TS VŨ TIẾN LỘC - Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam: Cải cách thể chế mạnh mẽ
Đối với sự phát triển dài hạn của nền kinh tế, vốn là rất quan trọng nhưng thể chế còn quan trọng hơn. Giải phóng được thể chế sẽ khơi thông được nguồn lực, từ đó tận dụng được thị trường vốn. Cải cách thể chế là nền tảng quan trọng của tăng trưởng, cũng là nhiệm vụ hàng đầu và là giải pháp đột phá không chỉ trong năm mà còn các năm tới.
Nghị quyết 01/2023 có thể coi là nghị quyết quan trọng về cải cách và phát triển. Trong 3 năm qua, chúng ta luôn đặt ra yêu cầu cấp bách cải cách thể chế, tạo đột phá cho nền kinh tế song dịch COVID-19 và nhiều yếu tố tác động từ bên ngoài khiến tiến trình cải cách chững lại. Trong thời gian tới, nhà nước cần thúc đẩy cải cách thể chế mạnh mẽ, cụ thể là cải thiện môi trường kinh doanh, đơn giản hóa thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong xuất nhập khẩu, đẩy mạnh chuyển đổi số; sửa đổi luật để giảm tình trạng quy định chồng chéo làm khó doanh nghiệp (DN). Đặc biệt, cần đánh giá cao vai trò của các hiệp hội, không bỏ qua khâu lấy ý kiến DN và hiệp hội trong quy trình rà soát các văn bản pháp luật.
Với riêng thị trường bất động sản (BĐS), tiến trình khôi phục sẽ sàng lọc rất đau đớn, sẽ có những DN buộc phải rời thị trường. Nguồn vốn ngân hàng phải tập trung vào những lĩnh vực tiềm năng để nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Quan trọng nhất là sự minh bạch của thị trường BĐS vì sự minh bạch sẽ dẫn dắt dòng vốn đầu tư vào đây.
Ông NGUYỄN ĐỨC LỆNH, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước - Chi nhánh TP HCM: Tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên
Mục tiêu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) là tập trung vốn cho những lĩnh vực ưu tiên, lĩnh vực sản xuất - kinh doanh và động lực tăng trưởng kinh tế; kiểm soát tín dụng đối với lĩnh vực rủi ro. Trên cơ sở Nghị quyết 01/2023 của Chính phủ và Chỉ thị 01/2023 của NHNN về những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2023, NHNN Chi nhánh TP HCM sẽ tập trung vào 3 nhiệm vụ lớn, bao gồm: triển khai chính sách hỗ trợ lãi suất 2% đối với các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thu nhập thấp, nhà ở cho công nhân; tiếp tục kết nối ngân hàng và DN; tháo gỡ khó khăn cho DN thông qua chương trình kết nối Hiệp hội DN TP HCM với các quận, huyện nhằm gắn việc triển khai gói hỗ trợ lãi suất 2% với 5 lĩnh vực ưu tiên. Qua đó, tạo điều kiện cho DN tiếp tục phát triển trong năm 2023.
Các tổ chức tín dụng được chỉ đạo bảo đảm khai thác và sử dụng vốn hiệu quả; kiểm soát cơ cấu huy động vốn ngắn hạn cho vay trung - dài hạn; hỗ trợ vốn cho DN và thúc đẩy thị trường BĐS phát triển như định hướng. Chúng tôi cũng đồng thời tổ chức thực hiện tốt các chương trình tín dụng chính sách; tín dụng nhà ở xã hội, tín dụng tiêu dùng với gói lãi suất thấp...
Nhà báo - TS TÔ ĐÌNH TUÂN, Tổng Biên tập Báo Người Lao Động: Đồng hành, kết nối doanh nghiệp với nhà nước
Ngay từ đầu năm 2023, Chính phủ ban hành Nghị quyết 01/2023 với quyết tâm thay đổi, tháo gỡ khó khăn để đưa nền kinh tế bước vào giai đoạn phát triển mới. Nhiều chuyên gia kinh tế đánh giá Nghị quyết 01 thể hiện việc Chính phủ luôn quyết tâm hành động với những mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp cụ thể. Nghị quyết đã đề ra một số chỉ tiêu quan trọng của năm 2023, như tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6,5%, GDP bình quân đầu người đạt 4.400 USD, tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng bình quân (CPI) 4,5%...
