Tại tọa đàm, TS Trương Minh Huy Vũ, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển TP HCM, cho rằng để kinh tế thành phố đạt mục tiêu tăng trưởng 7,5% trong năm 2023 đòi hỏi sự tập trung lãnh đạo của chính quyền thành phố để triển khai hiệu quả các nghị quyết về cơ chế đột phá, trình Quốc hội nghị quyết thay thế Nghị quyết 54. Xây dựng kế hoạch thực hiện khi nghị quyết mới được thông qua với mục tiêu giải quyết các điểm nghẽn và tạo động lực phát triển mới.
Liên quan đến kinh tế xanh, TS Trương Minh Huy Vũ phân tích có 6 trụ cột cơ chế "chuyển đổi xanh" của TP HCM như điện áp mái, kiểm soát khí thải phương tiện giao thông, thu hút nhà đầu tư chiến lược về năng lượng sạch, thúc đẩy khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo về năng lượng sạch…
TS Trương Minh Huy Vũ phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Lam Giang
Chuyên gia kinh tế, PGS-TS Phan Thanh Bình cho biết các quốc gia trên thế giới đều đang đưa kinh tế xanh làm trung tâm của kế hoạch phát triển đất nước, hướng đến mục tiêu giảm khí thải nhà kính tối đa. Đây là quá trình chuyển đổi mà Việt Nam phải trải qua để bảo đảm phát triển kinh tế bền vững và chống chọi với biến đổi khí hậu. Trong đó, TP HCM - trung tâm công nghiệp, tài chính của Việt Nam - sẽ đóng vai trò then chốt trong quá trình chuyển đổi sang nền kinh tế xanh của Việt Nam.
Có 7 lĩnh vực tác động chủ yếu đến kinh tế xanh của thành phố như phát triển năng lượng tái tạo; đổi mới công nghệ ít tiêu hao năng lượng; phát triển phương tiện giao thông công cộng, xe điện; sản xuất nông nghiệp xanh, tăng sản phẩm thực vật; tăng diện tích cây xanh, bảo tồn khu sinh quyển…
"Để làm những điều này, thành phố cần chọn lựa để phát triển bền vững với hệ thống văn bản, hành lang pháp lý, cơ chế chính sách phù hợp, tạo điều kiện sản xuất xanh. Có chính sách đầu tư tài chính, ngân hàng mạnh mẽ vào các dự án xanh như năng lượng, vận tải, sản xuất… Đẩy mạnh nghiên cứu ứng dụng khoa học - công nghệ trong lĩnh vực ứng dụng xanh, bảo vệ môi trường; khuyến khích khởi nghiệp xanh" - PGS-TS Phan Thanh Bình nói.
Bình luận (0)