Khảo sát các công ty chuyên cung cấp sỉ thịt, một số sản phẩm xuất xứ Brazil có giá: đùi gà góc tư 24.000-25.000 đồng/kg, chân gà 48.000 đồng/kg, cánh gà 63.000 đồng/kg, nạc vai heo 58.000 đồng/kg và được đóng mỗi thùng 15-20 kg. Đây là mức giá khá rẻ so với gà tươi trong nước nhưng cao hơn giá gà nhập từ một số nguồn khác.
Cần truy xuất nguồn gốc thịt ngoại
Trao đổi với phóng viên, ông T., giám đốc một công ty chuyên nhập khẩu thịt ở TP HCM, cho biết tình hình tiêu thụ thịt đông lạnh ngoại gần đây khá chậm do giá nhập khẩu đang cao, như gà tăng 10%, heo tăng 5% so với năm ngoái. Trong khi đó, giá thịt trong nước đang rẻ. Nguyên nhân do nguồn cung hạn chế. Trước khi thông tin thịt bẩn Brazil rộ lên, doanh nghiệp trong nước đã không được phép nhập khẩu thịt từ các nhà máy “có vấn đề” của Brazil, Mỹ.
Ông Nguyễn Kim Đoán, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, kiến nghị: “Nhà nước nên xem xét buộc thịt nhập cũng phải truy xuất được nguồn gốc để cạnh tranh công bằng với sản phẩm trong nước. Người tiêu dùng cần biết thịt ngoại được nuôi theo quy trình nào, giết mổ ở đâu, chuyển về Việt Nam như thế nào... Như vậy, cơ quan quản lý, người mua mới có thể xác định đường đi của thịt nhập, có thuộc những lô mất an toàn hay không”.
Nhập khẩu thịt từ 111 nhà máy ở Brazil
Theo công bố của Cục Quản lý chất lượng nông lâm sản và thủy sản (Nafiqad) thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), Brazil có 111 nhà máy được cấp phép nhập thịt vào Việt Nam. Trong đó, nhiều nhất là thịt gà (56 nhà máy), bò (38 nhà máy) và heo (17 nhà máy) với danh mục sản phẩm rất đa dạng từ thịt đến các loại phụ phẩm dành làm thực phẩm như đuôi heo, chân heo, nội tạng...
Ngày 22-3, ông Phạm Văn Đông, Cục trưởng Cục Thú y (Bộ NN-PTNT), cho biết từ đầu năm 2017 đến nay, Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 3.000 tấn thịt và sản phẩm thịt từ Brazil. Tất cả lô hàng này đều được cơ quan thú y cửa khẩu kiểm soát chặt chẽ, lấy mẫu xét nghiệm từng lô hàng, bảo đảm an toàn thực phẩm mới được phép nhập khẩu.
Theo ông Đông, ngày 20-3, Cục Thú y đã chỉ đạo các đơn vị liên quan kiểm soát chặt chẽ thịt gia súc, gia cầm nhập khẩu từ Brazil. Nếu phát hiện sản phẩm của nhà máy giết mổ, chế biến thịt JBS và BRF thì tạm dừng kiểm dịch nhập khẩu.
“Cục Thú y chuẩn bị đề nghị Bộ NN-PTNT xem xét tạm ngừng nhập khẩu thịt từ Brazil có nguồn gốc từ các nhà máy có nguy cơ mất an toàn thực phẩm đang bị cảnh báo” - ông Đông nói.
Sáng cùng ngày, trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, Thứ trưởng Bộ NN-PTNT Vũ Văn Tám xác nhận ông đã chủ trì cuộc họp với lãnh đạo Cục Thú y và Cục Chăn nuôi về vấn đề thịt bẩn của Brazil, đồng thời giao lãnh đạo 2 đơn vị này kiểm tra, rà soát các vấn đề liên quan đến nhập khẩu thịt từ Brazil. Sau khi Cục Thú y và Cục Chăn nuôi chính thức có văn bản đề xuất, Bộ NN-PTNT sẽ quyết định tạm dừng nhập khẩu thịt từ Brazil.
Trước đó, cảnh sát Brazil đã ra thông báo mở cuộc điều tra vụ xuất khẩu thịt bẩn, được cho là bê bối lớn nhất trong lịch sử ngành nông nghiệp, sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm thịt của nước này. Theo đó, các cơ quan chức năng nước này đang tiến hành điều tra, thu thập chứng cứ cáo buộc nhiều công ty, trong đó có JBS và BRF - 2 công ty sản xuất thịt lớn nhất Brazil cũng như của thế giới - đã hối lộ nhân viên nhà nước để họ cho phép lưu thông và xuất khẩu sản phẩm thịt nhiễm bẩn.
Bình luận (0)