Theo tài liệu chúng tôi có được, từ đầu năm 2013, sau khi phát hiện dấu hiệu sai phạm ở Công ty CP Lương thực Hậu Giang (Hậu Giang Food), Công ty Lương thực Vĩnh Long và Công ty Lương thực Đồng Tháp, lãnh đạo Tổng Công ty Lương thực Miền Nam (Vinafood 2) khi đó đã thành lập tổ kiểm tra tại 3 doanh nghiệp này về chủ trương mua bán lương thực; số lượng, giá cả so cùng thời điểm; số tiền đã ứng; tồn kho và thời gian giao hàng.
Gian dối về số liệu
Đến ngày 19-3-2013, tổ kiểm tra có báo cáo gửi lãnh đạo Vinafood 2, trong đó đặc biệt nhấn mạnh đến những sai phạm tại Hậu Giang Food, có dấu hiệu vi phạm quy định về áp dụng chuẩn mực kế toán, chế độ kế toán và các quy định trên báo cáo tài chính năm 2012.
Cụ thể, tại thời điểm đầu năm 2013, Hậu Giang Food tồn kho hơn 46.164 tấn gạo, tấm các loại từ năm 2012 chuyển sang. Tuy nhiên, chỉ có hơn 23.164 tấn được để tại kho công ty, còn 23.000 tấn lưu bên ngoài mà ở đây chính là kho của Công ty Võ Thị Thu Hà (trụ sở 186 Phan Xích Long, phường 2, quận Phú Nhuận, TP HCM). Việc làm này đã vi phạm điều lệ và quy chế quản lý nội bộ của tổng công ty.
Cũng theo tổ kiểm tra, biên bản gửi hàng của Hậu Giang Food lập vào ngày 28-12-2012 có những nội dung không phù hợp pháp lý.
Thứ nhất, trong số 8 hợp đồng giá trị gia tăng của người bán (giá trị gần 197 tỉ đồng), chỉ có 2 cái lập vào ngày 28-12-2012 (giá trị hơn 51,18 tỉ đồng), 6 hợp đồng còn lại lập từ ngày 29 đến 31-12-2012 (giá trị 145,74 tỉ đồng).
Thứ hai, biên bản ghi “Bên A đã chuyển số tiền ứng trước 80% giá trị hợp đồng” nhưng trong thực tế không có chuyển tiền và việc chuyển tiền này được thực hiện trong năm 2013.
Thứ ba, biên bản gửi kho và biên bản kiểm tra, xác nhận hàng không ghi số lượng chân hàng theo từng địa chỉ kho của người bán.
Thứ tư, xác nhận số lượng gửi kho được Công ty Võ Thị Thu Hà ký 2 thư (1 thư xác nhận số lượng hơn 22.180 tấn và 1 thư xác nhận số lượng 819,8 tấn) nhưng Công ty Kiểm toán AASC chỉ ghi nhận có 1 thư 22.180 tấn.
Báo cáo tài chính năm 2012 được Hậu Giang Food nộp cho Vinafood 2 ghi hàng gửi đi bán là 22.184 tấn, giá trị trên 184,65 tỉ đồng đã hạch toán sai tài khoản, thực chất là hàng gửi tại kho Công ty Võ Thị Thu Hà. Bên cạnh đó, số lượng hàng gửi đi bán cũng đã hạch toán sai giá vốn, làm sai lệch số liệu kết quả kinh doanh năm 2012 của công ty.
Giao dịch bất minh
Tổ kiểm tra còn phát hiện ông Võ Trường Hùng, Tổng Giám đốc Hậu Giang Food, đã thực hiện ký hợp đồng, giao dịch vượt quá thẩm quyền, vi phạm điều lệ công ty và có dấu hiệu tổn thất tài sản do việc ký hợp đồng mua đi bán lại cùng một đối tác.
Cụ thể, theo quy định, hợp đồng mua bán có giá trị lớn hơn hoặc bằng 40% tổng giá trị tài sản của công ty tại thời điểm 31-12-2012, tức lớn hơn hoặc bằng 278,2 tỉ đồng phải thông qua HĐQT. Trong khi ngày 5-1-2013, ông Hùng đại diện cho Hậu Giang Food ký hợp đồng ngoại thương xuất 100.000 tấn gạo cho MT Centetrade Co., Ltd (Thái Lan) với tổng giá trị lên tới 868,19 tỉ đồng nhưng không có sự chấp thuận của HĐQT.
Ngoài ra, việc Hậu Giang Food liên tục có những giao dịch lớn, trị giá hàng trăm tỉ đồng với cùng một đối tác Công ty Võ Thị Thu Hà là điều bất bình thường. Chỉ trong thời gian ngắn, từ cuối năm 2012 đến đầu năm 2013, Hậu Giang Food đã mua của Công ty Võ Thị Thu Hà tổng cộng 85.750 tấn gạo, tấm các loại trị giá gần 700 tỉ đồng, sau đó bán lại cho chính công ty này với giá thấp hơn gây thất thoát trên 27,79 tỉ đồng.
Trong những lần giao dịch này, Hậu Giang Food còn hào phóng ứng trước cho đối tác đến hơn 80% giá trị hợp đồng dù phần lớn hàng hóa vẫn còn gửi ở kho của người bán. Và khi bán ngược trở lại, Công ty Võ Thị Thu Hà còn được Hậu Giang Food ưu ái cho nợ đến hơn 155,23 tỉ đồng.
