Ngày 15-12, tại cuộc họp với các cơ quan chức năng VN và trong cuộc họp báo sau đó, người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của Quỹ Quốc tế Bảo vệ Thiên nhiên (WWF), ông Mark Powell, khẳng định sẽ rút cá tra VN ra khỏi danh mục đỏ trong cuốn Cẩm nang hướng dẫn tiêu dùng thủy sản năm 2010-2011 (Cẩm nang) của WWF tại 6 nước gồm: Đức, Áo, Thụy Sĩ, Bỉ, Na Uy và Đan Mạch.
Tuy nhiên, điều đáng nói là một vị đại diện cho một tổ chức phi chính phủ có uy tín và có tiếng nói này lại không thừa nhận sự cáo buộc của WWF 6 nước trên là sai trái và cho rằng đây chỉ là “khúc mắc” của “chuyện gia đình” WWF.
Ông Mark Powell (giữa) người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF, tại cuộc họp báo ngày 15-12
Bêu xấu cá tra VN là “chuyện gia đình” của WWF!
Trao đổi với báo giới, ông Mark Powell cho biết việc WWF 6 nước đưa cá tra vào danh mục đỏ trong Cẩm nang không nhằm mục đích chỉ trích, phê phán hay xử phạt người nuôi cá tra VN. Theo ông Mark Powell, ngay từ hôm nay (16-12), WWF sẽ có biện pháp rút cá tra ra khỏi danh mục đỏ trong cuốn Cẩm nang và khuyến cáo người tiêu dùng tiếp tục sử dụng cá tra VN. Hứa giải quyết “sự cố” nhưng ông Mark Powell lại quả quyết: “Chúng tôi vẫn bảo lưu những đánh giá của WWF 6 nước và đây là việc không sai”. Ông Mark Powell khẳng định WWF sẽ không nói lời xin lỗi Chính phủ VN và người nuôi cá tra vì việc “đổi màu” cá tra đã là câu chuyện của quá khứ và cần được khép lại (?).
Ông Mark Powell cho biết kết quả đánh giá trong Cẩm nang là do WWF dựa vào những báo cáo về cá tra VN đã được công bố (báo cáo khoa học của Trường Đại học Wageningen Hà Lan năm 2009 - PV) mà không giải thích vì sao không cử chuyên gia đến VN để kiểm tra thực tế. Đây là điều đáng lên án và đặt dấu hỏi về uy tín và sự nghiêm túc, đứng đắn của WWF khi cẩu thả đưa ra một nhận xét phiến diện, phi khoa học đối với một sản phẩm quốc gia và liên quan đến sinh kế của hàng vạn người dân, cũng như thói quen tiêu dùng của người tiêu dùng một số nước châu Âu.
Trả lời Báo Người Lao Động về việc cá tra VN bị bêu xấu phải chăng xuất phát từ chính nội bộ của WWF “đá” nhau vì WWF quốc tế là cơ quan đứng đằng sau chứng nhận GlobalGAP, còn WWF VN vừa hoàn thành bộ quy chuẩn cấp chứng nhận về nuôi cá tra bền vững tại VN (ASC) và muốn được các cơ sở nuôi VN cũng như người tiêu dùng thế giới thực hiện theo, ông Mark Powell trả lời 2 lần từ: “Không”. Tuy nhiên, vị đại diện WWF đã làm công luận, người nuôi cá tra VN cũng như người tiêu dùng châu Âu phải chưng hửng với phát biểu: “Sự việc cá tra vừa qua đúng là chúng tôi đã có câu chuyện trong nội bộ “gia đình” và việc này cũng hết sức bình thường. Chúng tôi vẫn thấy rằng vấn đề nhỏ này sẽ không ảnh hưởng đến mối quan hệ giữa VN với WWF”.
Điều đáng tiếc là tại buổi họp báo, đại diện của Tổng cục Thủy sản và Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) đã không truy đến cùng thái độ vô trách nhiệm của WWF mà còn bày tỏ sự bênh vực bằng cách cho rằng hãy nhìn vào mối quan hệ trong tương lai và khép lại câu chuyện này (!?). Người nuôi cá tra có thể yên tâm được không trước thái độ thiếu quyết tâm của người có trách nhiệm đối với thân phận cá tra bị bầm dập và sản lượng xuất khẩu có thể sụt giảm?
Đối thoại hay tiếp thị?
Trong buổi làm việc với phía VN và trong buổi họp báo, vị đại diện của WWF quốc tế đã nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần về việc mong muốn và đã đạt được cam kết ban đầu về sự hợp tác với VN trong việc sản xuất cá tra bền vững theo ASC. Và việc này, theo ông Mark Powell, sẽ tạo ra sản phẩm cá tra VN bền vững hơn (?). Ông Mark Powell “gây sức ép” với VN bằng cách đưa ra tuyên bố: “Người tiêu dùng thế giới luôn hỏi WWF về sự an toàn của sản phẩm thủy sản. Đề xuất của chúng tôi là khuyến khích đầu tư và hướng dẫn người nuôi thủy sản VN hướng tới ASC”. “Tương lai tốt đẹp nhất cho người nuôi cá tra VN là được cấp ASC. Đây là lý do mà chúng tôi đang cố gắng hợp tác với Bộ NN-PTNT của VN để hướng người nuôi áp dụng ASC” – ông Mark Powell nói.
