Số liệu trên được đại diện một công ty nghiên cứu thị trường công bố tại Diễn đàn Kết nối sản xuất và tiêu dùng nông sản thực phẩm Việt chất lượng cao do Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) và Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức ngày 20-12 ở TP HCM.
Theo ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Thương mại Kantar Worldpanel Việt Nam (hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu thị trường), khảo sát ở cấp độ chi tiêu hộ gia đình thì người Việt dành khoảng 1/3 thu nhập để chi tiêu cho thực phẩm tươi sống và hàng tiêu dùng nhanh. Trong đó, chi tiêu cho thực phẩm tươi sống gấp 3 lần tiêu dùng nhanh với số tiền ước tính khoảng 1,1 triệu đồng/tuần. Khảo sát cũng chỉ rõ 85% người tiêu dùng mua thực phẩm tươi sống tại chợ truyền thống, chỉ 15% mua hàng ở kênh phân phối hiện đại.
Trong bữa ăn gia đình, người Việt chi tiền nhiều nhất cho trái cây
"Chỉ tính riêng phần chi tiêu của các gia đình, ước tính giá trị thị trường thực phẩm tươi sống Việt Nam lên đến 27 tỉ USD. Các nhà bán lẻ nước ngoài khi đầu tư vào Việt Nam đều phát triển mạnh ngành hàng tươi sống và sử dụng như một thỏi nam châm để thu hút người tiêu dùng đến mua sắm. Kênh phân phối hiện đại đang phát triển với tốc độ 28%/năm nên các DN thực phẩm tươi sống chú ý tiêu chuẩn, điều kiện để bán vào kênh này cùng với kênh truyền thống nhất thiết phải có." – ông Hoàng gợi ý.
Cũng theo ông Hoàng, trong giỏ hàng đi chợ của người Việt, chi tiêu nhiều nhất dành cho trái cây, chiếm 19%, tiếp đó là thịt heo 14%, cá 12%, rau củ 11%,… Xu hướng sắp tới của người tiêu dùng là tiếp tục chi thêm tiền cho trái cây, bớt ăn thịt đỏ và tăng các loại thịt trắng.
Ông Nguyễn Quốc Toản, Quyền Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường Nông sản, lưu ý các doanh nghiệp nông sản cần quan tâm đến thị trường nội địa với giá trị rất lớn để không bị thua trên sân nhà.
Tuy nhiên, "vua chuối" Võ Quan Huy, Giám đốc Công ty TNHH Huy Long An – Mỹ Bình (Long An) đang xuất khẩu chuối tươi sang thị trường Nhật Bản, Hàn Quốc, lại cho biết thị trường nội địa đang gặp nhiều điểm nghẽn. "Trong nhiều trường hợp đưa hàng vào siêu thị Việt Nam còn khó hơn siêu thị Nhật do thủ tục phức tạp, mất thời gian. Đối với người tiêu dùng, dù mong muốn hàng sạch, không có dư lượng thuốc bảo vệ thực vật nhưng họ vẫn thích sản phẩm có mẫu mã đẹp là trở ngại cho các nhà sản xuất trong việc đáp ứng nhu cầu này" – ông Huy đúc kết.
Bình luận (0)