xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

Vực dậy niềm tin doanh nghiệp

Phương An

Doanh nghiệp bày tỏ sự tin tưởng và kỳ vọng Nghị quyết 19 tạo ra sự đột phá mạnh mẽ hơn

Ngày 6-2, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 19-2017/NQ-CP về việc tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu giúp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2017, định hướng đến 2020.

Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH
Doanh nghiệp làm thủ tục thuế tại Cục Thuế TP HCM Ảnh: TẤN THẠNH

Đặc biệt lần này, nghị quyết đề cập chi tiêu các chỉ tiêu về Chính phủ điện tử, đổi mới sáng tạo và năng lực cạnh tranh quốc gia... Nghị quyết đặt mục tiêu đến hết năm 2017, 4 chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam sẽ đạt tối thiểu bằng trung bình của các nước ASEAN 4, gồm: khởi sự kinh doanh thuộc nhóm 70 nước đứng đầu; bảo vệ nhà đầu tư thiểu số thuộc nhóm 80 nước; nâng cao tính minh bạch và khả năng tiếp cận tín dụng (theo cách tiếp cận của Ngân hàng Thế giới) thuộc nhóm 30. Riêng chỉ tiêu tạo thuận lợi trong tiếp cận vốn vay (đánh giá theo cách tiếp cận của Diễn đàn Kinh tế thế giới) phấn đấu đến năm 2020 thuộc nhóm 40 nước đứng đầu.

Trong bối cảnh nền kinh tế đang đối mặt với rất nhiều thách thức, lượng doanh nghiệp (DN) rời thị trường vẫn tăng cao qua các năm, nhiều DN không còn tài sản thế chấp, còn nợ xấu, không thể có được báo cáo tài chính “đẹp” để đáp ứng điều kiện vay vốn tại các ngân hàng, quỹ tín dụng cũng như các quỹ hỗ trợ DN; sức mua thị trường hồi phục chậm, chi phí đầu vào tăng liên tục, DN sản xuất - kinh doanh thua lỗ...

Bên cạnh đó, nhiều chính sách của nhà nước thiếu ổn định, chưa phát huy được tác dụng kịp thời hỗ trợ DN... đã làm suy giảm niềm tin của DN. Đặc biệt, trong 3 năm qua, Nghị quyết 19 được ban hành với quyết tâm lớn của Chính phủ nhưng hiệu quả mang lại chưa được như mong muốn. DN vẫn đối diện vô vàn khó khăn, trong đó khó khăn nhất xuất phát từ mối quan hệ giữa những người thực thi chính sách với những người thụ hưởng chính sách.

Sức ì quá lớn trong một bộ phận công chức nhà nước, tình trạng nhũng nhiễu, làm khó DN, diễn giải chính sách tùy tiện, chủ quan và sự chậm trễ, không thống nhất trong việc ban hành, hướng dẫn văn bản pháp luật... vẫn đang là nỗi ám ảnh của đại bộ phận DN làm ăn ở Việt Nam. Vì lẽ đó, dù nhìn thấy, thấu hiểu quyết tâm của Chính phủ nhưng DN chưa dám đặt niềm tin khi mà các chính sách thực thi còn mang tính tạm thời, chống đỡ, thủ tục hành chính còn nhiêu khê, ràng buộc quá mức. Những kiến nghị về chính sách kinh tế minh bạch rõ ràng, ổn định lâu dài, tạo hành lang thông thoáng, an toàn cho DN hoạt động được cộng đồng DN được lặp đi lặp lại rất nhiều lần giữa các cuộc gặp gỡ giữa DN với Chính phủ và chính quyền các cấp vẫn còn nguyên giá trị.

Nói như TS Trần Du Lịch, nguyên Phó trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM, thông điệp của Chính phủ rất rõ ràng, quyết tâm chính trị cũng rất cụ thể nhưng khoảng cách giữa ý chí, nhiệm vụ chính trị đi đến hành động còn quá xa. Lâu nay, việc triển khai thực hiện chưa theo kịp được tinh thần nghị quyết. Chỉ cần các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng tinh thần, làm theo sự phân công của nghị quyết đó thì môi trường kinh tế sẽ được cải thiện, đất nước phát triển mạnh mẽ, phồn vinh.

Ý KIẾN

Bà NGUYỄN MINH THẢO, Trưởng Ban Môi trường kinh doanh và Năng lực cạnh tranh - Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM):

Có cơ chế đánh giá, giám sát triển khai rõ ràng

img

Đây là năm thứ 4 liên tiếp Chính phủ ban hành Nghị quyết 19 nhưng có nhiều điểm khác biệt rõ ràng so với trước đây nhằm tạo ra đột phá mạnh mẽ hơn. Thực tế, trong 2 năm đầu, chỉ có một số bộ, ngành, địa phương vào cuộc triển khai. Phải đến năm 2016 mới có sự chuyển biến ở nhiều bộ, ngành khi xem nghị quyết của Chính phủ là bắt buộc, là “việc của mình”.

Việc Chính phủ nêu đích danh nhiệm vụ sẽ giúp các tổ chức quốc tế khi đánh giá sự dịch chuyển, cải thiện trong môi trường kinh doanh ở Việt Nam sẽ biết bộ nào thay đổi, hiệu quả chính sách rõ ràng hơn. Như về chỉ số khởi sự kinh doanh của Việt Nam đang đứng thứ 121 toàn cầu và mục tiêu năm 2017 phải về hạng 70 và tới năm 2020 là xếp thứ 50.

