"Tình hình xấu đi" - là nhận định của không ít doanh nghiệp (DN) ngành dệt may, da giày khi dịch Covid-19 trở lại tại Việt Nam và chưa kiểm soát được trên phạm vi toàn thế giới.
"Gồng" mình vượt suy thoái
Ông Lê Tiến Trường, Tổng Giám đốc Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex), cho hay trong 6 tháng đầu năm, tuy chịu ảnh hưởng nặng nề từ đại dịch Covid-19 nhưng vẫn có nguồn hàng kéo lại là khẩu trang và PPE (trang bị bảo hộ cá nhân). Nhờ đó, các đơn vị sản xuất của tập đoàn chưa bị lâm vào tình trạng thiếu việc làm trầm trọng, vẫn có thanh khoản tốt do bán hàng khẩu trang và PPE, chủ yếu thu tiền trực tiếp, kể cả ứng trước. Thêm vào đó, đơn giá thời gian đầu cho xuất khẩu những sản phẩm này tương đối hiệu quả.
Doanh nghiệp dệt may đang nỗ lực tối đa để giữ được việc làm cho người lao động .Ảnh: TẤN THẠNH
Tuy nhiên, tình hình sẽ khác rất nhiều trong 6 tháng cuối năm. Ông Lê Tiến Trường cho rằng thị trường và nhu cầu PPE đang và sẽ thu hẹp rất nhanh khi những dấu hiệu cho thấy cầu sẽ sớm về mức bình thường từ tháng 9-2020. Trong khi đó tại Việt Nam, việc nhiều nhà sản xuất ồ ạt lao vào mặt hàng này giai đoạn vừa qua đã dẫn tới cung lớn hơn cầu, đồng thời giá cả đã tới giới hạn của chi phí nên không dễ tiêu thụ và mang lại hiệu quả.
Ngoài ra, việc các quốc gia đưa ra lệnh chấm dứt giãn cách, không bắt buộc sử dụng khẩu trang nữa trong khi việc làm và thu nhập của người dân vẫn chưa phục hồi… sẽ khiến mức cầu hàng tiêu dùng chưa thể trở lại. Những khảo sát gần đây trên cả thị trường quốc tế và trong nước đều cho chung một nhận định là người tiêu dùng ưu tiên tài chính cho nhu cầu về dược phẩm, thực phẩm và gửi tiền tiết kiệm; ngân sách dành cho hàng may mặc rất hạn chế. "Việc tổng cầu giảm sẽ đẩy cuộc cạnh tranh giữa các quốc gia sản xuất dệt may trở nên khốc liệt hơn, như: giá thấp hơn, áp lực của người mua lớn hơn. Đặc biệt, trong 6 tháng đầu năm, do Việt Nam không bị ngừng sản xuất như Trung Quốc hay Bangladesh vì cách ly xã hội, nhờ đó thị phần của dệt may Việt Nam tại Mỹ và EU đã tăng lên. Cuộc chiến giành lại thị phần sẽ diễn ra gay gắt trong thời gian tới" - ông Trường dự báo.
Nêu thực trạng DN dệt may TP HCM hụt đến 30% đơn hàng trong quý III/2020 và nhiều DN chưa có đơn hàng cho quý IV, đại diện Hội Dệt may Thêu đan TP cho biết một số DN vẫn đang cố duy trì hoạt động, nuôi nhân công bằng những đơn hàng sản xuất khẩu trang vải. Tuy nhiên, nhu cầu tiêu thụ khẩu trang vải không cao, DN sản xuất lẫn phân phối vẫn còn thừa một lượng lớn khẩu trang vải từ đợt dịch trước nên tình hình sản xuất, kinh doanh nhìn chung ảm đạm, phải "gồng" lên để vượt suy thoái.
