xem thêm
An Giang
Bình Dương
Bình Phước
Bình Thuận
Bình Định
Bạc Liêu
icon 24h qua
Đăng nhập
icon Đăng ký gói bạn đọc VIP

EVFTA chính thức có hiệu lực

Phương Nhung

Để tận dụng EVFTA trong bối cảnh đại dịch Covid-19 diễn biến khó lường, doanh nghiệp Việt Nam cần thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu thông qua các kênh trực tuyến, tăng cường hậu mãi, logistics...

Hôm nay, 1-8, Hiệp định Thương mại tự do giữa Liên minh châu Âu (EU) và Việt Nam - (EVFTA) chính thức có hiệu lực. Trước thềm bước ngoặt lớn này, ngày 31-7, Bộ Công Thương phối hợp với Hiệp hội Doanh nghiệp (DN) châu Âu tại Việt Nam (EuroCham) đã tổ chức Diễn đàn trực tuyến Hợp tác thương mại và công nghiệp với đối tác EU tại 27 điểm cầu ở TP Hà Nội, TP HCM và các thương vụ Việt Nam tại châu Âu.

Háo hức chờ đón

Phát biểu khai mạc diễn đàn ở đầu cầu Hà Nội, Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cho biết trong gần 3 thập kỷ kể từ khi Việt Nam và EU thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1990, giá trị thương mại và đầu tư đã không ngừng phát triển. Trong khoảng 20 năm trở lại đây, giá trị thương mại 2 chiều tăng hơn 13 lần, từ khoảng 4,1 tỉ USD năm 2000 lên 56,45 tỉ USD năm 2019. Về đầu tư, 5 tháng đầu năm 2020, có 26/27 nước thuộc EU đầu tư tại Việt Nam với 2.040 dự án và tổng vốn 21,66 tỉ USD. "Những con số trên là cơ sở để cộng đồng DN hai bên háo hức đón chào bước ngoặt mới trong lịch sử quan hệ kinh tế, thương mại Việt Nam và EU khi EVFTA chính thức có hiệu lực vào ngày 1-8" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng kỳ vọng.

Nhắc lại gần 100% dòng thuế được cắt giảm theo lộ trình 7-10 năm, Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng cho rằng thị trường cho hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ mở rộng hơn nữa, đặc biệt là các sản phẩm thế mạnh của Việt Nam như nông sản nhiệt đới, thủy sản, giày dép, dệt may, đồ gỗ... Ngược lại, những mặt hàng thế mạnh của EU như ôtô, dược phẩm, hóa chất... cũng khai thác được thị trường Việt Nam rất tiềm năng. Đồng thời, các nhà đầu tư châu Âu có thể tận dụng ưu thế của Việt Nam để phát triển mạnh mẽ hơn nữa tại thị trường vốn được coi là năng động nhất Đông Nam Á và là cửa ngõ của khu vực.

Ông Jean-Jacques Bouflet, Phó Chủ tịch EuroCham, cho biết có 74% lãnh đạo DN EU cho rằng EVFTA tác động tích cực đến họ trong tương lai gần, còn với tương lai xa hơn có tới 90% DN đánh giá tốt. Ông cũng nhấn mạnh đây là hiệp định tham vọng và toàn diện nhất mà EU ký với một quốc gia đang phát triển, góp phần đem lại sự cải thiện về môi trường, xã hội và phát triển bền vững. Từ đây, cũng sẽ hình thành tiêu chuẩn vàng về cách thức để khu vực kinh tế này đàm phán với quốc gia khác trong tương lai. "Chúng tôi sẽ có khả năng tiếp cận tốt hơn vào thị trường tiêu dùng Việt Nam. Những loại hàng hóa như rượu vang, rượu mạnh... có điều kiện cạnh tranh công bằng với hàng loạt hiệp định khác mà Việt Nam đã ký trước đây. Đồng thời hình thành một dòng chảy hàng hóa của Việt Nam gia tăng thâm nhập vào 27 nước EU, nhất là sản phẩm cà phê, hải sản, máy móc, linh kiện, giày dép... Xa hơn nữa, EVFTA là phiếu bầu mạnh mẽ, thể hiện niềm tin của EU với Việt Nam qua đánh giá mức độ cải cách..." - ông Jean-Jacques Bouflet nhận xét.

