Đánh giá về thỏa thuận cuối cùng vừa đạt được của các nước tham dự TPP, ông Phạm Hồng Hải, Tổng Giám đốc HSBC Việt Nam, cho rằng đây là một bước tiến mang ý nghĩa quan trọng đối với hội nhập kinh tế toàn cầu trong một thế giới đang trở nên không chỉ ngày càng kết nối mà còn phụ thuộc lẫn nhau.
“TPP sẽ góp phần gia tăng thu nhập và mức sống của các nền kinh tế đang phát triển tại châu Á - nhân rộng thị trường tiềm năng cho hàng hóa, các nhà sản xuất, dịch vụ và công nghệ của khu vực. Việt Nam được kỳ vọng sẽ hưởng lợi rất lớn từ TPP do nhu cầu ngày càng gia tăng đối với hàng hóa dệt may và giày dép” - ông Hải nhận xét.
Theo nghiên cứu của Khối nghiên cứu kinh tế thuộc HSBC, TPP có khả năng sẽ tăng thu nhập quốc dân của Việt Nam 10% vào năm 2020. Quan trọng là Việt Nam phải làm gì để thực sự hưởng lợi từ hiệp định này. Dù vậy, TPP sẽ tạo áp lực tích cực để đất nước đổi mới nhanh chóng nhằm đưa Việt Nam thành một nền kinh tế hiệu quả và mang tính cạnh tranh hơn.
Trong khi đó, ông Herb Cochran, Giám đốc điều hành Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam (Amcham) tại TP HCM, cho biết ông rất hài lòng khi đàm phán TPP đã kết thúc thành công. Nhưng cần có sự hợp tác chặt chẽ và nỗ lực để Việt Nam có thể tận dụng cơ hội cũng như vượt qua thách thức mà TPP đem lại.
Ngay từ đầu năm 2013, Amcham đã bắt đầu những hoạt động để cộng đồng kinh doanh Việt Nam hiểu và ủng hộ TPP. Với sự hợp tác từ chính quyền và các hiệp hội doanh nghiệp, nhiều hội thảo và các sự kiện báo chí đã được tổ chức để giải thích về TPP.
“Điều quan trọng là Việt Nam sẽ là nước có nhiều lợi ích nhất từ TPP. Theo các mô hình kinh tế, xuất khẩu của Việt Nam có thể tăng 28,4% vào năm 2025 so với việc không tham gia TPP và GDP của Việt Nam cũng sẽ tăng thêm 10,5%. Đây là một yếu tố tích cực cho phát triển kinh tế và xã hội Việt Nam” - ông Herb Cochran nhận xét.
Hiện AmCham đang làm việc cùng các hiệp hội doanh nghiệp của Việt Nam để cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và đào tạo cụ thể để giúp các công ty Việt Nam tận dụng lợi ích từ TPP, cũng như nâng cao năng lực để tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu.
Các mô hình kinh tế cho thấy Việt Nam có nhiều lợi ích từ TPP dựa trên kỳ vọng là các công ty Việt Nam có thể tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, Chính phủ Việt Nam sẽ cải cách thủ tục hành chính, dựa trên các cam kết trong TPP, để đảm bảo doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn và Việt Nam có khả năng cạnh tranh cao hơn so với các nước láng giềng.
Về phía cộng đồng doanh nghiệp, ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may TP HCM, cho biết ngành dệt may được dự đoán sẽ hưởng lợi nhiều từ TPP khi thuế suất giảm dần về 0%. “Vui nhiều nhưng cũng lo nhiều bởi muốn tận dụng được lợi thế thì phải đáp ứng được yêu cầu về quy tắc xuất xứ. Ngoài ra, hàng loạt các quy định về chính sách xã hội, lao động, sở hữu trí tuệ… theo yêu cầu của TPP cũng cần được nâng cao hơn, nên các doanh nghiệp cũng cần chuẩn bị” - ông Hồng nói.
Từ đầu năm đến nay, làn sóng các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đổ vào Việt Nam trong ngành dệt may, nhằm tận dụng lợi thế từ TPP không ngừng tăng lên. Trong xu hướng này, nếu doanh nghiệp Việt hợp tác được với doanh nghiệp nước ngoài về đầu tư sợi, dệt nhuộm nhằm đáp ứng yêu cầu về quy tắc xuất xứ thì sẽ là lợi thế.
Bình luận (0)