Ngày 15-12, Vietnam Airlines và Air Lease Corporation (ALC) vừa ký kết thỏa thuận tái cơ cấu toàn diện liên quan đến việc thuê 18 máy bay, gồm 12 chiếc Airbus A321neo và 6 chiếc Boeing B787-10 trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng, cũng như xem xét lại các điều khoản thuê máy bay dựa trên diễn biến phục hồi kinh tế và hàng không ở Việt Nam và Đông Nam Á. Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xã giao đoàn ALC và chứng kiến Vietnam Airlines trao thỏa thuận với ALC.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chứng kiến Vietnam Airlines trao thỏa thuận với ALC
Vietnam Airlines đạt được thỏa thuận hỗ trợ với ALC sau một thời gian dài đàm phán dưới sự chỉ đạo và theo dõi sát sao của Thủ tướng Chính phủ. Theo đề nghị của Thủ tướng, ALC sẽ giảm giá trực tiếp tiền thuê máy bay trong toàn bộ thời hạn còn lại của hợp đồng hiện tại (khoảng 420 triệu USD) và cắt giảm nghĩa vụ thanh toán tiền thuê thông qua việc hủy, lùi lịch nhận các máy bay mới (hơn 600 triệu USD) cho Vietnam Airlines.
Có trụ sở tại Los Angeles (Mỹ), ALC là một trong những công ty cho thuê máy bay lớn nhất thế giới với hơn 450 máy bay cho thuê trên toàn cầu. ALC hiện là đối tác cho thuê máy bay lớn nhất của Vietnam Airlines với tổng số 16 máy bay đang khai thác thuộc các dòng máy bay thế hệ mới nhất, gồm 12 chiếc A321Neo và 4 chiếc Boeing B787-10.
Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp xã giao đoàn ALC do Chủ tịch ALC Steven Udvar-Hazy dẫn đầu
Với đội máy bay lớn nhất Việt Nam gồm hơn 100 chiếc, Vietnam Airlines có chi phí máy bay chiếm tỷ trọng khá cao trong cơ cấu tổng chi phí. Đội máy bay quy mô lớn, trong khi nhiều đường bay đều bị tạm dừng vì Covid-19, đã gây ra áp lực chi phí không nhỏ lên Vietnam Airlines. Do đó, tái cơ cấu đội máy bay, cắt giảm chi phí là mục tiêu chiến lược để hãng sớm vượt qua khủng hoảng Covid-19.
Theo Tổng giám đốc Vietnam Airlines Lê Hồng Hà, hãng đã bán được 2 máy bay A321, đội bay còn 104 chiếc, trong đó có 29 chiếc thân rộng A350, B787, 7 chiếc ATR-72, còn lại là thân hẹp.
Theo đánh giá thị trường, năm 2022 hãng dư khoảng 28 máy bay. Vietnam Airlines đang tiến hành tái cơ cấu đội máy bay và đàm phán các bên cho thuê nhằm có phương án hỗ trợ chi phí. Đã đàm phán với 11 đối tác và đạt được kết quả tích cực, thời gian tới sẽ có những ký kết cụ thể với một số đối tác để giãn, hoãn nhận máy bay, hỗ trợ thanh khoản. Hãng tiếp tục xây dựng kế hoạch bán máy bay nhằm mục tiêu giảm máy bay và hiện đại hóa đội máy bay, thay thế máy bay có tuổi trên 12 năm. Năm 2021, hãng tiếp tục kế hoạch bán 9 máy bay A321 và 6 ATR72 và đang chờ kết quả cuối năm mới rõ. Năm 2022-2023, tính phương án bán 12 máy bay A321.
Tại buổi tiếp xã giao Chủ tịch ALC, ông Steven Udvar-Hazy, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Chủ tịch ALC tiếp tục hỗ trợ và đồng hành với Vietnam Airlines trong thời gian tới, có tiếng nói với lãnh đạo cấp cao và các cơ quan Mỹ về quan hệ tốt đẹp với Vietnam Airlines nói riêng cũng như với Việt Nam nói chung, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước tiếp tục phát triển ổn định, bền vững. Thủ tướng cũng đề nghị Chủ tịch ALC xem xét, góp tiếng nói tới các công ty cho thuê máy bay khác về khả năng hỗ trợ Vietnam Airlines tương tự như ALC đã thực hiện, để hỗ trợ Vietnam Airlines sớm vượt qua giai đoạn khó khăn trước mắt.
Thông báo về kế hoạch, lộ trình nối lại các đường bay quốc tế của Việt Nam, Thủ tướng cho biết ngành hàng không Việt Nam có tiềm năng rất lớn và tăng trưởng rất nhanh cùng với tốc độ phát triển của nền kinh tế và chủ trương phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn; đề nghị ALC tăng cường hợp tác với các đối tác khác của Việt Nam trong lĩnh vực hàng không.
Chủ tịch ALC Steven Udvar-Hazy khẳng định cam kết mạnh mẽ của ALC trong quan hệ hợp tác mang tính chiến lược với Vietnam Airlines, đánh giá cao cách tiếp cận chuyên nghiệp của Vietnam Airlines trong quan hệ đối tác giữa hai bên, cho biết Vietnam Airlines luôn hoàn thành các nghĩa vụ thanh toán theo các hợp đồng. ALC nhất trí hỗ trợ Vietnam Airlines trên cơ sở đánh giá cao kế hoạch tái cơ cấu, tin tưởng về triển vọng phục hồi và phát triển của Hãng Hàng không quốc gia Việt Nam.
Bình luận (0)