10 nhóm giải pháp nêu ra tại tọa đàm "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ DN" do Báo Người Lao Động tổ chức đã tập trung phân tích nhiều giải pháp quan trọng, gắn với thực tế tháo gỡ, hóa giải khó khăn, tạo động lực mạnh mẽ cho nền kinh tế phát triển một cách đột phá nhưng bền vững. Cụ thể: tiếp tục cải cách thể chế, điều chỉnh chính sách vĩ mô; đẩy mạnh giải ngân đầu tư công; tăng cường giải pháp hỗ trợ DN; kéo giảm lãi suất; giải phóng nguồn lực đất đai; tái cơ cấu nguồn lực...
Những giải pháp này cần được thực hiện đồng thời với việc đẩy mạnh, tăng cường hoạt động truyền thông. Những năm gần đây, trong bối cảnh dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, gây nhiều khó khăn cho nền kinh tế, Báo Người Lao Động đã tổ chức nhiều loạt bài, tọa đàm cùng nhiều hoạt động đồng hành với DN.
Dưới góc độ cơ quan ngôn luận của Thành ủy TP HCM, Báo Người Lao Động cam kết tiếp tục đồng hành với các DN, hiệp hội, hệ thống ngân hàng để kịp thời nói lên những tâm tư, trăn trở, khó khăn, vướng mắc; làm cầu nối để các bên gặp gỡ, chia sẻ, tìm ra giải pháp tích cực nhất để sớm vượt qua khó khăn, bước vào lộ trình phát triển mới thật bền vững.
Ông bà ta nói "đông tay thì vỗ nên kêu". Hy vọng các cơ quan chức năng, cơ quan thông tấn báo chí trên địa bàn TP HCM cũng như cả nước chung tay lan tỏa thông tin để tất cả cùng vào cuộc hỗ trợ DN.
Ông NGUYỄN NGỌC HÒA, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP HCM: Cần sự đột phá
Thông qua tọa đàm "Nghị quyết 01 - Đột phá hỗ trợ DN" do Báo Người Lao Động tổ chức, cộng đồng DN kiến nghị các cơ quan chức năng triển khai chính sách với tinh thần đột phá, quyết liệt.
Về giải pháp tiếp cận nguồn vốn, cơ quan nhà nước có thẩm quyền, NHNN và các ngân hàng cần có giải pháp rõ ràng hơn nữa. Nếu lãi suất dài hạn duy trì ở mức trên 10% thì DN sẽ rất khó khăn, vì vậy cần kéo lãi suất dài hạn xuống mức 10% để kích thích đầu tư. Bên cạnh đó, cũng cần chính sách, cơ chế đột phá khác để đồng hành, chia sẻ áp lực với DN.
Chúng ta đang kỳ vọng vào sự dịch chuyển nguồn vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam. Để tận dụng thời cơ, nhà nước cần có những chính sách thúc đẩy cơ chế ưu đãi và đẩy dòng vốn vào các lĩnh vực phát triển bền vững, hỗ trợ cho DN chuyển đổi, tiến tới sản xuất "xanh hóa" để cải thiện năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế.
Ông LÊ HOÀNG CHÂU, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM: Bất động sản thúc đẩy nhiều ngành khác
Cuối năm 2022, Thủ tướng đã ký hàng loạt công điện nhằm tháo gỡ vướng mắc cho thị trường BĐS. Nghị quyết 01/2023 đề cập lại nhiều giải pháp trước đó đã đề ra. Chúng tôi đang chờ lịch làm việc giữa Thủ tướng với cộng đồng DN BĐS để tìm hướng ra tích cực. Nếu thị trường BĐS phục hồi thì sẽ lan tỏa, thúc đẩy rất nhiều ngành nghề khác.
NHNN cũng đã có nhiều thông tư tháo gỡ khó khăn cho DN, chẳng hạn miễn - giảm lãi suất, cơ cấu lại nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng cá nhân và DN hoặc miễn, giảm phí đối với người vay. Chúng tôi sẽ đề nghị NHNN xây dựng thông tư riêng cho phép cơ cấu nợ, không chuyển nhóm nợ đối với lĩnh vực BĐS để có dòng tiền đầu tư, quay vòng.