"Thông thường, mùa này đang vào cao điểm sản xuất nhưng năm nay thì không có cao điểm. DN tôi còn tồn gần 2 triệu sản phẩm trong kho. Trong ngành này, khách hàng đặt hàng và dự báo thị trường, DN sẽ sản xuất theo đơn hàng cũng như đón đầu thị trường để duy trì việc làm cho công nhân. Năm nay DN cũng sản xuất đón đầu nhưng dịch bệnh khiến tiêu thụ chậm, khách không mua nên hàng vẫn còn tồn. Trong khi đó, đặc thù của hàng may mặc thời trang là theo mùa, lỡ mùa thì rất khó bán" - tổng giám đốc một DN may mặc tại TP HCM nói và cho biết thêm quan trọng nhất đối với DN lúc này là dòng tiền và thị trường.
Đẩy mạnh thị trường nội địa
Ông Lê Tiến Trường thừa nhận với gần 160.000 lao động, Vinatex đang ngày đêm nỗ lực tìm giải pháp để không ai mất việc làm.
Nhìn nhận thách thức trong 6 tháng cuối năm 2020 là rất lớn khi xuất khẩu có nguy cơ giảm tới 30%-40% so với năm trước và thời gian thanh toán kéo dài hơn, ông Trường cho biết tập đoàn đã đặt ra nhiều giải pháp để ứng phó. "Tình hình thị trường của hầu hết sản phẩm trong chuỗi cung ứng dệt may đều khó khăn, chỉ những sản phẩm cơ bản mới có nhu cầu cao hơn. Do đó, cần triển khai giải pháp để phục vụ được các mặt hàng cơ bản cho khách hàng và chấp nhận phương án sản xuất linh hoạt, không chuyên môn hóa trong ngắn hạn. Ngoài ra, tiếp tục tiết kiệm chi phí, nâng cao năng lực cạnh tranh" - ông Trường nói.
Mặc dù quy mô của thị trường nội địa nhỏ, chỉ chiếm 10% đối với năng lực của ngành, không thể giải quyết hết việc làm nhưng ông Trường vẫn nhìn nhận đây là một giải pháp cho tâm lý người lao động, khích lệ tinh thần sử dụng hàng Việt Nam. "Chúng tôi mong Chính phủ tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tín dụng, giãn/ hoãn các khoản phải nộp cho DN" - ông Trường đề xuất.
Bà Phan Thị Thanh Xuân, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Da - Giày - Túi xách Việt Nam, cũng đánh giá thị trường trong nước rất nhỏ bé so với năng lực xuất khẩu. Tuy nhiên, trong bối cảnh xuất khẩu gặp khó, quay về thị trường trong nước là giải pháp tình thế cần thiết. "Không thể thay thế được thị trường Mỹ và châu Âu nhưng trong lúc này, tiêu thụ được sản phẩm ở đâu cũng tốt cả" - bà Xuân bộc bạch.
Ông Nguyễn Văn Miêng, Tổng Giám đốc Tổng Công ty CP Dệt May Nam Định, chia sẻ để bảo đảm duy trì việc làm cho người lao động, DN đã có những xoay chuyển trong cơ cấu sản xuất. Chẳng hạn, trước đây, tổng công ty đạt sản lượng sản xuất sợi 1.100 tấn, trong đó xuất khẩu 65%, thì nay xuất khẩu còn 45% và phần còn lại được đẩy mạnh ở thị trường nội địa. Với mặt hàng vải, hiện DN sản xuất khoảng 1,2 triệu mét/tháng nhưng có khả năng bị sụt giảm khoảng 23.000-300.000 mét/tháng vào 2 quý cuối năm. Do đó, DN đang mở rộng thị trường ở phía Bắc, hướng tới dòng sản phẩm mới và tận dụng lợi thế vải qua nhuộm để bán sản phẩm đã qua hoàn tất, cung cấp cho các công ty may. Đồng thời, nâng cao liên kết chuỗi sợi - dệt - nhuộm để các đơn vị trong chuỗi cùng ổn định và phát triển. "Mặc dù 6 tháng cuối năm bị lỗ nhưng với sự xoay chuyển trên, sản xuất và tiêu thụ mặt hàng sợi, vải, nhuộm của tổng công ty cả năm dự kiến sẽ có tăng trưởng, có thể tiến rất gần đến kế hoạch đã đề ra" - ông Miêng tự tin.
