Theo đó, chuyến bay chở khách đầu tiên đến Trung Quốc của Vietnam Airlines sau thời gian tạm dừng khai thác đã khởi hành từ London sáng 18-7, quá cảnh tại Hà Nội, sau đó bay tiếp đi Nam Kinh.
Hành khách Trung Quốc trên chuyến bay đến Nam Kinh
Chuyến bay bằng máy bay Boeing 787-10 chở hơn 270 hành khách là công dân Trung Quốc về nước. Các hành khách không rời khỏi máy bay trong thời gian quá cảnh tại Hà Nội. Trên chặng quay về Việt Nam, máy bay không chở khách. Toàn bộ tổ bay, tiếp viên sau đó đều được cách ly theo quy định.
Hiện nay có rất ít chuyến bay quốc tế được khai thác lại ở thị trường Trung Quốc nhằm đảm bảo phòng chống Covid-19, nên việc xin cấp phép các chuyến bay chở khách đến Trung Quốc đã gặp không ít khó khăn.
Từ nay đến hết tháng 8, Vietnam Airlines sẽ tiếp tục khai thác các chuyến bay chở khách từ London đến Nam Kinh, quá cảnh tại Hà Nội. Các chuyến bay đều đáp ứng những tiêu chuẩn phòng dịch chặt chẽ nhất, với toàn bộ phi hành đoàn, hành khách trang bị bảo hộ y tế, dịch vụ trên không được đơn giản hóa để hạn chế vật tiếp xúc nhiều lần, tổ bay được cách ly sau chuyến bay... Phương án khai thác đường bay Trung Quốc này mang lại hiệu quả kinh tế lớn, trong khi vẫn đảm bảo phòng chống dịch tuyệt đối. Đồng thời, Vietnam Airlines vẫn tiếp tục thực hiện các chuyến bay chở hàng hóa giữa Việt Nam và Trung Quốc.
Theo ước tính của Hiệp hội Vận tải hàng không Quốc tế (IATA), năm nay hàng không toàn cầu sụt giảm doanh thu 419 tỉ USD, riêng Việt Nam thiệt hại hơn 4 tỉ USD. Không chỉ mang lại nguồn doanh thu cho Vietnam Airlines, các chuyến bay này còn là tiền đề quan trọng trong quá trình nối lại đường bay giữa Việt Nam và Trung Quốc khi dịch bệnh đã được kiểm soát tốt.
Các đường bay quốc tế có vai trò đặc biệt quan trọng với Vietnam Airlines, khi chiếm tới hơn 60% tổng doanh thu của Hãng. Trên cơ sở kết quả làm việc giữa nhà chức trách hàng không Việt Nam với các nước, Vietnam Airlines đang xây dựng phương án khai thác lại một số đường bay quốc tế từ tháng 8, gồm giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Lào, Campuchia.
Đối với thị trường hàng không Trung Quốc, trong giai đoạn cao điểm về dịch bệnh Covid-19, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị số 06/CT-TTg ngày 31-1-2020 có nội dung: "Tạm dừng cấp phép bay đối với tất cả các chuyến bay từ vùng có dịch của Trung Quốc đến Việt Nam và ngược lại trừ trường hợp đặc biệt phải được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ.". Theo Chỉ thị nêu trên, hoạt động vận chuyển hành khách đường hàng không giữa hai nước đang tạm dừng (khác với các quốc gia/vùng lãnh thổ khác là vẫn được chở khách từ Việt Nam đi nước ngoài). Chính vì vậy, để có cơ sở nối lại các chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc, Thủ tướng Chính phủ có ý kiến "Đồng ý khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và Trung Quốc; tần suất, điều kiện vận chuyển hành khách giữa hai nước sẽ do Nhà chức trách hàng không Việt Nam và Trung Quốc thống nhất" tại Thông báo số 238/TB-VPCP ngày 12-7-2020.
Tại báo cáo ngày 14-7, Bộ GTVT cho biết việc thiết lập các chuyến bay thường lệ quốc tế trên cơ sở có đi có lại còn phụ thuộc vào các đối tác nước ngoài, cần được sự cấp phép và phối hợp của Nhà chức trách hàng không của các nước đối tác. Bộ GTVT đã chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trao đổi với các nước về kế hoạch mở lại các đường bay, phần lớn các nước có phản hồi tích cực về đề nghị mở lại đường bay của phía Việt Nam. Riêng đối với Trung Quốc, Cục Hàng không Việt Nam đã nhiều lần đề nghị nhưng chưa nhận được phản hồi của phía bạn. Vừa qua, Bộ GTVT đã làm việc với Đại sứ quán Trung Quốc tại Việt Nam đề nghị hỗ trợ việc mở đường bay quốc tế thường lệ đến Quảng Châu (Trung Quốc) và gửi thư đến Bộ trưởng Bộ GTVT Trung Quốc đề nghị xem xét hỗ trợ việc này. Tuy nhiên, để có thể mở được đường bay tới Quảng Châu (Trung Quốc), Bộ GTVT thấy rằng cần tiếp tục thúc đẩy phía Trung Quốc bằng nhiều kênh, đặc biệt là kênh ngoại giao.
Tại cuộc họp báo thường kỳ của Bộ Ngoại giao chiều 16-7, phóng viên Đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) nêu câu hỏi về thông tin Việt Nam và Trung Quốc sẽ khôi phục đường quốc tế giữa Nam Kinh và Hà Nội vào ngày 18-7. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, các Bộ, ngành của Việt Nam đang tích cực làm việc với các cơ quan chức năng của nước ngoài về khôi phục hoạt động vận chuyển hàng không giữa Việt Nam và một số quốc gia và vùng lãnh thổ. Bộ Ngoại giao đã thông báo tới một số cơ quan đại diện nước ngoài tại Việt Nam về việc dự kiến nối lại đường bay tới Seoul (Hàn Quốc), Tokyo (Nhật Bản), Đài Loan, Quảng Châu (Trung Quốc), Viêng Chăn (Lào) và Phnom Penh (Campuchia) từ giữa tháng 7-2020 trên cơ sở đảm bảo tuân thủ các biện pháp phòng dịch với các điều kiện cụ thể, không để lây lan dịch bệnh trong cộng đồng, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Phương án khôi phục đường bay quốc tế của Cục Hàng không Việt Nam đề xuất chỉ định duy nhất Vietnam Airlines thực hiện các chuyến bay quốc tế giai đoạn đầu đến các điểm trên với tần suất 1 chuyến/tuần/điểm đến. Sau khi dịch bệnh được khống chế và các bên tăng tần suất, số đường bay thì tiếp tục xem xét chỉ định các hãng hàng không khác.
Một số hình ảnh:
Máy bay Boeing 787-10 hạ cánh tại Nam Kinh. Với doanh thu mỗi chuyến bay là hơn nửa triệu USD, những chuyến bay sẽ mang lại dòng tiền không nhỏ cho hãng trong thời điểm khó khăn hiện tại.
Các chuyến bay đều đáp ứng những tiêu chuẩn phòng dịch chặt chẽ nhất
Hành khách Trung Quốc tại sân bay London Heathrow
Hành khách Trung Quốc tại sân bay London Heathrow
Bình luận (0)