Đại sứ Ý tại Việt Nam, ông Antonio Alessandro, nhận định EVFTA đến vào thời điểm đặc biệt, khi suy thoái kinh tế diễn ra trên toàn thế giới dưới tác động của dịch bệnh, sẽ là cơ hội cho cả Việt Nam và Ý. "Trước giờ chúng tôi nhìn nhận Việt Nam là thị trường sản xuất với cơ hội để tận dụng thuế thấp, lao động giá rẻ. Nhưng thật ra Việt Nam có lợi thế nhiều hơn, thể hiện qua thu nhập và chi tiêu ngày càng tăng, tầng lớp trung lưu tăng nhanh... là cơ hội để tiêu thụ sản phẩm, cân bằng thặng dư thương mại giữa hai bên. Ý là một trong những quốc gia thành công nhất trong cung cấp công nghệ cho Việt Nam trong lĩnh vực dệt, chế biến thực phẩm, EVFTA có thể mang lại đầu tư tăng thêm" - ông Antonio Alessandro bày tỏ.

EVFTA chính thức có hiệu lực - Ảnh 1.

Cánh cửa thị trường EU chính thức mở rộng từ ngày 1-8 để chào đón các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam. Trong ảnh: Chế biến cá tra xuất khẩu tại Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đa quốc gia (IDI, tỉnh Đồng Tháp). Ảnh: NGỌC TRINH

Đổi mới cách tiếp cận

Kỳ vọng lớn vào EVFTA nhưng Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng cũng cho rằng ưu đãi từ các hiệp định chỉ được xem là yếu tố hỗ trợ, vấn đề tiên quyết để thành công vẫn phụ thuộc vào nội lực và quyết tâm đổi mới chính mình của các DN. "Hơn lúc nào hết, DN cần phải thay đổi tư duy tiếp cận toàn cầu, nỗ lực chủ động nâng cao năng lực sản xuất nội tại và khả năng tham gia thương mại quốc tế để tận dụng những lợi thế mà EVFTA và EVIPA (Hiệp định Bảo hộ đầu tư) đem lại, từ đó trụ vững và phát triển trên thị trường" - Thứ trưởng nhấn mạnh và cho biết Chính phủ, Bộ Công Thương và hệ thống thương vụ sẽ nỗ lực hết sức để hỗ trợ DN về thông tin thị trường, giải quyết vướng mắc, làm cầu nối...

Tham tán thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU Trần Ngọc Quân nhận định đại dịch khiến nhiều quốc gia thắt chặt chi tiêu nhưng vẫn có triển vọng ở khối thương mại trực tuyến khi một bộ phận không nhỏ chuyển từ mua sắm trực tiếp sang mua sắm online. Do vậy, nếu DN Việt Nam khai thác được nền tảng điện tử, làm tốt khâu hậu mãi, logistics..., hoàn toàn có thể khai thác được thị trường châu Âu. Mặt khác, khi nền kinh tế lâm vào khó khăn, các quốc gia có xu hướng tìm nguồn hàng có tính chất cạnh tranh và đây là cơ hội cho Việt Nam.

Đại diện thương vụ Việt Nam tại Pháp đánh giá thời điểm dịch Covid-19 bùng phát đã cho thấy DN Việt Nam rất năng động, vừa đối phó dịch bệnh vừa quan tâm tận dụng các cơ hội mới từ EVFTA. Theo vị này, để có thể đưa sản phẩm vào sâu thị trường Pháp, DN xuất khẩu cần lưu ý nhất là các loại điều kiện, giấy chứng nhận về vệ sinh an toàn thực phẩm. "Người Pháp có nhu cầu nông sản hữu cơ rất lớn. Việt Nam nên sản xuất những sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn của thị trường đối tác để đi trước, tạo lợi thế cạnh tranh với các nước khác. Cơ hội lớn nhưng làm thế nào để tận dụng được phụ thuộc vào cách DN Việt đổi mới tiếp cận, tận dụng thương mại điện tử để phù hợp với tình hình mới" - đại diện thương vụ tại Pháp lưu ý và khẳng định thương vụ luôn đồng hành, hỗ trợ tốt nhất cho DN.