Ông VÕ ANH TÀI, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Du lịch Sài Gòn (Saigontourist Group): Trân trọng sự đồng hành của Báo Người Lao Động
Đây là lần thứ 2 chúng tôi tham gia tọa đàm của Báo Người Lao Động. Cách đây gần 2 năm, chúng tôi đã được tham gia tọa đàm "Kết nối DN du lịch và ngân hàng - Gỡ khó về vốn và chính sách". Chúng tôi trân trọng và đánh giá cao sự nhạy bén, đồng hành của Báo Người Lao Động với cộng đồng DN.
Chúng tôi cũng kỳ vọng sự đột phá từ Nghị quyết 01/2023 của Chính phủ và những chính sách hỗ trợ khác của nhà nước. Nói cách khác, DN kỳ vọng phải "ra được sản phẩm cụ thể", có giải pháp trong bối cảnh khó khăn từng ngày, từng giờ.
Ngành du lịch và các DN du lịch đang nỗ lực phục hồi mạnh mẽ. Chúng tôi mong Chính phủ cùng các cơ quan chức năng tiếp tục quan tâm giải quyết các kiến nghị của DN, trong đó có giải pháp kéo dài thời gian, chính sách hỗ trợ nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất - kinh doanh, tạo động lực phục hồi phát triển. Đối với những DN du lịch đang vay vốn, đề xuất được xem xét khoanh nợ, giãn nợ, giữ nguyên nhóm nợ...
Ông TRƯƠNG ĐÌNH LONG, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB): Hướng vốn đến doanh nghiệp vừa, nhỏ, siêu nhỏ
Trong năm nay, OCB đặt mục tiêu triển khai vốn tín dụng hướng đến nhóm khách hàng là DN vừa và nhỏ, DN siêu nhỏ. Theo đó, ngân hàng sẽ giảm lãi suất ở mức ưu đãi hơn so với thông thường từ 1,5-2 điểm %. Ngay từ đầu năm, gói tín dụng ưu đãi này sẽ được triển khai với quy mô khoảng 25.000 tỉ đồng nhằm mục tiêu là khách hàng phải tiếp cận được vốn.
Để triển khai dòng vốn tín dụng hiệu quả hướng vào DN nhỏ và vừa, DN siêu nhỏ, chúng tôi đã định hướng tập trung tìm kiếm khách hàng tốt thông qua các hiệp hội DN, phòng kinh tế quận - huyện...
Về lãi suất, hiện có 2 nhóm lãi suất cho vay ngắn hạn: 8%-12%/năm với DN và tối đa khoảng 12% với cá nhân, giảm từ 1,5%-2%/năm so với biểu lãi suất thông thường. Các gói lãi suất sẽ triển khai trên toàn hệ thống, có giám sát, điều chỉnh để tới được tay khách hàng.
Ông TRẦN VIỆT ANH, Tổng Giám đốc Công ty CP Xuất nhập khẩu Nam Thái Sơn: Trân trọng thành quả của doanh nghiệp
Trước khi nói về chính sách để kiến nghị, nên nói về thành quả. Lần đầu tiên, Việt Nam xuất khẩu đạt kim ngạch 730 tỉ USD có sự đóng góp rất lớn của các DN sản xuất công nghiệp. Chúng ta đứng thứ nhất thế giới về xuất khẩu tiêu, đứng thứ 3 về dệt may, các ngành khác như xuất khẩu da giày, trái cây và rau quả, chế biến gỗ, gạo… đều đạt những thành tích hàng đầu. Lần đầu tiên xuất khẩu thủy sản 10 tỉ USD, đứng thứ 3 thế giới hay riêng ngành nhựa của chúng tôi đã xuất khẩu 3,8 tỉ USD… Có 39 sản phẩm xuất khẩu trên 1 tỉ USD.
Để hỗ trợ DN, cần truyền thông, đào tạo nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực có tay nghề. Trong năm 2022, việc hỗ trợ đào tạo cho nguồn nhân lực có tay nghề ở TP HCM rất ít; năm 2023 cần tập trung đào tạo nhân lực ở các trường nghề. TP HCM không hút lao động phổ thông về mà chỉ nên quy hoạch tập trung lao động trình độ cao, có hàm lượng chất xám…
Bình luận (0)