Theo Bộ NN-PTNT, EU là thị trường tiêu thụ nhiều cà phê nhất của Việt Nam, chiếm 40% trong tổng sản lượng và 38% về tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước với giá trị từ 1,2 - 1,4 tỉ USD/năm trong 5 năm gần đây. Từ ngày 1-8, khi EVFTA có hiệu lực, EU đã xóa bỏ thuế (còn 0%) cho toàn bộ các mặt hàng cà phê của Việt Nam từ mức 7%-12% trước đó. Nhờ đó, ngay trong tháng 8, giá trị xuất khẩu mặt hàng này của Việt Nam vào thị trường EU ước đạt gần 76 triệu USD, tăng 34,7% so với tháng 7.
Đối với ngành rau quả, trong tháng 8, giá trị xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 14,7 triệu USD, tăng 25,2% so với tháng trước và tăng 6% so với cùng kỳ năm 2019. EU là thị trường xuất khẩu lớn của rau quả Việt Nam và ngay khi EVFTA có hiệu lực, EU xóa bỏ 94% trong tổng số 547 dòng thuế rau quả và các sản phẩm chế biến từ rau quả. Cam kết này của EU tạo ra lợi thế lớn cho rau quả Việt Nam so với Thái Lan, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia… do chưa có Hiệp định Tự do thương mại (FTA) với EU. Trong đó, chanh leo là một trong những mặt hàng được thị trường EU rất quan tâm, là loại quả có nhiều tiềm năng xuất khẩu trong thời gian tới. Tính đến 6 tháng đầu năm 2020, xuất khẩu chanh leo của Việt Nam đạt 18,4 triệu USD, tăng 41% so với cùng kỳ năm 2019.
Hiện Việt Nam thuộc top 10 quốc gia xuất khẩu chanh leo lớn nhất trên thế giới, sau Brazil, Peru, Ecuador… Năm 2019, các sản phẩm chế biến từ chanh leo xuất khẩu chiếm tỉ trọng cao (trên 65% tổng giá trị chanh leo xuất khẩu) và có tốc độ tăng trưởng mạnh nhất trong các loại trái cây với hơn 50% so với năm 2018.
Chanh leo là mặt hàng xuất khẩu có tiềm năng của Việt Nam
Tính chung nhóm ngành nông - lâm - thủy sản, nhờ EVFTA, trong tháng 8 Việt Nam đã xuất khẩu sang EU 350 triệu USD, tăng 17% so với tháng 7.
Bình luận (0)