Trong đơn kêu cứu gửi tới các cơ quan báo chí, bà Trương Thị Bạch Hồng - ở đường Cây Keo, phường Tam Phú, quận Thủ Đức, TP HCM - cho biết gần 3 năm qua nhiều hộ dân ở khu vực này rất khổ sở vì phải sống trong cảnh ngập lụt từ khi con rạch Cầu Dừa bị chủ đầu tư dự án khu biệt thự Thăng Long Home - Hưng Phú là Công ty CP Hưng Phú Invest và Thăng Long Real Group san lấp gần hết.
Lấp rạch nhưng không xây hồ điều tiết
Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Người Lao Động, được biết rạch Cầu Dừa chạy ra ngã ba rạch Ông Bông, là kênh tiêu thoát nước chính của khu vực. Theo hiện trạng trên bản đồ, chỗ hẹp nhất của rạch Cầu Dừa rộng gần 5,3 m, chỗ rộng nhất gần 10 m, hai bên rạch có bờ đất rộng gần 3 m. Con rạch này thoát nước cho cả khu vực phường Tam Phú. Trước đây, nhờ có rạch Cầu Dừa thoát nước mà khu vực này khô ráo và thông thoáng nhưng khi dự án Thăng Long Home - Hưng Phú bắt đầu triển khai (tháng 12-2016), chủ đầu tư dự án cho lấp một phần rạch nên hễ mưa xuống là ngập nước lênh láng vì không có chỗ thoát. Người dân đã nhiều lần phản ánh, lãnh đạo địa phương cũng tổ chức họp bàn với chủ đầu tư để tìm hướng giải quyết nhưng tình hình vẫn không thay đổi.
Cũng theo tìm hiểu của phóng viên, đơn vị thi công dự án Thăng Long Home - Hưng Phú đã san lấp thu hẹp một phần rạch Cầu Dừa để chỉnh tuyến rạch theo một thỏa thuận của Sở Giao thông Vận tải năm 2010. Tuy nhiên, việc thi công của chủ đầu tư không bảo đảm, không có giải pháp dẫn dòng và tiêu thoát nước, gây ngập úng cho khu vực hẻm 55 đường Cây Keo. Năm 2017, lãnh đạo quận Thủ Đức đã có công văn yêu cầu Công ty CP Hưng Phú Invest ngưng ngay việc san lấp rạch này, đồng thời nạo vét, trả lại hiện trạng ban đầu cho khu dân cư nhưng chủ đầu tư không chấp hành.
Dự án Thăng Long Home - Hưng Phú đã lấn gần hết con rạch Cầu Dừa. Ảnh: Sơn Nhung
UBND phường Tam Phú sau đó đã kiểm tra và yêu cầu chủ đầu tư phải nghiêm chỉnh chấp hành chỉ đạo của quận, tuy nhiên đến nay tình trạng vẫn chưa có gì cải thiện. Chị Nguyễn Thị Tuyết Mai, nhà số 55/5 đường Cây Keo, cho biết trước đây một số hộ dân xin phép xây nhà gần rạch thì UBND quận Thủ Đức yêu cầu chừa hành lang rạch đến 7 m nhưng khi chủ đầu tư dự án Thăng Long Home - Hưng Phú ngang nhiên lấp rạch thì cơ quan chức năng lại xử lý chậm chạp.
Trong văn bản trả lời báo chí, UBND quận Thủ Đức cho biết thời gian tới quận sẽ tổng hợp các kiến nghị trình các sở xem xét việc lấp rạch của chủ đầu tư dự án và sẽ thông tin cho người dân.
Trong buổi làm việc với Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng hạ tầng TP HCM và các sở, ban ngành về công tác chống ngập, một số đại biểu HĐND TP HCM đã phản ánh tình trạng có những dự án được phép lấp rạch nhưng chủ đầu tư không đào hồ điều tiết nên gây ra ngập úng trầm trọng. Điển hình là chủ đầu tư dự án căn hộ Riviera Point tại phường Phú Thuận (quận 7) khi triển khai xây dựng đã lấp một con rạch trong dự án nhưng nhiều năm qua vẫn không thay thế bằng hồ điều tiết như cam kết ban đầu với cơ quan chức năng.