Phát hiện sai phạm nhưng không xử lý
Trong cuộc họp xem xét kết quả kiểm tra sau đó, lãnh đạo Vinafood 2 kết luận Hậu Giang Food có nhiều sai phạm lớn, khi phát hiện vụ việc thì thiếu trung thực làm cho tổng công ty không nắm được tình hình một cách đầy đủ, chính xác để chỉ đạo kịp thời.
Lãnh đạo Vinafood 2 kiến nghị hội đồng thành viên tổng công ty cho phép phân công ông Huỳnh Văn Thông - Phó Tổng Giám đốc Vinafood 2, người đại diện vốn tại Hậu Giang Food - chỉ đạo điều chỉnh đúng số liệu thực tế trong thanh lý, thu hồi công nợ mua bán, chấn chỉnh hợp đồng, kiểm tra thiếu sót tại Hậu Giang Food và kiểm tra, giám sát việc tuân thủ điều lệ, Luật Doanh nghiệp.
Tuy nhiên, những sai phạm đó chẳng những không được khắc phục mà vẫn còn tiếp diễn. Những giao dịch bất thường giữa Hậu Giang Food và Công ty Võ Thị Thu Hà đã làm phát sinh những khoản công nợ khó đòi lên tới hàng trăm tỉ đồng tính đến cuối năm 2013. Một số đơn vị khác trực thuộc Vinafood 2 cũng dính nợ với Công ty Võ Thị Thu Hà và đã nhiều lần gửi văn bản yêu cầu thanh toán nợ nhưng công ty này chưa chịu thực hiện.
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Đoàn Văn Hiền, Phó Giám đốc Công ty Võ Thị Thu Hà, chỉ thừa nhận còn nợ 6 công ty lương thực thuộc Vinafood 2 khoảng 137 tỉ đồng.
Theo ông Hiền, sở dĩ có việc nợ nần này là do công ty bị sức ép quá lớn từ cạnh tranh không lành mạnh ở các thị trường lúa gạo. Đáng nói hơn là trong thời gian này, công ty còn chịu tổn thất lớn do phía ngân hàng kiểm tra kho hàng quá lâu, gây khó khăn hơn cho công ty khi mà gạo tồn kho bị xuống màu và khó bán.
Ngày 7-5, chúng tôi cũng đã liên lạc qua điện thoại với ông Võ Trường Hùng, Tổng Giám đốc Hậu Giang Food, để làm rõ thêm vấn đề nhưng ông Hùng cho rằng ông đang ở nước ngoài và cúp máy.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 6-5
Sự ưu ái khó hiểu
Hậu Giang Food có vốn điều lệ 54 tỉ đồng, trong đó Vinafood 2 góp 53,27% vốn và UBND tỉnh Hậu Giang góp 46,39% vốn. Theo báo cáo kết quả sản xuất - kinh doanh năm 2013, công ty này thua lỗ 95,57 tỉ đồng, tức đã vượt xa số vốn góp ban đầu. Hệ số nợ phải trả của công ty gấp 30,79 lần vốn chủ sở hữu.
Tuy nhiên, trong cuộc họp giữa lãnh đạo của Vinafood 2 và UBND tỉnh Hậu Giang vào tháng 3-2014 vẫn ưu ái cho Hậu Giang Food duy trì hoạt động thay vì mở thủ tục giải thể, phá sản. Không những vậy, các bên còn đề nghị Vinafood 2 hỗ trợ vốn cho Hậu Giang Food thu mua lúa tạm trữ trong vụ đông xuân 2013-2014.
S.Nhung
Luật sư Nguyễn Thành Công, Đoàn luật sư TP HCM:
Lãnh đạo Vinafood 2 thiếu trách nhiệm
Việc mua bán lòng vòng số lượng lớn gạo của Hậu Giang Food với Công ty Võ Thị Thu Hà gây lỗ số tiền lớn là rất không bình thường, cần phải xác định trách nhiệm cụ thể, rõ ràng bởi tiền thua lỗ là làm mất vốn nhà nước. Sự bất thường này hoàn toàn có thể do vụ lợi. Mà dù không vì vụ lợi nhưng làm sai hoặc làm trái các quy định của nhà nước, hậu quả đã xảy ra thì phải truy cứu trách nhiệm hình sự ở hành vi “Cố ý làm trái quy định của nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 165 Bộ Luật Hình sự.
Các đơn vị thành viên có tỉ lệ vốn trên 50% thuộc Vinafood 2 thì dù là đơn vị hạch toán độc lập nhưng luôn chịu sự quản lý trực tiếp của Vinafood 2 trong mọi hoạt động kinh doanh. Lẽ ra, ngay từ khi có các sai phạm nhỏ về việc ký kết hợp đồng mua bán vượt ngoài phạm vi của đơn vị thành viên hay việc mua bán lòng vòng cho chính một công ty bắt buộc tổng công ty phải phát hiện để can thiệp kịp thời nhằm giảm thiệt hại, đây là chức năng quản lý. Nhưng lãnh đạo Vinafood 2 đã không thực hiện hết chức trách của mình trong việc phát hiện các sai phạm này.
Bên cạnh đó, sai phạm của các đơn vị thành viên là rất rõ ràng, thanh tra nội bộ của tổng công ty đã có kết luận mà lãnh đạo Vinafood 2 lúc đó không có xử lý tương ứng là có dấu hiệu của hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo điều 285 Bộ Luật Hình sự.
Th.Nhân ghi
Bình luận (0)