Ngày 26-12, Trạm Thú y huyện Bình Chánh, TP HCM đã có báo cáo chi tiết gửi UBND huyện Bình Chánh, Chi cục Thú y TP việc xử lý số thịt bò ngoại hết hạn sử dụng được phát hiện tại kho lạnh Nhan Lý (Báo Người Lao Động ngày 20 và 25-12 đã thông tin) và chính thức đề nghị UBND huyện Bình Chánh chỉ đạo công an vào cuộc làm rõ, xác định chủ lô hàng để có biện pháp xử lý.
Hàng một nơi, hồ sơ một nẻo
Theo Trạm Thú y huyện Bình Chánh, lô hàng bị tạm giữ gồm có 583 thùng (tương đương hơn 12 tấn), thời hạn sử dụng khác nhau, gồm: tháng 1-2012, tháng 10-2012, tháng 11-2012, tháng 4-2013. Riêng lô 6 thùng sườn bò Úc đông lạnh có tem nhãn phụ tiếng Việt của Công ty Trí Tuệ (đường Tô Ký, quận 12, TP HCM).
Ban đầu, người quản lý kho lạnh Nhan Lý (số 5B/19K Trần Đại Nghĩa, xã Tân Kiên, huyện Bình Chánh) khai lô hàng trên là của Công ty Nhất Nguyên Phương (quận 5) gửi từ năm 2011 đến nay, có xuất trình hợp đồng thuê kho nhưng đã hết hạn vào tháng 12-2012. Theo đó, kho có phiếu nhập hàng với số lượng 972 thùng thịt bò đông lạnh Canada nhưng không xuất trình được phiếu xuất kho.
Tuy nhiên, kiểm tra hồ sơ xuất nhập hàng của Công ty Nhất Nguyên Phương, lực lượng thú y huyện Bình Chánh phát hiện công ty này đưa về kho Nhan Lý vào ngày 13-1-2012 với số lượng 979 thùng (20.856 kg) thịt bò đông lạnh Canada, hạn sử dụng đến tháng 11-2012. Hàng do công ty nhập trực tiếp và được cấp chứng nhận kiểm dịch bởi Cơ quan Thú y vùng VI. Lô hàng này đã được xuất bán hết vào ngày 30-10-2012 tại thị trường Hà Nội (800 thùng) và TP HCM (179 thùng), trong đó có 156 thùng được đưa về showroom của Công ty Nhất Nguyên Phương. Cùng với việc nhiều mã hàng trong phiếu nhận không phù hợp với hàng thực tế, thú y huyện Bình Chánh nhận định lô hàng cơ quan này đang xử lý không thể là lô hàng trên nhưng phía kho hàng vẫn khẳng định chính công ty này là chủ lô hàng.
Một nguồn tin cho biết trong năm 2011, Công ty Nhất Nguyên Phương có nhập 2 lô hàng thịt bò Canada với số lượng khoảng 55 tấn nhưng chưa thể khẳng định lô hàng hết đát bị tạm giữ có phải là hàng này không vì công ty cũng có thể mua “lậu” từ trong nước, sau đó dán nhãn hàng nhập khẩu.
Đứng sau lo thủ tục
Theo điều tra của chúng tôi, chủ nhân thực sự của lô hàng hơn 12 tấn thịt bò ngoại hết hạn sử dụng gần 2 năm là bà Th., người của Công ty Nhất Nguyên Phương (không rõ chức vụ) nhưng bà ta không muốn ra mặt làm việc với cơ quan chức năng. Công ty Nhất Nguyên Phương đã cho nhân viên nghỉ vào tháng 5-2013 và trả mặt bằng vào tháng 6, hiện không còn hoạt động. Bà Th. tỏ ra khá rành rẽ về việc “giải quyết sự cố” khi bị bắt hàng hết hạn sử dụng. Bà Th. muốn chủ kho lạnh Nhan Lý đứng ra làm đại diện xử lý lô hàng đang bị niêm phong, không để cơ quan chức năng tiêu hủy (vì tiêu hủy phải mất hơn 100 triệu đồng tiền tiêu hủy, chưa kể tiền hàng) bằng cách xin chuyển làm thức ăn gia súc, còn bà ta đứng sau lo thủ tục.
Ngoài ra, theo tìm hiểu của chúng tôi, rất có thể đã có một lượng thịt bò hết hạn sử dụng được tuồn ra thị trường vì phía đại diện kho Nhan Lý đã “linh động” cho xuất hàng, chỉ cần thông báo bằng điện thoại mà không cần văn bản, cũng không quan tâm đến hạn sử dụng. Bởi sau khi bị niêm phong hàng vào tối 18-12, phía kho Nhan Lý có xuất trình văn bản ngày 1-12-2012 của Công ty Nhất Nguyên Phương thông báo về việc ngừng xuất bán hàng cận hạn sử dụng. Tuy nhiên, qua đối chiếu tài liệu, văn bản này mới xuất hiện ngày 19-12-2013.
Xử phạt 28 lô hàng nhập khẩu vi phạm
Theo thống kê của Cơ quan Thú y vùng VI, trong năm 2013, số lượng sản phẩm động vật đông lạnh nhập khẩu dùng làm thực phẩm sử dụng cho người được cơ quan này kiểm tra là 66.451 tấn các loại, tăng 0,8% so với cùng kỳ năm 2012. Trong đó, thịt trâu, bò, dê, cừu đông lạnh nhập về là 19.129 tấn, tăng 46,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cơ quan này cũng đã lập biên bản xử phạt hành chính 28 lô hàng vi phạm trong kiểm dịch nhập khẩu sản phẩm động vật trên cạn và thủy sản, phạt tiền gần 400 triệu đồng, số lượng hàng vi phạm trên 313.000 tấn sản phẩm các loại. Trong đó có một lô gồm 24 tấn giò heo đông lạnh, xuất xứ châu Âu, do không đạt về cảm quan nên bị phạt 7,5 triệu đồng và buộc tái xuất.
Bình luận (0)