Ngày 5-8, chuyến bay BL 793 của hãng hàng không Jetstar Pacific dự định cất cánh lúc 9 giờ 55 phút từ Hà Nội đi TPHCM. Khi 180 hành khách đã lên máy bay ổn định chỗ ngồi, hành khách Chu Phú Tài, 14 tuổi, đã bấm nút mở cửa thoát hiểm ở bên phải thân máy bay khiến phao trượt bung ra. Hậu quả là toàn bộ 180 khách phải chờ đến 15 giờ 55 phút cùng ngày mới được bay. Hãng hàng không phải đem cửa thoát hiểm sang nước ngoài sửa chữa.
Để bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động hàng không, Cục Hàng không VN đang hoàn chỉnh dự thảo nghị định thay thế Nghị định 91/2007/NĐ-CP của Chính phủ về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không dân dụng. Theo dự thảo những trường hợp như trên sẽ bị tăng mức phạt tiền.
Hoang tin bị phạt tới 30 triệu đồng
Theo Chánh thanh tra Cục Hàng không VN, ông Nguyễn Trọng Thắng, trong hai năm gần đây, đã có khoảng 7 trường hợp khách tự ý mở cửa thoát hiểm máy bay. Các hãng hàng không cho biết rất sợ các trường hợp này vì nó đang xảy ra ngày càng nhiều và không hiểu tại sao khách lại mở được cửa. Tại vị trí cửa thoát hiểm đã có thông báo cấm mở. Hơn nữa, để mở được cửa thoát hiểm cần hàng loạt thao tác mà tiếp viên hàng không phải được huấn luyện mới có thể mở. Nghị định 91/2007/NĐ-CP không quy định mức phạt cụ thể đối với hành vi nói trên nhưng dự thảo đang đề nghị tăng khung xử phạt lên mức 10-20 triệu đồng.
Ông Thắng cũng cho biết các hành vi vi phạm phổ biến khác đối với hành khách đi máy bay là sử dụng điện thoại di động, hút thuốc lá không đúng nơi quy định và gây mất trật tự. Hành vi hút thuốc trong buồng vệ sinh hoặc những nơi không được phép, trước chỉ phạt từ 200.000 đồng đến 1 triệu đồng, nay sẽ đề nghị tăng lên 1-5 triệu đồng. Đáng lưu ý là lần đầu tiên, hành vi hành khách sử dụng các loại thiết bị điện tử, thiết bị thu phát sóng trên máy bay khi không được phép (trong đó có điện thoại di động) cũng được đưa vào khung phạt này. Theo quy định hiện hành, việc sử dụng điện thoại trên máy bay chưa bị xử phạt nên rất nhiều hành khách bỏ qua khuyến cáo của phi hành đoàn, khi máy bay cất cánh vẫn chưa tắt điện thoại hoặc bật điện thoại ngay khi máy bay chưa tiếp đất. Mức phạt cao nhất đối với hành khách là 30 triệu đồng, được áp dụng với hành vi tung tin, lan truyền hoặc cung cấp thông tin sai về việc có bom, chất nổ...
Không để lộn xộn
Đối với nhà vận chuyển và nhân viên hàng không, nhiều mức phạt cũng tăng lên nhằm mục đích răn đe. Mức phạt cao nhất là 100 triệu đồng. Hiện tượng một số phi công vi phạm quy tắc, phương thức bay như đáp xuống khi chưa được lệnh của điều hành không lưu, đáp ngược chiều sẽ bị phạt từ 10-15 triệu đồng. Ông Nguyễn Trọng Thắng cho biết để vận chuyển hàng không bảo đảm văn minh, không lộn xộn như đi tàu, đi xe, cơ quan soạn thảo cũng đề nghị tăng mức phạt đối với hành vi nhân viên hàng không trộm cắp, chiếm đoạt tài sản của khách lên mức 1-5 triệu đồng.
Một trong những điểm mới của dự thảo là tăng mức xử phạt đối với tổ chức, giảm nhẹ đối với cá nhân vi phạm để buộc các tổ chức phải bảo đảm được tính hệ thống trong cung cấp dịch vụ, giám sát tốt hơn hoạt động của mình. Chẳng hạn với hiện tượng nhân viên của hãng hàng không Indochina Airlines trong lúc chuyển kiện hàng có con chó đá làm va quệt, gây lõm thân máy bay, cá nhân vi phạm bị xử phạt nhưng bộ phận giám sát sẽ bị phạt nặng hơn.
Theo Cục Hàng không VN, tính đến ngày 30-6-2009, các cơ quan chức năng đã xử phạt đối với 84 tổ chức, cá nhân có hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng không, thu gần 300 triệu đồng. Khoảng 30 nhân viên hàng không bị tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ chuyên môn. Trong đó, đối tượng bị xử phạt hành chính gồm: các hãng hàng không 2 trường hợp, nhân viên hàng không 40 trường hợp, hành khách 38 trường hợp, đối tượng khác 4 trường hợp. Hình thức xử phạt thấp nhất là cảnh cáo và cao nhất là phạt tiền với mức xử phạt là 25 triệu đồng.
Máy bay của VNA nổ lốp khi hạ cánh khẩn cấp (NLĐ)- Theo Tổng Công ty Hàng không VN (Vietnam Airlines-VNA), ngày 7-8, chuyến bay Airbus A320, số hiệu VN453 của Vietnam Airlines cất cánh từ Nha Trang đã gặp sự cố khi đáp xuống sân bay Tân Sơn Nhất. Khi chuẩn bị hạ cánh, tổ lái đã phát hiện dấu hiệu bất thường trong hệ thống dầu thủy lực tại càng máy bay, buộc phải hạ cánh theo trường hợp khẩn cấp. Chiếc máy bay Airbus A320 đã phải sử dụng phanh khẩn cấp và dừng tại đoạn cuối mép đường băng. Toàn bộ 164 hành khách, tổ bay, hành lý và hàng hóa đều an toàn. Theo thông tin ban đầu, máy bay bị nổ hai lốp sau do việc phanh khẩn cấp nhưng không bị hư hại khác sau sự cố.
Hiện nay, Vietnam Airlines đang phối hợp với Cục Hàng không và các đơn vị liên quan tiến hành kiểm tra để làm rõ nguyên nhân sự việc. |
Bình luận (0)