Kỳ vọng thị trường xuất khẩu
Với thị trường xuất khẩu, Hiệp định Thương mại tự do EU- Việt Nam (EVFTA) vừa chính thức có hiệu lực từ 1-8 với ưu đãi giảm hơn 70% thuế suất thuế nhập khẩu hàng may mặc từ Việt Nam đang mở ra nhiều triển vọng cho DN. Thêm vào đó, trào lưu hạn chế hàng hóa "made in China" cũng tạo cơ hội cho hàng Việt Nam tại nhiều thị trường, đặc biệt là châu Âu, Mỹ, Nhật, Hàn Quốc.
"Vấn đề là chi phí sản xuất của Việt Nam đang cao hơn Bangladesh, Malaysia và cả Campuchia nên giá bán kém cạnh tranh. Riêng với thị trường EVFTA, DN Việt Nam muốn hưởng ưu đãi thuế xuất khẩu phải sử dụng nguyên liệu nội khối - trong khi giá nguyên liệu từ một số quốc gia trong nội khối đang cao hơn nguyên liệu Trung Quốc 10%-15% thì trước mắt, chúng ta vẫn khó hưởng lợi từ thị trường này. Dù vậy, cơ hội sẽ rất lớn cho những DN đầu tư bài bản, có chiến lược lâu dài, bền vững" - ông Phạm Văn Việt, Chủ tịch HĐQT Công ty TNHH Việt Thắng Jean (Vitajean), nhận xét.
Ông Việt cũng cảnh báo khả năng năm 2021-2022 thế giới sẽ rơi vào khủng hoảng kinh tế, các nước sẽ tăng cường bảo hộ thị trường nên DN phải tính toán để có giải pháp tồn tại, thích nghi tình hình mới. Và một trong những giải pháp lúc này là tận dụng thị trường ASEAN, chuyển hướng sang những thị trường đã kiểm soát tốt dịch bệnh và tăng tiếp cận khách hàng, đối tác thông qua kênh thương mại điện tử.
Theo bà Phan Thị Thanh Xuân, do đặc thù sản phẩm dệt may, da giày không tiêu thụ nhiều ở trong nước được nên giải pháp quan trọng hiện nay vẫn là tiếp tục tìm kiếm, mở rộng thị trường. Nhà nước cần hỗ trợ DN nhiều hơn trong xúc tiến thương mại đến tất cả thị trường tiềm năng dù ít hay nhiều theo tinh thần "tích tiểu thành đại". "DN trong ngành da giày đang tích cực tìm kiếm, thu hút các nhà đầu tư nước ngoài để liên kết duy trì hoạt động bởi một mình DN trong nước sẽ khó xoay trở. Để thành công, chúng tôi mong Chính phủ tháo gỡ thủ tục hành chính liên quan đến cấp phép khu công nghiệp, thủ tục chuẩn bị đầu tư…, giúp đỡ DN triển khai được dự án đầu tư, đặc biệt là các DN đang trong quá trình tái cấu trúc để nâng cao năng lực cạnh tranh" - bà Xuân bày tỏ.
Những giải pháp dù không mới cũng được bà Xuân nhắc lại là tiếp tục giãn, hoãn nợ ngân hàng; ưu đãi thuế; đơn giản hóa thủ tục tiếp cận các gói tín dụng… để tạo động lực cho DN vượt qua suy thoái.
(*) Xem Báo Người Lao Động từ số ra ngày 10-8
Phải đầu tư cho "chợ mạng"
Theo các DN dệt may, da giày, dịch Covid-19 diễn biến phức tạp trên phạm vi toàn cầu gây ảnh hưởng nghiêm trọng và làm thay đổi hành vi, thói quen tiêu dùng. Người tiêu dùng mua sắm online nhiều hơn, các website thương mại điện tử và mạng xã hội trở thành kênh mua sắm chính của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Dù vậy, nhiều DN may mặc vẫn còn khá chậm chạp trong việc nắm bắt xu thế, đầu tư phát triển kênh phân phối này mà vẫn phụ thuộc vào những kênh phân phối sẵn có. Một số DN cũng đã đẩy hàng lên "chợ mạng" nhưng chưa hiệu quả, doanh thu còn thấp.
Bình luận (0)