Trả lời về việc WWF có thu phí người nuôi cá tra VN khi áp dụng ASC, ông Mark Powell nói: “WWF cố gắng dùng các mối quan hệ để tìm kiếm các nguồn tài trợ phục vụ cho quá trình cấp ASC”.
Dư luận và hàng ngàn hộ nuôi cá tra VN có quyền đặt câu hỏi về mục đích đằng sau của việc tạo ra xì-căng-đan cho cá tra VN là có ý đồ vì lợi ích của WWF. Điều này thể hiện rõ hơn nữa ở việc ông Mark Powell đến VN đối thoại về những cáo buộc của WWF đối với cá tra đã bị biến thành chuyến công du để bán quy chuẩn ASC do họ xây dựng.
Người nuôi cá è lưng đóng phí
Trả lời câu hỏi của Báo Người Lao Động, TS Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản (Bộ NN-PTNT) và TS Nguyễn Hữu Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực VASEP, cùng thừa nhận những chứng nhận như GlobalGAP, SGS, ASC, SQF... không có giá trị pháp lý đối với các nước nhưng người tiêu dùng các nước đặt niềm tin. Vì thế, ông Tuấn và ông Dũng khẳng định đây là sự cần thiết đối với người nuôi cá tra VN. TS Nguyễn Hữu Dũng phân trần, mức phí mà các hộ nuôi phải trả cho các chứng nhận là “đánh” vào túi người tiêu dùng chứ không phải hộ nuôi (?). Vì thế, VASEP cũng như Bộ NN-PTNT đã thúc giục, thậm chí có văn bản, chiến lược “ép” các cơ sở nuôi thực hiện.
Trong khi đó, ủy viên Ban Chấp hành Hội Nghề cá VN, ông Nguyễn Tử Cương, nhận xét: Hiện nay cơ sở nuôi cá tra VN đang “lạc lối” khi chạy đua để được cấp các chứng nhận như GlobalGAP và tới đây có thể thêm ASC và phải è lưng đóng phí tới cả trăm triệu đồng/năm. Đáng lo hơn là VN sẽ phải chạy theo các tổ chức phi chính phủ đang thi nhau “đẻ” ra bộ quy chuẩn để kiếm lợi nhuận. “Ngạc nhiên hơn nữa là các cơ quan chức năng như Bộ NN-PTNT, VASEP lại cổ xúy cho việc này” – ông Cương nói.
Ông Cương góp ý VN nên học kinh nghiệm của Thái Lan khi năm 2007 công bố với quốc tế đã cấp giấy chứng nhận đạt GAP theo tài liệu phát triển thủy sản bền vững (CoC) của Tổ chức Nông lương Liên Hiệp Quốc (FAO) – cơ quan có tiếng nói giá trị nhất trong lĩnh vực này - cho trên 60% cơ sở nuôi tôm sú và không cho phép tồn tại bất cứ hình thức chứng nhận nào khác kiểu như SQF, SGS, GlobalGAP... tại Thái Lan.
Trước việc VN “mua dây buộc mình” và phải trả những chi phí vô lý, ông Cương kiến nghị Bộ NN-PTNT cần rà soát và loại bỏ các văn bản hướng dẫn, yêu cầu các cơ sở phải áp dụng SQF, SGS, GlobalGAP... Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn để cơ sở nuôi áp dụng GAP theo CoC và quảng bá, tuyên truyền để các cơ quan thẩm quyền các nước và các tổ chức bảo vệ người tiêu dùng quốc tế biết.
WWF phải có hành động cụ thể
Ngày 15-12, Bộ Ngoại giao, Tổng cục Môi trường, Bộ Công Thương, VASEP, Hội Nghề cá VN, WWF VN đã có buổi đối thoại với người đứng đầu chương trình thủy hải sản toàn cầu của WWF, ông Mark Powell, về cuốn Cẩm nang về việc xếp cá tra vào danh sách đỏ. Theo TS Phạm Anh Tuấn, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản, hai bên đã thống nhất, việc nuôi cá tra bền vững là mục tiêu chung của cả VN và WWF. Đồng thời, hai phía cùng cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ để phát triển nghề nuôi cá tra ở VN hướng tới mục tiêu phát triển bền vững - ASC. Trong ngày 16-12, phía VN và ông Mark Powell sẽ cùng thảo luận các chi tiết về sự hợp tác để đạt mục tiêu sản xuất bền vững của thủy sản VN nói chung và cá tra nói riêng. “Vui mừng là VN đã nhận được sự hợp tác của WWF và hướng đến tương lai tốt đẹp hơn” – ông Tuấn nói.
Thứ trưởng Bộ NN-PTNT, ông Vũ Văn Tám, cho biết việc WWF quốc tế sang VN để đối thoại và hứa sẽ rút cá tra VN khỏi danh sách đỏ đã thể hiện trách nhiệm của WWF trong việc khắc phục kịp thời các quyết định chưa chuẩn xác, có thể gây hậu quả. Tuy nhiên, ông Tám cho rằng cùng với lời hứa, điều quan trọng là WWF phải có hành động cụ thể và rút bỏ ngay cá tra VN ra khỏi danh sách đỏ. |
Bình luận (0)