Sau 5 năm đàm phán căng thẳng với vòng đàm phán cuối cùng kéo dài gần 6 ngày qua ở TP Atlanta - Mỹ, cuối cùng, 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã đạt được thỏa thuận vào cuối ngày 4-10 (giờ địa phương).
Tuyên bố chung của bộ trưởng thương mại các nước Úc, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore, Mỹ và Việt Nam nêu rõ: “Thỏa thuận này sẽ hỗ trợ việc làm, tạo tăng trưởng bền vững, thúc đẩy phát triển và đổi mới khắp châu Á - Thái Bình Dương”.
Với việc 12 nước nêu trên chiếm 40% sản lượng kinh tế toàn cầu, TPP được coi là thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới. Hiệp định này hứa hẹn đem đến những tiêu chuẩn cao hơn về luật đầu tư nước ngoài, môi trường và lao động, quyền sở hữu trí tuệ… cũng như hạ thấp các rào cản thương mại đối với hầu hết mặt hàng (thịt bò, các sản phẩm từ sữa, hàng may mặc…).
Với ước tính bổ sung cho GDP thế giới gần 300 tỉ USD/năm sau khi hoàn tất, TPP còn được xem là xương sống về kinh tế của chiến lược “xoay trục” sang châu Á mà chính quyền Tổng thống Mỹ Barack Obama theo đuổi nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Vòng đàm phán ở Atlanta được xem là dịp tốt để hoàn tất TPP trước khi chính trường Mỹ bị cuốn hút vào cuộc bầu cử tổng thống trong năm tới và Nhà Trắng đổi chủ. TPP về đích sau khi vượt qua được trở ngại về mở cửa thị trường sữa, trong đó nổi bật là việc New Zealand muốn tiếp cận nhiều hơn thị trường sản phẩm sữa của Mỹ, Canada và Nhật Bản.
Trước đó, một số nước đạt được đột phá về thời gian các hãng dược phẩm được phép giữ bảo hộ độc quyền đối với sản phẩm sinh dược thế hệ mới - một “cục xương” khó nuốt khác. Theo tờ Financial Review (Úc), Bộ trưởng Thương mại và Đầu tư Úc Andrew Robb và Đại diện Thương mại Mỹ Mike Froman đã đạt thỏa thuận cho phép Canberra giữ thời gian bảo hộ ở mức 5 năm thay vì 8 năm như đòi hỏi của Washington.
Có thông tin nói thỏa thuận trên còn cung cấp khung thời gian bảo hộ linh hoạt hơn, như 8 năm, đối với những loại thuốc có tính cạnh tranh cao. Điều này sẽ dẫn đến 2 cách thức định giá thuốc trong lòng TPP một khi hiệp định có hiệu lực. Một số nước không muốn thời gian bảo hộ bằng sáng chế kéo dài quá 5 năm vì lo ngại chi phí của những chương trình y tế được nhà nước trợ cấp sẽ tăng mạnh trong lúc người bệnh không thể tiếp cận những loại thuốc giúp cứu tính mạng họ nếu không đủ tiền. Trong khi đó, các hãng dược lập luận rằng thời gian bảo hộ dài hơn sẽ tạo động lực để họ tìm kiếm phương pháp điều trị mới cho những căn bệnh như ung thư…
Thỏa thuận được công bố ngày 5-10 (giờ Mỹ) vẫn cần chờ quốc hội từng nước thông qua. Phát biểu ngay sau khi thông tin về thỏa thuận được công bố, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe bày tỏ tin tưởng rằng TPP sẽ đem lại lợi ích to lớn không chỉ cho Nhật Bản mà cả châu Á - Thái Bình Dương. Trong khi đó, Tổng thống Obama tuyên bố thỏa thuận “mang lại cho các công nhân Mỹ thành quả mà họ xứng đáng được nhận”, đồng thời “hỗ trợ các gia đình trung lưu”.
Ông Obama xem TPP là một phương thức để mở cửa thêm thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Mỹ. Dù vậy, nhiều thành viên Đảng Dân chủ và nhóm lao động ở Mỹ bày tỏ lo ngại về tác động tiêu cực của TPP đối với công ăn việc làm của người dân nước này. Ông Obama có khả năng sẽ đối mặt những trở ngại không nhỏ tại quốc hội, nhất là khi các ứng cử viên tranh cử tổng thống như Donald Trump đã lên tiếng phản đối TPP.
Việt Nam “hưởng lợi nhất”
Theo nghiên cứu của Viện Kinh tế Quốc tế Peterson (PIIE, trụ sở ở Mỹ), sau khi TPP được ký kết, Việt Nam sẽ là nước có thu nhập và xuất khẩu tăng mạnh nhất trong 12 quốc gia tham gia TPP, lần lượt đạt 13,6% và 31,7%. Ngoài ra, dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam sẽ tăng mạnh.“Việt Nam sẽ là nước hưởng lợi nhiều nhất khi nhà đầu tư nước ngoài bắt đầu kéo đến nước này” - bà Deborah Elms, giám đốc điều hành Trung tâm Thương mại Châu Á (Singapore) - nói với đài CNBC.
Trong khi đó, báo Nikkei (Nhật Bản) cho biết Việt Nam và Canada dự kiến đồng ý xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với ô tô Nhật Bản trong lộ trình nhất định kể từ khi TPP có hiệu lực. Theo đó, Việt Nam sẵn sàng xóa bỏ 70% thuế đối với ô tô có dung tích động cơ từ 3 lít trở lên của Nhật Bản trong vòng 10 năm sau khi TPP được thực thi. Canada cũng sẽ giảm thuế 6,1% cho mặt hàng này của Tokyo trong vòng vài năm.
Ngoài ra, Nhật Bản và Mỹ (thị trường xuất khẩu ô tô lớn nhất của Tokyo) đạt được thỏa thuận loại bỏ ngay lập tức mức thuế 2,5% của Mỹ đối với hơn 80% phụ tùng ô tô nhập từ Nhật Bản. Còn mức thuế đối với ô tô lắp ráp hoàn chỉnh của Nhật Bản sẽ được Mỹ xóa bỏ dần trong khoảng 30 năm. Những thỏa thuận trên sẽ giúp hạ bớt hàng rào thuế quan đối với ô tô Nhật Bản ở Mỹ và Việt Nam.
Huệ Bình
Bình luận (0)