Bà Nguyễn Thị Ánh Hoa, Phó Giám đốc Sở Du lịch TP HCM, cho biết dịch Covid-19 trở lại đã ảnh hưởng nặng nề đến hoạt động của doanh nghiệp (DN) trong ngành du lịch, đặc biệt là các DN lữ hành.
Khó khăn chồng chất
Thống kê từ các DN trên địa bàn TP cho thấy ở khối lữ hành có gần 90% DN phải ngưng hoạt động, phần còn lại được cho làm việc tại trụ sở, ở nhà hoặc cho đi xử lý, giải quyết công nợ, tour tuyến cho khách hàng. Nhiều DN đang cho 80%-90% nhân viên nghỉ không hưởng lương.
Ở khối lưu trú, các khách sạn từ 3-5 sao đã cho nhân viên nghỉ việc không hưởng lương hoặc chấm dứt hợp đồng, số lượng lên tới 80%-90%; trong khi khách sạn 1-2 sao cũng tình trạng tương tự hoặc cho nhân viên nghỉ hẳn. "Thực trạng khó khăn của DN rất nghiêm trọng, không chỉ xảy ra ở TP mà còn nhiều địa phương trên cả nước" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa nói.
Trong bối cảnh này, nỗi lo lắng của các DN trong ngành là nguồn nhân lực du lịch, đặc biệt nguồn nhân lực có tay nghề như hướng dẫn viên, quản lý cấp trung… phải nghỉ việc, tìm kiếm công việc khác. Nguy cơ khi dịch được kiểm soát tốt và ngành du lịch khôi phục lại sẽ khó có đủ nguồn nhân lực để đáp ứng.
Trao đổi với phóng viên Báo Người Lao Động, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty Vietravel, nêu một vấn đề đáng ngại là sau đợt dịch đầu tiên, nhân sự ngành du lịch bị bào mòn rất nhiều. Trước tháng 8, chỉ 3/5 lực lượng lao động của Vietravel đi làm lại, 1/5 vẫn đang ở nhà chờ việc, còn lại đã chuyển việc khác.
"Gần đây, khi dịch tái bùng phát, khả năng số nhân viên mới được trở lại làm sẽ bị giảm tiếp. Chúng tôi còn như vậy thì những DN khác trong ngành cũng chịu ảnh hưởng mạnh không kém" - ông Nguyễn Quốc Kỳ nói.
Làm sao để giữ lại nguồn nhân lực chất lượng cao cũng là bài toán được ông Phan Xuân Anh, Chủ tịch HĐQT Công ty Du ngoạn Việt, nhấn mạnh trong những đề xuất về chính sách hỗ trợ của nhà nước đối với DN du lịch giai đoạn này.
"Hiện rất nhiều hướng dẫn viên, người làm trong ngành du lịch có tay nghề, có kinh nghiệm nhiều năm nhưng do công ty cắt giảm nhân sự, tạm ngừng hoạt động đã phải chuyển nghề, chạy xe công nghệ, bán hàng online… Do đó, chính sách hỗ trợ của nhà nước cần tập trung "cứu" những DN tốt, có thương hiệu trên thị trường; đặc biệt có chính sách để DN có thể giữ chân người lao động có tay nghề, không bị chảy máu chất xám" - ông Phan Xuân Anh đề xuất.
Hướng dẫn viên và nhân viên công ty du lịch tham gia bán hàng tại một sự kiện do Chi hội Hướng dẫn viên du lịch TP HCM tổ chức mới đây. Ảnh: LAM GIANG
Mong chính sách hỗ trợ sớm tới tay DN
Nói về giải pháp ứng phó khi dịch Covid-19 trở lại, dù khó khăn như "vừa bị giáng một cú đánh bồi bất ngờ" - ông Nguyễn Quốc Kỳ chia sẻ DN vẫn đang cố gắng hoạt động để duy trì. Kinh nghiệm từ lần dịch trước giúp công ty đối diện với làn sóng thứ 2 bình tĩnh hơn.