Vị đại diện này cũng cho biết DN xuất khẩu có thể tận dụng các kênh phân phối của Pháp như siêu thị, đại siêu thị và chợ đầu mối nông sản. Tất nhiên, yêu cầu về chất lượng, mẫu mã, đóng gói rất cao.

Tại đầu cầu Hà Lan, đại diện thương vụ Việt Nam cho biết đã triển khai nhiều chương trình kết nối DN Việt Nam với các hiệp hội, DN Hà Lan để tiêu thụ những sản phẩm thể thao như quần áo, balô, túi xách... Từ đó, hàng dệt may của Việt Nam đã được quan tâm hơn. Phía Hà Lan trước đây chỉ hợp tác với DN dệt may Trung Quốc, Ấn Độ, Bangladesh nay đã bắt đầu chuyển hướng sang Việt Nam. Ngoài ra, chương trình kết nối xúc tiến xuất khẩu trái cây vào Hà Lan của thương vụ này cũng tiếp cận được khoảng 300 DN Hà Lan, đem lại cơ hội cho DN Việt Nam nếu biết nắm thời cơ, nhanh nhạy thay đổi và đáp ứng nhu cầu thị trường.

Ra mắt cổng tư vấn trực tuyến EVFTA

Sáng 31-7, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Chi nhánh Cần Thơ đã chính thức ra mắt cổng thông tin tư vấn trực tuyến về EVFTA cho DN ĐBSCL. Cổng thông tin do VCCI Chi nhánh Cần Thơ tổ chức thực hiện chính, phối hợp cùng Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) với Trung tâm WTO và Hội nhập VCCI. Ngoài ra, còn có sự tham gia tư vấn từ các chuyên gia độc lập trong từng lĩnh vực cụ thể của hiệp định.

Ông Nguyễn Phương Lam, Giám đốc VCCI Chi nhánh Cần Thơ, cho biết việc ra mắt cổng thông tin này giúp các DN ĐBSCL hiểu rõ hơn, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc cụ thể của EVFTA. Quy trình vận hành của cổng thông tin tư vấn như sau: DN sẽ đặt câu hỏi thông qua mực "Tư vấn trực tuyến EVFTA" tại địa chỉ: https://www.vccimekong.com/vi/cac-cau-hoi-thuong-gap hoặc có thể gửi email về Ban Thư ký (banthuky.mkpc@gmail.com). Sau khi tiếp nhận thông tin, ban thư ký sẽ gửi cho các chuyên gia trong hội đồng tư vấn trả lời và phản hồi DN trong vòng 3 ngày.

C.Linh

. Ông PHONG QUÁCH, đồng Chủ tịch Tiểu ban Thực phẩm, Nông nghiệp và Nuôi trồng thủy sản (EuroCham):

Cần cơ chế liên thông giữa thực phẩm và nông nghiệp

Để tận dụng EVFTA hiệu quả cần cơ chế liên thông về thực phẩm trong bối cảnh ngành nông nghiệp Việt Nam đang giảm dần sử dụng thuốc trừ sâu và đầu tư vào nông nghiệp hữu cơ. Nếu DN tham khảo các quy định của EU có thể phát huy tối đa lợi thế từ hiệp định này giúp gia tăng 10-15 lần về số lượng xuất khẩu.

Thời gian qua, cơ chế hợp tác giữa Bộ Công Thương với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng đã hình thành và phát triển. Để triển khai EVFTA tốt hơn, cần tiến tới cơ chế liên thông giữa thực phẩm và nông nghiệp hoặc DN cũng có thể xuất khẩu sang EU qua sàn thương mại điện tử...

