ông và vợ chỉ mới sử dụng thẻ tín dụng gần đây sau khi được bạn bè khuyến khích mở thẻ bởi tiện ích.
"Tâm lý người tiêu dùng khi thấy nhân viên NH mời mở thẻ sẽ không nghĩ tốt, mà nghĩ nhiệm vụ của nhân viên NH" – ông Hiển nhận xét.
Luật sư Trần Minh Hải, Giám đốc Công ty Luật BASICO, cũng nhìn nhận tâm lý e ngại về việc sử dụng thẻ tín dụng và thẻ nói chung vẫn còn với người dùng. Sự e ngại có thể đến từ nhiều người, tâm lý người dùng xưa nay thường là thanh toán tiền mặt để dễ quản lý, kiểu "tiền trao cháo múc". Trong khi đó, giao dịch qua thẻ họ khó kiểm soát hơn. Do đó để phát triển thẻ, NH cần gia tăng hơn nữa niềm tin cho cộng đồng, giải bài toán tâm lý e ngại, vấn đề bảo mật, an toàn.
Để ý các khoản phí, lãi phạt
Theo nhiều NH, để tận dụng được tất cả những tiện ích của thẻ tín dụng, người dùng nên lưu ý tất cả những tiện ích, chính sách mà các tổ chức phát hành thẻ cung cấp, bao gồm các khoản phí, phí phạt… Các khoản phí và điều khoản thanh toán được công bố trên trang web của NH và trên hợp đồng dịch vụ giữa người dùng thẻ và NH. Hằng tháng, người dùng thẻ cũng nhận được bảng sao kê, trong đó in rõ những ghi chú quan trọng của việc thanh toán dư nợ đầy đủ.
Mỗi loại thẻ tín dụng sẽ có hàng chục khoản phí các loại từ phí mở thẻ, phí thường niên, phí phát hành thẻ lại, phí rút tiền mặt, phí phạt trả chậm… Mức phí được áp dụng khác nhau tuỳ loại thẻ và NH phát hành. Thông thường, lãi suất thẻ tín dụng được nhiều NH áp dụng phổ biến từ 30% đến gần 40%/năm, một số NH tính lãi thấp hơn nhưng cũng trên 20%/năm. Các NH lý giải, cho vay qua thẻ tín dụng là khoản vay tín chấp nên lãi suất cao nhằm bù đắp chi phí và rủi ro cho NH.
Bình luận (0)