Ngay khi có thông tin dịch bùng phát tại Đà Nẵng, Vietravel đã chủ động sắp xếp lại hoạt động, điều chỉnh ngay toàn bộ phân khúc và phân vùng sản phẩm. Thị trường nào còn mở phải cân đối lại. Đồng thời, chủ động làm việc với các đơn vị trong hệ thống phân phối để sắp xếp lại hệ thống sản phẩm; tăng cường biện pháp phòng ngừa; phục vụ theo nhu cầu đi du lịch an toàn của một bộ phận khách hàng…
Ông Nguyễn Ngọc Toản, Giám đốc Công ty Images Travel (chuyên đón khách châu Âu), cho biết từ khi dịch xảy ra, DN đã bị ảnh hưởng nặng nề vì đến nay, thị trường du lịch quốc tế vẫn chưa mở cửa lại. Để tiếp tục hoạt động, DN đã chuyển hướng sang thị trường nội địa, đầu tư tour tuyến với hy vọng duy trì trong dịp hè nhưng dịch Covid-19 tái phát đã khiến tour nội địa cũng phải hủy. DN đã phải cho nghỉ bớt nhân viên và xu hướng này sẽ tiếp tục trong bối cảnh khó khăn này.
Để có thể "sống" được qua dịch, công ty đề xuất nhà nước hoàn thuế TNDN khoảng 20%-30% cho ngành du lịch trong 3 năm gần nhất, để DN có dòng tiền tiếp tục duy trì hoạt động kinh doanh. "Chúng tôi vừa họp trực tuyến với hàng chục DN cùng khai thác tour Inbound (chuyên đón khách quốc tế) ở nhiều quốc gia và thấy rằng nhiều nước cũng có chính sách hỗ trợ DN vượt qua giai đoạn đại dịch này. Cụ thể, chính sách thay DN trả lương cho người lao động, vừa để giữ chân nguồn lực chất lượng vừa giúp DN vượt khó. Trong điều kiện của Việt Nam hiện tại, DN chỉ đề xuất được hoàn thuế TNCN khoảng 20%-30% trong 3 năm gần nhất, DN sẽ có dòng tiền để tiếp tục nuôi hy vọng phục hồi sau dịch" - ông Nguyễn Ngọc Toản kiến nghị.
Theo ghi nhận, khó khăn là vậy nhưng chính sách hỗ trợ của nhà nước lại chưa đến được với nhiều DN du lịch. Tại TP HCM, DN cho biết rất khó tiếp cận được chính sách ưu đãi về thuế, phí, tín dụng, bảo hiểm… Đơn cử như gói hỗ trợ 62.000 tỉ đồng, các tiêu chí để DN hưởng chính sách rất khó khăn, trên địa bàn TP HCM chưa tới 10 hướng dẫn viên được trợ cấp từ gói này.
"Các cơ sở lưu trú du lịch cho biết hồ sơ nộp từ tháng 4-2020 mới được giải quyết; còn nộp từ tháng 5 đến nay chưa tiếp cận được. Chính sách có độ vênh, một phần do sự chưa hiểu rõ của địa phương, phần cần điều chỉnh quy định để chính sách đi vào cuộc sống, hỗ trợ DN nhiều hơn. Ngay chính sách tín dụng, DN du lịch cũng không tiếp cận được dù họ chấp nhận lãi suất vay cao do được đánh giá là ngành có rủi ro" - bà Nguyễn Thị Ánh Hoa phân tích.
Đề xuất vay lại tiền ký quỹ
Theo quy định, DN khai thác tour nội địa sẽ phải ký quỹ 100 triệu đồng; DN khai thác tour nước ngoài, đón khách quốc tế đến Việt Nam ký quỹ 500 triệu đồng. Trong bối cảnh khó khăn về thanh khoản và dòng tiền do dịch, nhiều DN kiến nghị Chính phủ có chính sách cho DN vay ưu đãi lại khoản tiền ký quỹ này để DN có dòng tiền góp phần trả lương cho nhân viên, duy trì hoạt động...
Trong trường hợp dịch còn kéo dài, nhà nước cần lưu ý đến nhóm giải pháp đào tạo và tái cơ cấu ngành, tập trung vào đào tạo nguồn nhân lực để có đội ngũ nhân sự tốt có thể hoạt động ngay khi du lịch khôi phục trở lại.
(*) Xem Báo Người Lao Ðộng từ số ra ngày 10-8
Bình luận (0)