Mô hình vườn sinh thái đang được TP HCM khuyến khích phát triển nhằm kéo giãn khách du lịch vốn tập trung ở đô thị ra các vùng nông thôn, giảm bớt sự quá tải ở khu trung tâm, tạo sự phát triển bền vững.
Nhu cầu lớn
Chủ nhật cuối tháng 7-2018, Nông trại Tam Nông (phường Thạnh Xuân, quận 12) rộn ràng vì nhiều nhóm du khách đến tham quan, vui chơi. Nông trại có quy mô 1 ha được chia thành nhiều phân khu để giúp du khách trải nghiệm "một ngày làm nông", giải trí bằng các trò chơi dân gian hoặc tìm hiểu về mô hình nông nghiệp mới. Chủ nhân của khu vườn là TS Nguyễn Văn Bắc (chuyên ngành chăn nuôi) đã dày công xây dựng trong hơn 20 năm và bắt đầu đón khách 2 năm gần đây.
"Tôi công tác trong ngành khuyến nông nên dùng ngay mảnh vườn để áp dụng các tiến bộ mới, vừa trau dồi nghề nghiệp vừa có thêm thu nhập. Mình làm thành công thì nói nông dân mới nghe. Ví dụ mô hình đệm lót sinh học trong chăn nuôi nông hộ, nếu nói suông phương pháp này giúp chuồng không hôi sẽ rất khó tin; tôi dắt họ vào chuồng nuôi gà tại vườn cho tự kiểm chứng là tin ngay" - TS Bắc kể.
TS Nguyễn Văn Bắc (bìa phải) giới thiệu với khách tham quan thuốc phòng bệnh cho rau hữu cơ từ tỏi, gừng, ớt ngâm với rượu
Anh Phạm Công Chính - nhà sáng lập, Giám đốc Công ty TNHH Rau sạch Tám Khỏe (TP HCM) - vốn là đạo diễn nhưng bỏ ngang để khởi nghiệp nông nghiệp vào năm 2015. Đến nay, mỗi tháng, công ty thu được 750 triệu đồng từ bán rau sạch. Các trang trại của công ty thường xuyên đón tiếp các đoàn tham quan mô hình. Từ lượng khách tham quan, anh có thêm nhiều khách hàng thân thiết đặt hàng dài hạn. Năm 2018, anh Chính hợp tác cùng một chủ đất có quỹ đất rộng 6 ha ở quận 9, lập 3 trang trại canh tác kết hợp đón khách tham quan, trải nghiệm nghề nông với mức đầu tư khoảng 9 tỉ đồng, dự kiến khai trương vào tháng 9 tới.
"Nhu cầu của khách đối với dịch vụ này rất nhiều vì TP HCM thiếu chỗ vui chơi, thư giãn ngoài trời. Trẻ em thành thị tiếp xúc nhiều với điện thoại, máy tính bảng, tivi nên phụ huynh cần không gian cho trẻ hòa mình với thiên nhiên. Tại đây, chúng tôi có vườn rau hữu cơ cho các em trải nghiệm, có nhà hàng phục vụ các món ăn từ vườn" - anh Chính chia sẻ.
Hiểu về nông sản sạch
Từ tham quan vườn rau, một số khách hàng đã "ghiền" tìm hiểu và trải nghiệm làm nông tại TP HCM. Chị Nguyễn Thị Hiền (ngụ quận 8) bắt đầu sưu tập các điểm tham quan kiểu nhà vườn để đưa gia đình đi chơi vào cuối tuần sau khi thấy con trai 6 tuổi thích thú khi được nhà trường đưa đến trang trại Happy Farm (xã Đa Phước, huyện Bình Chánh). Chị Tăng Thanh Hiền (ngụ quận Gò Vấp) đã hơn 10 lần đến Trang trại Tam Nông và lần nào cũng mê mẩn vườn rau hữu cơ ở đây. "Tôi là dân thành phố, không biết gì về việc nhà nông nên đến đây rồi mới biết rau sạch trồng như thế nào. Rau ở đây mẫu mã không đẹp nhưng ăn rất ngon và yên tâm về khoản an toàn, không hóa chất" - chị Hiền nhận xét.
Gia đình chị Vũ Nam Hà (Việt kiều Đức) cảm thấy rất hài lòng khi đến thăm trang trại của TS Bắc. "Trang trại như nông thôn Việt Nam thu nhỏ. Tôi đã dạy con mình về văn hóa Việt nhưng ở Đức, cháu rất khó hình dung. Đến đây, cháu thấy gà vịt ăn bèo và bay nhảy chứ không phải nhốt trong chuồng ăn cám. Cháu còn hỏi tôi cách làm thịt gà vì ở nước ngoài toàn ăn gà đông lạnh trong siêu thị" - chị Hà kể.
Loại hình du lịch tiềm năng
Theo Sở Du lịch TP HCM, khách du lịch luôn dành sự quan tâm nhất định đối với việc trải nghiệm các sản phẩm du lịch nông nghiệp ở nông thôn. Qua thống kê sơ bộ, thời gian 2016-2017 đã có 74.650 lượt khách du lịch đến các khu, điểm du lịch gắn với nông nghiệp như vườn kiểng Minh Tân, tổ cây trái Trung An, làng rau sạch Củ Chi, khu du lịch sinh thái Hải Thanh, Nông trang Xanh, Trung tâm Yến Quân, Khu Nông nghiệp công nghệ cao... Qua khảo sát, TP HCM còn nhiều nhà vườn có tiềm năng đầu tư phát triển thành sản phẩm du lịch nông nghiệp. Tuy nhiên, thời gian qua, một số nhà vườn gặp khó khăn khi xin phép xây dựng thêm các công trình phụ trợ, phục vụ du khách như: đường vào, nhà vệ sinh, nhà nghỉ chân, điểm phục vụ ăn uống, mua sắm… do vướng quy định của Luật Xây dựng không cho phép xây dựng công trình trên đất nông nghiệp.
Bình luận (0)