Hiện có nhiều mô hình thu mua nông sản của Việt Nam rồi chế biến và xuất khẩu sang EU, nhất là các loại trái cây. Nhưng khối lượng xuất khẩu mỗi năm chỉ khoảng 150-200 tấn là quá nhỏ bé so với tiềm năng. Do đó, các DN có thể khai thác và đẩy mạnh phân khúc này.

Ngoài ra, khi hiệp định có hiệu lực, nhu cầu mới ở thị trường EU đối với ngành nông nghiệp cũng gia tăng mạnh mẽ, bên cạnh nhu cầu trong nước và các thị trường khác. Do đó, việc hoạch định về nhu cầu trong lĩnh vực này của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đến năm 2030 cũng là cần thiết.

. Ông LÊ XUÂN MINH - Trưởng Ban Kinh tế đối ngoại, Tổng Công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1):

Tránh cạnh tranh giá rẻ

EU cấp cho Việt Nam hạn ngạch miễn thuế 80.000 tấn/năm rất ít (trong đó có 30.000 tấn/năm gạo thơm), các DN không nên phung phí, đừng cạnh tranh giá rẻ để tránh thua thiệt, điều đó rất quan trọng để bảo vệ thị trường. Thông tin từ phía EU cho biết trước tiên họ mở hạn ngạch cho Việt Nam gồm 8.333 tấn gạo trắng, 12.000 tấn gạo lứt và 12.500 tấn gạo thơm Jasmine 85. Như vậy, khi một DN EU có được hạn ngạch nhập khẩu cần một đối tác xuất khẩu đủ lớn ở Việt Nam cung ứng.

Điều này dẫn đến trường hợp DN Việt Nam có nguyên liệu gạo thơm theo tiêu chuẩn miễn thuế của EU nhưng chưa có hợp đồng xuất khẩu trong khi DN có khách hàng lại không đủ số lượng hợp đồng. Do đó, nhà nước cần có cơ chế linh hoạt để DN có hợp đồng có thể thu mua nguyên liệu đạt chuẩn mà không nhất thiết phải tổ chức vùng trồng toàn bộ.

. Ông NGUYỄN HỮU NGHIỆP, Phó Cục trưởng Cục Hải quan TP HCM:

Chưa có hướng dẫn cụ thể về thuế, hải quan

Từ năm ngoái, Cục Hải quan TP đã tiến hành tập huấn, chuẩn bị các phương án đễ hỗ trợ DN trong việc triển khai áp dụng EVFTA khi hiệp định có hiệu lực. Trước đó, Cục Hải quan TP cũng đã gặp gỡ các thành viên EuroCham và DN để hướng dẫn và hỗ trợ thông tin liên quan tới EVFTA có hiệu lực từ ngày 1-8. Tuy nhiên, hiện tại vẫn chưa có biểu thuế, thông tư, nghị định chi tiết cũng như hướng dẫn chính thức từng mặt hàng, ngành hàng nên cán bộ hải quan vẫn tiến hành thông quan cho DN theo quy định hiện hành, khi nào có hướng dẫn cụ thể liên quan tới các quy định của EVFTA, hải quan sẽ hỗ trợ đầy đủ cho DN.

Ng.Ánh - T.Phương - S.Nhung ghi

Lên đầu Top

Bạn cần đăng nhập để thực hiện chức năng này!

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.

Thanh toán mua bài thành công

Chọn 1 trong 2 hình thức sau để tặng bạn bè của bạn

  • Tặng bằng link
  • Tặng bạn đọc thành viên
Gia hạn tài khoản bạn đọc VIP

Chọn phương thức thanh toán

Tài khoản bạn đọc VIP sẽ được gia hạn từ  tới

    Chọn phương thức thanh toán

    Chọn một trong số các hình thức sau

    Tôi đồng ý với điều khoản sử dụng và chính sách thanh toán của nld.com.vn

    Thông báo