Tại hội thảo "Sử dụng nhiên liệu sinh học - Giải pháp phát triển bền vững" do Bộ Công Thương tổ chức ở Hà Nội sáng 17-10, nhiều cách "mở đường" cho xăng sinh học E5 khi "khai tử" xăng khoáng RON 92 (xăng A92) được đưa ra bàn thảo.
Đề nghị giảm đến 2.000 đồng/lít
Ông Phan Thế Ruệ, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam, cho biết tỉ lệ tiêu thụ xăng E5 trên thị trường hiện chỉ đạt 9%, chứng tỏ người tiêu dùng vẫn chưa thật sự mặn mà với loại xăng này. Một trong những nguyên nhân là chênh lệch giá bán lẻ của xăng E5 và xăng RON 92 không đủ sức thu hút.
Thời điểm năm 2018 đang đến gần nhưng các bên liên quan vẫn chưa tìm ra cách phổ biến xăng E5 đến người dân Ảnh: TẤN THẠNH
"Khai tử hoàn toàn xăng RON 92 và thay bằng xăng E5 giúp người tiêu dùng phần nào chấp nhận chuyển sang dùng nhiên liệu sinh học nhưng vẫn không tránh khỏi việc một bộ phận chuyển hẳn sang xăng RON 95, nhất là chủ phương tiện ô tô" - ông Ruệ nhìn nhận.
Tính đến ngày 31-8, trên địa bàn TP HCM, 240/533 cửa hàng xăng dầu đã tham gia phân phối xăng E5. Tỉ lệ này thấp hơn so với con số 282/532 cửa hàng xăng dầu có bán xăng E5 một năm trước. Sản lượng E5 tiêu thụ cũng giảm do người dân không có thói quen dùng xăng này. Cụ thể, tính đến tháng 8-2017, sản lượng tiêu thụ xăng E5 bình quân đạt 8.053 m3/tháng, giảm 3,3% so với tháng 10-2016.
Lý giải tình trạng trên, Sở Công Thương TP HCM cho rằng ngoài việc người tiêu dùng không có thói quen sử dụng xăng sinh học, chênh lệch giá bán giữa xăng E5 và xăng khoáng RON 92 là 270 đồng/lít cũng không đủ hấp dẫn.
"Đến nay, một số doanh nghiệp (DN) đã có văn bản đề nghị tạm ngưng kinh doanh xăng E5 bởi sản lượng bán ra rất thấp và mức chiết khấu không cao, chỉ 1.000-1.600 đồng/lít, tương đương hoặc thấp hơn xăng khoáng, không bù đắp được chi phí hoạt động của cửa hàng" - Sở Công Thương TP HCM cho biết.
Bởi vậy, trong trường hợp thay thế 100% xăng RON 92 bằng E5, người tiêu dùng sẽ có xu hướng quay sang sử dụng RON 95, dẫn đến nhu cầu tiêu dùng xăng này tăng cao, ảnh hưởng đến nguồn cung.
"Sở Công Thương đề xuất giảm thuế, miễn thuế tiêu thụ đặc biệt, chiết khấu hoa hồng, phí môi trường… để giảm giá thành nguồn ethanol, giảm giá bán xăng E5 thấp hơn giá bán xăng RON 92 khoảng 1.000 - 2.000 đồng/lít" - báo cáo của Sở Công Thương TP HCM nêu rõ.
"Đòi" tăng giá ethanol?
Chủ tịch Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam, ông Lưu Quang Thái, cho rằng việc khai tử xăng RON 92 từ ngày 1-1-2018 là cơ hội lớn cho các nhà máy sản xuất ethanol vượt qua khó khăn. Tuy nhiên, trách nhiệm nặng nề của các nhà máy này là phải bảo đảm nguồn cung ethanol cho nhu cầu pha chế E5 trước mắt và E10 trong tương lai gần.
Lo lắng như vậy nên vị chủ tịch hiệp hội này cho rằng việc ổn định nguồn cung sắn với giá mua hợp lý là yếu tố quyết định giá ethanol trong nước có thể cạnh tranh với giá ethanol nhập khẩu. "Nếu giá sắn quá thấp, nông dân sẽ không có lãi dẫn đến thu hẹp sản xuất, gây căng thẳng nguồn cung nguyên liệu sản xuất cồn" - ông Thái lo ngại. Theo ông, quy định mức giá sàn và giá trần của sắn là biện pháp cần thiết để ổn định nguyên liệu sản xuất ethanol. Tuy nhiên, nếu tăng giá sắn thì giá ethanol cũng tăng theo, ảnh hưởng đến giá xăng sinh học.
Ngoài ra, theo ông Thái, với thuế nhập khẩu ethanol hiện hành là 20% thì ethanol nội có thể cạnh tranh được. Nếu giảm thuế xuống 10%-15% thì khả năng cạnh tranh của ethanol Việt Nam sẽ rất thấp. Để hỗ trợ các nhà máy sản xuất ethanol của Việt Nam vừa hoạt động trở lại, hiệp hội này kiến nghị giữ mức thuế nhập khẩu ethanol 20%.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Văn Tiu, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty CP Xăng dầu Tự Lực 1 (Hà Nội), cho rằng quan điểm của ông Thái là "không chấp nhận được", đi ngược với chủ trương của Chính phủ. Bởi lẽ, hiện nay, nếu nguồn cung ethanol trong nước không đáp ứng được hoặc không có giá cạnh tranh thì cơ quan quản lý cũng đã tính đến chuyện nhập khẩu rồi. "Giờ cứ bằng mọi giá bảo vệ sản xuất trong nước mà kinh doanh vẫn không hiệu quả thì không thể được" - ông Tiu nhìn nhận.
Ông Tiu cho rằng quan điểm không giảm thuế nhập khẩu ethanol của Hiệp hội Nhiên liệu sinh học Việt Nam là "không đúng". Nếu không giảm thuế nhập khẩu thì không thể có giá thành cạnh tranh, nhất là khi mọi ý kiến đều đang đồng tình với hướng tìm giải pháp giảm giá bán xăng sinh học. "Giá nhập khẩu ethanol là một trong những yếu tố cấu thành giá cơ sở, giờ nói không giảm thuế thì làm sao để giảm giá xăng?" - ông Tiu băn khoăn.
Đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP HCM cho rằng không cần quá quan tâm đến vấn đề thuế, giá thành, giá bán ethanol bởi lượng phối trộn ethanol trong xăng sinh học chỉ mới 5% và tương lai cũng chỉ lên đến 10%. Quan trọng là phải giảm thuế môi trường cùng các loại thuế, phí khác thì mới tạo hiệu ứng giảm giá xăng sinh học sâu hơn.
TP HCM khuyến khích dùng xăng E5
Theo kế hoạch thực hiện năm 2017, một trong những việc được Sở Công Thương TP HCM đưa ra là khuyến khích các cơ quan quản lý nhà nước, cán bộ, công chức gương mẫu sử dụng xăng sinh học E5 theo đúng chủ trương của Chính phủ, đồng thời vận động mọi người hưởng ứng tham gia.
Bình luận (0)