Ông Lê Hòa Bình, Giám đốc Sở Xây dựng, thừa nhận thực trạng này nhưng lý giải những con rạch phải lấp đi vì là rạch cùng, nằm sâu bên trong không có tác dụng điều tiết. Với dự án Riviera Point (quận 7), ông Lê Hòa Bình cho biết bên trong dự án có con rạch khoảng 1.000 m2 không kết nối thoát nước nên cơ quan chức năng mới cho lấp với điều kiện chủ đầu tư phải bù lại 1,2 lần diện tích lấp bằng hồ điều tiết.
Cần xử lý rốt ráo
TS Đào Trọng Tứ, Trưởng Ban Điều hành Mạng lưới sông ngòi Việt Nam, tỏ ra bức xúc vì đã rất nhiều lần lên tiếng về việc bức hại các dòng sông, kênh rạch ở TP HCM. Nhưng theo năm tháng, tình trạng đó vẫn cứ tiếp diễn khi hàng loạt công trình nằm đè lên dòng chảy tự nhiên. Có giai đoạn, cơ quan chức năng đồng ý cho chủ đầu tư lấp rạch và bù lại bằng cách xây dựng hồ điều tiết với những lý do như chỉnh trang đô thị, cải tạo cảnh quan... Trong khi thực tế không một con rạch nào vô nghĩa cả, tất cả đều có những chức năng hữu ích. "Chúng ta hãy nhìn cách quản lý tại các vườn quốc gia, họ tuyệt đối cấm xây dựng một căn nhà dù mục đích nào chăng nữa. Bởi bất cứ sự tác động dù lớn hay nhỏ sẽ thay đổi đa dạng sinh học" - TS Đào Trọng Tứ phân tích.
Theo ông Tứ, chính việc cơ quan chức năng hiện nay chưa thực sự mạnh tay khiến các doanh nghiệp tiếp tục vi phạm và sẵn sàng đóng phạt. Hiện nay Luật Tài nguyên khoáng sản, Luật Tài nguyên nước đã có quy định xử lý rất nặng, nhà nước cần quyết liệt hơn mới mong kéo giảm tình trạng này.
Đại diện Sở Quy hoạch - Kiến trúc TP HCM cho rằng về công tác quy hoạch không phải căn cứ vào mỹ quan để nói rằng công trình đó vi phạm hay không mà phải xem xét nhiều yếu tố. "Tất cả phải hài hòa, thông qua lợi ích kinh tế, doanh nghiệp có đóng góp xã hội, tạo môi trường sinh sống tốt cho cộng đồng" - vị này nói.
Đại diện sở này cũng cho biết hiện các doanh nghiệp đã ý thức hơn về việc giữ gìn kênh rạch để tạo cảnh quan, môi trường. Vị này dẫn chứng một dự án ở phường Phú Hữu (quận 9), khi triển khai xây dựng, chủ đầu tư đã lấp rạch Bà Hiện và làm hồ điều tiết diện tích lớn hơn quy định. Sau đó, chủ đầu tư hối hận bởi nếu giữ lại rạch và cải tạo thì tốt hơn vì hiện nay, những dự án có dòng chảy đi ngang qua sẽ tăng giá trị nhà, căn hộ rất lớn.
Lấn chiếm kênh rạch có chiều hướng giảm (?!)
Ông Phạm Công Bằng, Giám đốc Khu Quản lý đường thủy nội địa, cho biết thời gian qua tình trạng lấn chiếm bờ sông, kênh rạch có chiều hướng giảm so với trước. "Các công trình còn tồn tại là do yếu tố lịch sử, diễn ra từ trước. Hiện nay các địa phương đang rà soát lại những quy định để có kiến nghị, hướng dẫn hướng xử lý cho phù hợp với tình hình" - ông Bằng nêu.
Bình luận (0)