Xem video tiếp theo buổi họp báo
Họp báo diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, TP HCM.
Chủ trì buổi họp báo có ông Mai Tiến Dũng, Bộ trưởng chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ; ông Lê Mạnh Hà, Phó Chủ nhiệm văn phòng Chính phủ; ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Thứ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư Đặng Huy Đông và lãnh đạo các bộ ngành
Xem video thứ 1 buổi họp báo
Tại họp báo, ông Vũ Tiến Lộc cho biết trước buổi đối thoại, VCCI đã tập hợp hơn 100 kiến nghị của DN còn tồn kho nhiều năm mà chưa được giải quyết. "Từ cuộc hội nghị sáng nay tôi nhận được mấy chục tin nhắn từ DN các nơi gửi về, phấn khởi vì nghe Thủ tướng phát biểu và cam kết của các bộ trưởng. Thông điệp lớn nhất là Thủ tướng quan tâm đến DN" - ông Lộc chia sẻ.
Trong khi đó, ông Mai Tiến Dũng cho biết sáng nay thường trực chính phủ và lãnh đạo các bộ và cơ quan Thủ tướng Chính phủ, Bí thư Thành ủy TP HCM, Viện trưởng VKSND Tối cao… cùng các cơ quan dự hội nghị gặp gỡ trực tiếp các DN và nghe các kiến nghị.
Sau khi nghe VCCI báo cáo đề dẫn chung, các hiệp hội DN trong và ngoài nước, các ý kiến trả lời bộ ngành thì thủ tướng cũng đã có kết luận. Thủ tướng khẳng định DN là đội quân tiên phong để phát triển kinh tế và DN tư nhân là nòng cốt.
Thủ tướng cam kết sẽ tạo điều kiện với tinh thần quyết tâm cao nhất bảo vệ DN làm ăn chân chính, nghiêm túc, bảo vệ quyền tài sản, quyền kinh doanh và quan điểm của nhà nước là không hình sự hóa các quan hệ kinh tế dân sự, xử lý nghiêm các trường hợp hình sự hóa kinh tế dân sự. DN bình đẳng trong việc tiếp cận cơ hội kinh doanh và nhà nước luôn đảm bảo sự ổn định lâu dài về chính sách, nhất quán cho các DN lượng hóa được, dự đoán được chiến lược của mình. Khi ban hành chính sách, hướng đến một cơ quan phải chịu trách nhiệm và người đứng đầu cơ quan chịu trách nhiệm tới cùng; hướng tới tạo thuận lợi cho người dân, nhận khó khăn về cơ quan nhà nước.
Ông Mai Tiến Dũng thông tin thêm, sau khi hội nghị kết thúc, khoảng 3 giờ chiều, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã triệu tập các bộ trưởng để thảo luận những kiến nghị của DN, tập trung giải quyết vấn đề cụ thể trong đó có vấn đề tiếp cận thị trường, thủ tục đất đai, môi trường, nông nghiệp, bảo hiểm xã hội…
Theo đó, để chuẩn bị thực hiện Luật đầu tư và luật DN, Văn phòng Chính phủ sẽ tập hợp các nhóm vấn đề để đưa vào dự thảo nghị quyết phát triển DN. Trên cơ sở đó, sửa đổi nghị định hướng dẫn 2 luật, bỏ giấy phép con và các quy định không cần thiết... “Tinh thần Thủ tướng giao sau ngày hôm nay là phải hoàn thiện văn bản thông cáo báo chí để gửi cho DN, người dân biết” - ông Dũng nói.
Báo chí hỏi Bộ Kế hoạch - Đầu tư về số DN đóng cửa trong 10 năm qua lên tới 40% và trách nhiệm của Bộ thế nào trong việc cấp phép cho các DN yếu kém?
Thứ trưởng Đặng Huy Đông: Chúng tôi đã nhiều lần giải thích về thống kê DN đăng ký mới, đóng cửa theo từng tháng. Con số này công khai trên mạng đăng ký DN. 40% DN chết nghĩa là số DN ra đời và số DN rút khỏi thị trường, chừng nào số DN gia nhập thị trường lớn hơn số rút ra thì tình hình vẫn ổn. Con số đó không ảnh hưởng đến tình hình kinh tế.
DN rút khỏi thị trường vì nhiều lý do, không hẵn tất cả rút khỏi thị trường đều là yếu, chết. Thống kê của các quốc gia trên thế giới cũng chỉ ra xu thế này là bình thường. Nếu nền kinh tế tốt thì gia nhập thị trường 15%, rút khỏi thị trường 11-12%, nếu kinh tế xấu thì rút 14%.
Còn về trách nhiệm bộ đến đâu theo cách tiếp cận của Luật DN mới thì việc gia nhập thị trường là đơn giản nhất, dễ nhất cho DN. Trong số 900.000 DN đang hoạt động, không cơ quan nào kiểm tra được các DN này khỏe hay không khỏe.
Về thu hút đầu tư phát triển kinh tế có đánh đổi bằng môi trường không?
Ông Bộ trưởng Đặng Huy Đông: Vấn đề ô nhiễm môi trường biển miền Trung, tôi chưa nhận được kết luận nào về nguyên nhân chính thức với Formosa và cũng không ai khẳng định là có hay không có liên quan.
Quan điểm khi thẩm định, phê duyệt hồ sơ cấp phép đầu tư chắc chắn không đánh đổi môi trường để lấy dự án. Khi dự án đi vào xây dựng cũng như đi vào hoạt động đều có quy định về quy trình quy chuẩn.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng: Hải sản chết ở miền Trung rất quan trọng đối với đời sống người dân. Thủ tướng đã chỉ đạo với tinh thần hết sức quyết liệt, giao các bộ ngành trung ương và các địa phương, cử phó thủ tướng và các bộ trưởng có liên quan vào thực tế nơi xảy ra hải sản chết. Tuy nhiên, chúng ta khẳng định đây là vụ việc rất phức tạp, xảy ra trên diện rộng và lần đầu tiên xảy ra. Các cơ quan đang tích cực tìm ra nguyên nhân.
Thủ tướng đã yêu cầu các bộ, địa phương và cơ quan hữu quan cùng với 4 tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên Huế tập trung với tinh thần cao nhất, với khoa học tốt nhất để làm rõ các vấn đề liên quan để báo cho người dân biết. Bằng mọi cách phải trả lời được cho nhân dân.
Bình luận (0)