Ngoài ra, nghị quyết còn quy trách nhiệm cụ thể và có cơ chế giám sát đánh giá rõ ràng hơn những lần trước và Chính phủ còn thành lập một đơn vị độc lập để kiểm tra quá trình thực hiện. Mục tiêu sâu xa của nghị quyết đặt vấn đề thay đổi cách thức quản lý nhà nước, bỏ cơ chế xin - cho, chuyển từ phương thức thủ công sang điện tử, tiền kiểm sang hậu kiểm; tạo lập hệ thống hỗ trợ khởi sự kinh doanh, tạo môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi…

Ông VÕ QUANG HUỆ, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Bosch Việt Nam:

Chờ sự thay đổi mạnh mẽ hơn

img

Tình hình kinh tế, chính trị thế giới gần đây có nhiều biến động khó lường, Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) cũng tạm gác lại, ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam. Dù vậy, Việt Nam vẫn còn tiềm năng, cơ hội rất lớn khi ký kết các hiệp định thương mại tự do (FTA) như FTA Việt Nam - EU. Lúc này, việc Chính phủ tiếp tục ban hành Nghị quyết 19 nhằm cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh được cả DN trong nước và DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) chờ đợi. Chúng tôi kỳ vọng những quyết sách cụ thể của Chính phủ trong nghị quyết này được thực thi một cách mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn nhằm tạo ra những chuyển biến tích cực.

Dưới góc nhìn của một DN FDI, chúng tôi kỳ vọng Việt Nam sẽ tiếp tục quan tâm vào các lĩnh vực như đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, nhất là trong bối cảnh hội nhập sâu rộng và cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra. Cần ứng dụng công nghệ hiện đại vào sản xuất và tạo môi trường kinh doanh cho các DN khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo. Các chính sách đều đã được ban hành, quan trọng là quá trình triển khai, thực thi để cải cách mạnh mẽ hơn nữa, tận dụng cơ hội từ các FTA như Việt Nam - EU đem lại…

Ông TRẦN XOA, Giám đốc Công ty Luật Minh Đăng Quang:

Cần thay đổi lớn từ đội ngũ công chức

img

Trước đây, Chính phủ có Nghị quyết 35, những năm gần đây có Nghị quyết 19 cho thấy chủ trương chính sách của nhà nước rất rõ ràng nhưng khâu thực thi còn nhiều hạn chế theo kiểu “trên trải thảm, dưới trải đinh”. Trong phạm vi liên quan đến ngành thuế, hải quan, hiện các DN vẫn còn phải “chung chi” rất nhiều, nguyên nhân là do bộ, ngành và các cấp quản lý ban hành văn bản gây khó khăn; DN “biết đường đi” thì sẽ có những văn bản hướng dẫn giải quyết từng trường hợp.

Tại TP HCM, trung bình 2-3 tháng, Cục Thuế TP tổ chức đối thoại với DN 1 lần, lần đối thoại nào hội trường cũng đông kín DN tham dự vì nhiều vấn đề thắc mắc cần lắng nghe - trao đổi trực tiếp, nhiều bức xúc cần được tháo gỡ. Cùng 1 vấn đề nhưng 2 DN khác nhau gửi văn bản hỏi sẽ nhận được 2 văn bản trả lời khác nhau. Mỗi tháng, Cục Thuế TP tiếp nhận và trả lời hàng trăm văn bản hỏi về thủ tục thuế của DN nhưng chỉ đưa lên website hơn 10 văn bản và thường đưa rất chậm, nay đã là tháng 2017 mà mới đưa văn bản hỏi từ tháng 10-2016 lên website. Trong khi đó, nếu Cục Thuế chịu khó cập nhật đầy đủ, công khai các văn bản hỏi - trả lời thì sẽ hỗ trợ DN rất nhiều trong việc tham khảo thông tin thủ tục, chính sách thuế và giám sát, qua đó sẽ góp phần giảm thiểu được những trường hợp gây khó khăn, nhũng nhiễu DN.

Theo tôi, thêm 5-7 Nghị quyết 19 nữa cũng không thể cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao sức cạnh tranh cho DN và quốc gia nếu như không có sự thay đổi từ đội ngũ cán bộ công chức nhà nước. Phải thay đổi được nhận thức của những người làm công chức, giảm được tư lợi cá nhân trong đội ngũ công chức thông qua những giải pháp quyết liệt, chế tài mạnh, kiểm soát chặt mới hy vọng tinh thần nghị quyết đi được vào đời sống kinh tế.

Ông VĂN ĐỨC MƯỜI, Tổng Giám đốc Công ty CP Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN):

Phải chứng minh được chính quyền kiến tạo

img

Chính phủ đã tạo được làn gió mới đối với DN, chưa bao giờ DN được đặt ở vị trí tôn vinh hàng đầu như vậy nhưng nếu Chính phủ không có những hành động chứng minh được chính quyền kiến tạo thì sẽ rất nguy hiểm. Bộ máy chính quyền đã bị ì nhiều năm nay. Vì vậy, cộng đồng DN tin vào Chính phủ, cụ thể là tin tưởng Thủ tướng với những thông điệp rõ ràng đang hun đúc tinh thần DN nhưng thiếu niềm tin vào việc thực thi của các bộ, ban, ngành nhằm cải thiện môi trường kinh doanh, nâng năng lực cạnh tranh. Chừng nào có sự thay đổi từ chính quyền quản lý sang chính quyền phục vụ, chừng đó môi trường kinh doanh mới thực sự được cải thiện.

Thanh Nhân - Thái Phương ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo