Ngày 21-6, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã điều chỉnh giá bán lẻ xăng dầu, áp dụng từ 15 giờ cùng ngày. Theo đó, giá xăng E5RON92 tăng 185 đồng/lít, có giá bán 31.302 đồng/lít; xăng RON95 tăng 498 đồng/lít, có giá bán 32.873 đồng/lít. Như vậy, xăng trong nước đã có lần thứ 7 tăng giá liên tiếp.
Trong khi đó, các mặt hàng dầu tăng mạnh hơn. Cụ thể, dầu diesel tăng 999 đồng/lít, có giá 30.019 đồng/lít; Dầu hỏa tăng 946 đồng/lít, bán lẻ ở mức 28.785 đồng/lít; Dầu mazut tăng 378 đồng/kg, có giá bán 20.735 đồng/kg.
Giá xăng trong nước tiếp tục tăng
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ tiếp tục không trích lập quỹ bình ổn giá xăng dầu đối với các loại xăng, dầu diesel và dầu hỏa; trích lập quỹ đối với dầu mazut ở mức 300 đồng/kg. Đồng thời, chi sử dụng quỹ với dầu diesel ở mức 400 đồng/lít, với dầu hỏa ở mức 400 đồng/lít.
Theo dữ liệu của Bộ Công Thương, thị trường xăng dầu thế giới giữa 2 kỳ điều hành giá vừa qua có nhiều biến động. Giá các sản phẩm thành phẩm xăng dầu lại có xu hướng tăng, nguyên nhân là do nguồn cung xăng dầu cho thị trường thế giới tiếp tục bị hạn chế bởi việc cấm vận hàng từ Nga của Mỹ và các nước Châu Âu; nguồn cung cũng bị ảnh hưởng do bất ổn chính trị tại Lybia gây gián đoạn hoạt động sản xuất, Mỹ ban bố lệnh trừng phạt mới đối với Iran, sản xuất xăng dầu tại một số nước OPEC+ vẫn chưa đạt được mức hạn ngạch sản xuất của mình…
Mới đây, Bộ Tài chính vừa công bố lấy ý kiến góp ý của nhân dân với dự thảo Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn.
Theo đó, Bộ Tài chính trình Chính phủ để trình Uỷ ban Thường vụ Quốc hội điều chỉnh mức thuế bảo vệ môi trường đối với nhóm xăng, dầu, mỡ nhờn xuống mức sàn trong khung thuế đến hết 31-12-2022 như sau: Xăng giảm từ 2.000 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; nhiên liệu bay giảm từ 1.500 đồng/lít xuống mức sàn 1.000 đồng/lít; Dầu diesel giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 500 đồng/lít; Dầu mazut, dầu nhờn giảm từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít; Mỡ nhờn: Giảm từ 1.000 đồng/kg xuống mức sàn 300 đồng/kg; Dầu hỏa: Giữ mức 300 đồng/lít vì đây là mức sàn trong khung mức thuế.
Đánh giá tác động của dự thảo Nghị quyết, Bộ Tài chính cho biết, nếu áp dụng chính sách giảm mức thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu, mỡ nhờn như đề xuất nêu trên thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước bình quân một tháng (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) khoảng 1.400 tỉ đồng/tháng.
Trường hợp Nghị quyết được ban hành trong tháng 7-2022 và có hiệu lực từ ngày 1-8-2022 thì ước giảm thu ngân sách Nhà nước (đã bao gồm cả phần giảm thuế giá trị gia tăng) là khoảng 7.000 tỉ đồng.
Bình luận (0)